Tinh hoa Việt

Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người

Khôi Nguyên 18/05/2025 14:44

Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2025 diễn ra từ 6 - 8/5 tại TP Hồ Chí Minh với chủ đề: "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững" đã khép lại với nhiều thông điệp và hoạt động đầy ý nghĩa.

xá lợi
Buổi lễ chiêm bái xá lợi Bồ tát Thích Quảng Đức tại Việt Nam quốc tự. Ảnh: Hải An.

Khoảng hơn 1.000 bài tham luận đã được gửi đến Đại lễ tập trung vào chủ đề chính, nhấn mạnh đến triết lý đoàn kết và bao dung - yếu tố cốt lõi thể hiện tinh thần từ bi, trí tuệ và hướng đến hạnh phúc an lạc chung của cộng đồng, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc.

“Những lời dạy của Đức Phật về lòng từ bi, sự khoan dung và tinh thần phụng sự vô ngã có sự tương quan sâu sắc với những giá trị của Liên hiệp quốc.
Trong thời đại mà thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng thì những nguyên tắc vượt thời gian ấy cần phải tiếp tục soi sáng con đường chung của nhân loại.
Khi chúng ta tôn vinh Đại lễ thiêng liêng này, mong rằng tất cả mọi người sẽ được truyền cảm hứng để cùng nhau hàn gắn những chia rẽ, nuôi dưỡng tình đoàn kết và cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình hơn, bền vững hơn và hòa hợp hơn.”
(Thông điệp tại Đại lễ Vesak 2025 của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc)

Trong thời gian diễn ra Đại lễ, các đại biểu đến từ các truyền thống, hệ phái Phật giáo, các nền văn hóa khác nhau,… đã cùng thảo luận, chia sẻ những cái nhìn, hiểu biết đã làm sáng lên tinh thần cốt lõi trong giáo lý của Đức Phật nhằm hướng nhân loại đến hạnh phúc, an lạc và hòa bình. Trong đó, nhấn mạnh đến tinh thần đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử, tinh thần đó đã góp phần đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, phát triển vững mạnh, hùng cường.

Điều đặc biệt của Đại lễ Vesak năm nay, là 2 hoạt động có ý nghĩa lớn. Đó là việc cung thỉnh xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bảo vật Quốc gia Ấn Độ tới Việt Nam vào đúng dịp Đại lễ. Được coi và là bảo vật thiêng liêng vô giá của nhân loại, xá lợi Đức Phật là kết tinh của tinh thần bi, trí, dũng, là hiện thân của hạnh nguyện vô ngã vị tha.

Việc thứ 2, có ý nghĩa vô cùng đặc biệt với Phật giáo Việt Nam là lần đầu tiên Trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức, biểu tượng cho sự hy sinh cao cả vì hạnh phúc của dân tộc, vì trường tồn của Phật pháp đã được rước về tôn trí tại chùa Việt Nam quốc tự để phật tử và nhân dân chiêm bái.

Tuyên bố chung Thành phố Hồ Chí Minh của Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2025 do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Quốc gia Đại lễ đọc tại Lễ bế mạc, đã đặc biệt nhắc đến thông điệp Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người. Trong đó nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết thúc đẩy sự đoàn kết, bao dung vì nhân phẩm con người; lấy con người làm trung tâm, tôn trọng phẩm giá, không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường hồi đáp của Phật giáo trước những thách thức toàn cầu, và những vấn đề cấp bách hiện nay về bất bình đẳng xã hội, phân biệt đối xử và chia rẽ chính trị đang làm suy yếu hòa bình và hợp tác.”

Tuyên bố cũng kêu gọi “tăng cường đối thoại văn hóa và tôn giáo như phương tiện để thu hẹp khoảng cách, xây dựng lòng tin và củng cố sự tham gia của Phật giáo vào các nỗ lực ngoại giao quốc tế và giải quyết xung đột nhằm thúc đẩy hòa hợp bền vững toàn cầu.”

Tuyên bố cũng đưa ra thông điệp về “Tha thứ, chữa lành bằng chánh niệm và hòa giải”.

“Chúng tôi khẳng định rằng tha thứ và chữa lành bằng chánh niệm là nền tảng để đạt được công lý bền vững sau xung đột, đảm bảo rằng các nỗ lực hòa giải thúc đẩy sự chữa lành sâu sắc giữa các thế hệ, phục hồi tập thể và hòa bình lâu dài.”- tuyên bố khẳng định. Đồng thời cam kết “vận động cho việc triển khai các sáng kiến chữa lành dựa trên liệu pháp tâm lý Phật giáo, kết hợp thực hành thiền định và các phương pháp can thiệp dựa trên chánh niệm nhằm hỗ trợ các cộng đồng hậu xung đột vượt qua sang chấn tâm lý, mất mát và sự chia rẽ xã hội.”

Đại lễ Vesak 2025 khép lại, nhưng một lần nữa khẳng định Phật giáo Việt Nam đã luôn hòa mình với dòng chảy văn hóa dân tộc, luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử.

Như phát biểu của hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại lễ bế mạc: “Triết lý đoàn kết và bao dung của Phật giáo đã góp phần làm nên bản sắc và sức mạnh tinh thần đại đoàn kết dân tộc, góp phần làm sâu sắc hơn tinh thần yêu nước, thương nòi, lòng khoan dung, trọng nhân, trọng nghĩa, nét văn hóa yêu thương đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau, lá lành đùm lá rách… vốn đã thấm sâu trong tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi người Việt Nam".

Cũng như đánh giá của Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc, Hòa thượng PhraBrahmapundit: Việt Nam là trung tâm của Phật giáo nhập thế, có vai trò quan trọng trong Phật giáo nhập thế. “Phật giáo Việt Nam nhập thế là dấn thân vào đời nhưng không bị nhiễm trần, lấy chánh pháp xây dựng hòa bình” - Hòa thượng PhraBrahmapundit nói.

Giáo hội ra nghị quyết về việc tôn trí vĩnh viễn trái tim của Bồ tát Thích Quảng Đức tại Việt Nam quốc tự

Trong thời gian diễn ra Đại lễ Vesak, dưới sự chủ trì của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã họp và ra nghị quyết về việc cung thỉnh xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức trở về tôn trí vĩnh viễn tại Việt Nam Quốc Tự (Thành phố Hồ Chí Minh).

Nghị quyết cho rằng: Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân ngày 11/6/1963. Ngọn lửa thiêng liêng và Trái tim bất diệt của Ngài là minh chứng mầu nhiệm cho tâm đại bi, năng lực thiền định và sự tu chứng của con người, vượt lên mọi giới hạn của nhân gian.

Xá lợi trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức là bảo vật thiêng liêng của Phật giáo, Dân tộc, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam và những ai khát vọng hoà bình, tôn trọng lẽ sống khoan dung, tinh thần bất bạo động, vượt lên sự ích kỷ hẹp hòi để phụng sự tha nhân, hướng đến một thế giới thương yêu và an lạc.

Trong ý nghĩa đó, nhân Đại lễ Phật đản - Vesak Liên hiệp quốc năm 2025 lần đầu tiên được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng là nơi ngọn lửa thiêng của Ngài đã thắp sáng niềm tin, thức tỉnh lương tri nhân loại 62 năm trước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tha thiết cung thỉnh Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức về tôn trí vĩnh viễn tại Việt Nam Quốc Tự, để Tăng tín đồ Phật giáo Việt Nam và thế giới được chiêm lễ.

Khôi Nguyên