Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng: Tinh thần nhập thế là đặc sắc của Phật giáo Việt Nam
Vẻ đẹp văn hóa trà thiền Việt Nam được nghệ nhân Hoàng Anh Sướng giới thiệu qua nhiều chương trình chia sẻ cùng các nhà chính trị, văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên, các bậc tu hành, các doanh nhân, tiêu biểu như thiền trà với tỷ phú Bill Gates, tỷ phú Ahmeh Bin Sulayem… Bên cạnh đó, anh còn là tác giả của các cuốn sách nghiên cứu về lĩnh vực tâm linh, đạo Phật như: “Hạnh phúc đích thực”, “Tiếng vọng từ những linh hồn”, “Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu”… Nhân dịp Đại lễ Vesak đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nghệ nhân Hoàng Anh Sướng về tinh thần của Phật giáo Việt Nam.
PV: Là người nghiên cứu sâu về Phật giáo, anh cảm nhận thế nào về tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam?
.jpg)
Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng: Giáo lý đạo Phật quan niệm: “Phật pháp bất ly thế gian”. Vì thế, ngay từ những ngày đầu du nhập vào Việt Nam, đạo Phật đã sớm hòa mình vào văn hóa tín ngưỡng bản địa và nhanh chóng ăn sâu, bén rễ trong đời sống tâm linh của người dân Việt. Đạo Phật với tư cách là một tôn giáo, đã không ngừng đóng góp vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Học giả Hoàng Xuân Hãn cho rằng, đạo Phật giúp đời Lý thành triều đại thuần từ nhất trong lịch sử, khi từ vua quan tới dân đều thực tập đạo Phật. Nhờ thế, Kinh thành Thăng Long trở thành trung tâm của Phật giáo với sự xuất hiện của nhiều vị thiền sư lỗi lạc như: Thiền sư Vạn Hạnh, Thiền sư Không Lộ, Thiền sư Pháp Thuận, Thiền sư Mãn Giác… Mang tinh thần “đạo Phật nhập thế”, với tuệ giác và lòng từ bi lớn, các vị thiền sư chứng đắc ấy đã đóng góp rất lớn cho đất nước trên tinh thần “hộ quốc an dân”.
Đời Trần cũng vậy. Đêm đêm, mọi người đi ngủ không phải đóng cửa mà chẳng xảy ra mất trộm. Các vị vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông không chỉ là những người thực hành đạo Phật rốt ráo mà còn là người khai sáng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đề cao tinh thần đạo Phật nhập thế, nhà Trần đã ứng dụng một cách mềm dẻo những giáo lý, tư tưởng của đạo Phật vào chính sách trị quốc an dân, lấy đức trị thay cho pháp trị, phát huy truyền thống tự lực, tự cường của dân tộc bảo vệ giữ gìn giang sơn gấm vóc.
Có một câu chuyện rất hay. Sau chiến thắng Nguyên Mông, quan quân có đệ trình lên một hòm tài liệu của một số nha lại liên lạc với giặc. Nhưng vua Trần Thánh Tông đã đem hòm tài liệu đốt trước mặt bá quan để yên lòng trăm họ, bởi lúc đã giành được độc lập, đẩy lui được quân thù thì cần nhất bây giờ là đoàn kết quốc gia. Đó là hành động phát sinh từ tuệ giác của đạo Phật.
Khi đất nước yên bình thì Phật giáo phát triển hưng thịnh. Khi tổ quốc lâm nguy, Phật giáo lại sẵn sàng tham gia chống giặc ngoại xâm. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và Mỹ, đạo Phật không nằm ngoài dòng chảy lịch sử dân tộc. Nhiều ngôi chùa đã trở thành nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng. Nhiều nhà sư đã sẵn sàng cởi áo cà sa khoác chiến bào tham gia đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Một số tu sĩ Phật giáo đã chọn cách tự thiêu, mà điển hình là Bồ Tát Thích Quảng Đức, để phát động phong trào đấu tranh chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, gây chấn động dư luận quốc tế.
Khi đất nước hòa bình, Phật giáo lại trở về với sứ mệnh vốn dĩ của mình: khai mở trí tuệ, nuôi dưỡng tình thương cho mọi người bằng việc ứng dụng những lời Phật dạy, chuyển hóa khổ đau, chế tác bình an và hạnh phúc.

Theo anh, đạo Phật là thực hành rèn luyện tâm thức, bắt đầu là việc giữ giới… như thế nào?
Giới là nền tảng của Phật pháp. Giới là bậc thềm đầu tiên trên lộ trình tu tập “Giới - Định - Tuệ”, giúp hành giả có thể giải thoát khỏi phiền não và khổ đau, đạt thành tựu Niết bàn. Vì thế, giữ giới là điều thực tập quan trọng đầu tiên của người tu học Phật.
Đối với hàng Phật tử, là hành trì năm giới. Năm giới này không những để tiến bước trên con đường giải thoát mà còn đem lại bình an, hạnh phúc cho mình, cho mọi người.
Cá nhân tôi, thực hành năm giới suốt mười mấy năm qua, tôi thấy thân tâm mình chuyển hóa không ngừng. Có nhiều hiểu biết hơn, nhiều tình thương hơn. Mỗi lời nói, mỗi suy nghĩ, mỗi việc làm luôn được chiếu rọi bởi Hiểu và Thương để mang lại lợi lạc, an vui, hạnh phúc cho mình, cho người. Vì thế, thân tâm luôn an, luôn lạc.
Việc thực hành tu tập luyện tâm hàng ngày, theo anh, cũng giúp mỗi người hoàn thành tốt trách nhiệm với bản thân gia đình, cộng đồng ra sao?
Việc tu tập mỗi ngày sẽ mang lại rất nhiều lợi lạc. Hoa trái của sự tu tập, đó chính là năng lượng bình an, vững chãi, từ bi, trí tuệ toát ra từ ba nghiệp: thân, khẩu, ý.
Tôi thấy, một trong những thứ quan trọng nhất mà người tu tập cần tích lũy, bồi đắp hàng ngày, đó là trí tuệ, tuệ giác. Bởi có trí tuệ sáng suốt, chúng ta sẽ không có những định kiến, tà kiến, không có những hành động, lời nói, quyết định sai lầm. Từ cổ chí kim, biết bao bi kịch lớn nhỏ xảy ra chỉ vì chúng ta không có trí tuệ sáng suốt, bị màn vô minh che lấp. Song điều quan trọng hơn nữa mà chúng ta cần bồi đắp hàng ngày, đó chính là tình yêu thương. Có trái tim đầy ắp tình yêu thương, chúng ta sẽ không hờn trách, oán giận, không bon chen, đố kỵ, hận thù. Chúng ta dễ cảm thông, tha thứ, bao dung, độ lượng với mọi người. Và nếu như tôi, nếu như chị và mọi người có hai “báu vật” ấy trong đời: trí tuệ sáng suốt và trái tim yêu thương, xã hội này sẽ đẹp đẽ biết bao. Khi ấy, niết bàn hay thiên đường không phải ở cõi nào xa xôi. Niết bàn, thiên đường chính là ở đây, bây giờ. Tôi luôn cầu mong ai trong chúng ta cũng đều có hai báu vật đó!
Đời người, ai cũng có ít nhiều khổ đau. Khổ đau không chừa ai hết. Cổ nhân có một câu rất hay: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Hãy đón nhận những khổ đau như một phần tất yếu của cuộc sống một cách bình thản. Đừng khóc lóc, kêu ca, phàn nàn hay sợ hãi. Hãy dùng năng lượng chánh niệm để ôm ấp nó, nhận diện nó. Hãy dùng tuệ giác và lòng từ bi để tìm cách chuyển hóa nó.
Và tôi tin, từ những vũng bùn tanh hôi của khổ đau ấy, hoa sen của hạnh phúc sẽ nở và tỏa hương thơm ngát. Đức Phật nói: “Không bùn thì không sen”. Hoa sen từ cổ chí kim chỉ nở trên bùn lầy chứ không nở trên kim cương, đá quý. Vì thế, đừng sợ bùn. Hãy biết ơn bùn vì nhờ bùn mới có hoa sen.
.jpg)
Anh chia sẻ những trải nghiệm khi là người trực tiếp đưa văn hoá trà và thiền Việt qua hàng nghìn buổi thiền trà, đến với các nguyên thủ quốc gia, doanh nhân nổi tiếng thế giới, văn nghệ sĩ trí thức, những người trẻ, và các tăng ni, Phật tử?
Là một nghệ nhân trà Việt Nam, suốt 25 năm qua, tôi đã tổ chức hàng ngàn buổi thiền trà cho người Việt Nam và các đoàn khách quốc tế đến từ châu Á, châu Âu, châu Úc và châu Mỹ… Trong các buổi thiền trà, tôi không chỉ truyền đi thông điệp về cách chế tác trà và thưởng trà hết sức độc đáo của tổ tiên người Việt mà còn nói về chánh niệm, về nghệ thuật chế tác hạnh phúc, an lạc, thiết lập tình thương, hóa giải hận thù… bằng việc uống trà. Từ đó, họ hiểu, tại sao trong vô vàn các thức uống của loài người, lại chỉ có: thiền trà, trà đạo mà không có thiền cà phê, thiền bia, thiền rượu hay bia đạo, rượu đạo? Từ đó, họ hiểu, học trà đạo cũng chính là cách học về thiền, về đạo. Cũng chính là cách giúp họ giải tỏa stress, căng thẳng, tạo dựng cuộc sống an nhiên, tự tại, thiết lập truyền thông, chế tác tình thương với những người thân và bạn bè.
Từ đó anh nhận ra nhu cầu thông qua thiền trà và tập thiền, nhu cầu mong muốn được kết nối với nội tâm bên trong của mọi người ra sao?
Phần cuối các buổi thiền trà, tôi dành nhiều tâm huyết để nói về tính thiền và đạo trong trà. Thế hệ 7X người Việt như tôi phải trải qua một thời kỳ dài đói ăn và đói mặc. Bây giờ, kinh tế phát triển hơn, nhiều người thừa ăn, thừa mặc. Nhưng người Việt hiện nay (mà không chỉ riêng người Việt) đang phải đối diện với một nạn “đói” cũng rất đáng sợ. Đó là đói hiểu và đói thương. Nhiều người bây giờ rất cô đơn. Nhiều khi về ngôi nhà mình, ngồi cạnh chồng mình, vợ mình, con mình mà cứ thấy cô đơn. Bởi không ai hiểu mình. Không ai thương mình. Vòng quay gạo tiền cơm áo cứ cuốn mình đi. Mình không còn thời gian dành cho người thân mình nữa. Thậm chí thời gian dành cho chính mình, chăm sóc thân, tâm mình cũng không còn nữa. Và thế là mất kết nối, mất truyền thông. Gia đình rạn nứt, đổ vỡ bắt đầu từ đây.
Uống trà chính là một cách để kết nối. Uống trà độc ẩm (một mình) là cách để trở về với chính mình, để hiểu mình là ai? Khi hiểu mình là ai, mình sẽ nhận ra một điều: trong mình có rất nhiều hạt giống tốt nhưng trong mình cũng có những hạt giống xấu. Trong mình có nhiều phẩm chất hay nhưng trong mình cũng có những hạt giống dở. Nhìn sâu vào bên trong nữa, mình còn thấy: những điều hay, dở, tốt, xấu ấy không phải tự nhiên có mà nhiều khi, mình được (bị) kế thừa từ ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Đó là một sự thật chúng ta phải chấp nhận. Và khi chấp nhận sự thật ấy, có nghĩa là, chúng ta cũng phải chấp nhận những điều hay, điều dở ở người thân mình. Vì họ cũng như mình mà.
Hiểu mình chính là nền tảng để hiểu người. Không hiểu mình thì sẽ không bao giờ hiểu được người khác. Và để giúp mình hiểu hơn người khác, người Việt chúng tôi còn có cách uống trà thứ 2, đó là đối ẩm hay còn gọi là song ẩm, tức là 2 người uống. Người Việt thường thưởng trà trong không gian yên tĩnh. Trong trà có cafein, hoạt chất giúp mình tỉnh thức. Không gian yên tĩnh giúp tâm mình tĩnh lặng. Vì thế, mình dễ mở lòng ra, tâm sự những điều sâu kín. Một người nói, một người nghe. Đó là cách tốt nhất để hiểu nhau. Hiểu là nền tảng của thương yêu. Không có hiểu thì không có thương. Nếu chồng yêu vợ mà không hiểu vợ thì chỉ làm vợ khổ. Vợ yêu chồng mà không hiểu chồng thì chỉ khiến chồng cảm thấy ngột ngạt, bức bí, khó chịu. Vì thế, muốn hiểu nhau, muốn mang lại hạnh phúc cho nhau, hãy uống trà với nhau hàng ngày.
Trà, với người Việt Nam, không chỉ là một thức uống mà còn là phương thức để tu tâm dưỡng tính. Không có thức uống nào dạy dỗ con người nhiều như trà. Trà dạy cho chúng ta sự sạch sẽ, ngăn nắp. Trà dạy cho chúng ta lòng kiên nhẫn. Trà dạy cho chúng ta sự khiêm nhường. Trà giúp ta tĩnh tâm để hiểu mình nhờ đó mà sửa mình, để hoàn thiện mình. Cổ nhân người Việt nói: “Uống trà để tẩy bụi trần, rửa lòng tục”, “uống trà là phương thức để tu tâm dưỡng tính” là vì thế.
Khi thân tâm mình thanh tịnh, chúng ta sẽ phát hiện ra một điều: Hạnh phúc đích thực không phụ thuộc nhiều vào tiền bạc, địa vị, danh vọng, quyền bính. Hạnh phúc đích thực chỉ có khi ta có một cái tâm an, trong đó, chứa đầy hiểu hiết và thương yêu.

Anh có thể chia sẻ về phương pháp thiền mà anh đang hướng dẫn đến mọi người?
Thiền trong đạo Phật có hai pháp môn: Thiền chỉ và thiền quán. Chỉ tức là dừng lại và buông thư. Quán tức là nhìn sâu. Chỉ và Quán, hai cái nương vào nhau. Đức Thế tôn từng dạy: Như chim có hai cánh, người tu phải có Chỉ và Quán.
Vì lý do đó nên cùng với thiền tọa, tôi khuyến khích mọi người đi thiền hành, tức là đi từng bước một trong chánh niệm.
Thực hành thiền không chỉ lúc thiền tọa hay thiền hành mà cần thực tập mọi nơi, mọi lúc, mọi chỗ: khi đánh răng, rửa mặt, khi đi vệ sinh, khi lái xe đến cơ quan… Hãy bắt đầu bằng việc uống một chén trà, ly cà phê, một bữa ăn tối với người thân… mà không nghe, xem điện thoại, tivi, không nghĩ, bàn chuyện công việc. Tâm không rong ruổi về quá khứ, lo lắng tương lai. Tâm an trú hoàn toàn trong giây phút hiện tại, ghi nhận những gì đã diễn ra trước mặt mình: Đó là sự hiện diện của chồng, vợ, con mình, hương vị thơm ngon của chén trà, của thức ăn. Thực tập từng ngày như thế, hạnh phúc, bình an sẽ càng nhiều thêm.
Thông qua Đại lễ Vesak LHQ 2025 này, anh có những niềm tin nào vào sự phát triển Phật giáo Việt Nam, đặc biệt trong những năm tới?
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 diễn ra tại Việt Nam với sự tham gia của hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới chính là dịp để tôn vinh những giá trị nhân văn, đạo đức và hòa bình mà Đức Phật để lại cho nhân loại. Đây cũng là cơ hội để Phật tử Việt Nam nuôi dưỡng thêm đức tin vững chãi vào Tam Bảo, vào những giá trị cao đẹp như từ bi, trí tuệ, bao dung và sống hài hòa với thiên nhiên.
Việt Nam hiện có nhiều điều kiện để làm mới, hiện đại hóa đạo Phật. Tôi tin, trong tương lai gần, đạo Phật ngày càng nhập thế, giúp cho mọi người có được an lạc trong thân và trong tâm, cuộc sống chứa đầy hiểu biết và thương yêu.
Xin cảm ơn anh, và chúc anh thêm một mùa Phật đản an lạc!