Ứng dụng AI trong quản trị tòa soạn thông minh
Sáng 15/5, tại Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh”.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực báo chí - truyền thông, nhà quản lý, các diễn giả là đại diện những doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị chia sẻ, chuyển đổi số báo chí trở thành xu thế tất yếu ở tất cả các cơ quan báo chí. Thực chất của báo chí chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm cho hệ sinh thái báo chí số được bồi đắp thêm các tính năng mới, ưu việt hơn, nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông.
Tuy nhiên, chuyển đổi số báo chí là hoạt động mới và cũng khá khó trong tổ chức thực hiện, bởi trong quá trình vận hành các cơ quan báo chí phải phụ thuộc khá nhiều về công nghệ cũng như nguồn nhân lực mới.

“Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thông tin cạnh tranh hiện nay, nội dung hay vẫn chưa đủ, mà cần phải tạo ra những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số”, ông Nguyễn Thành Lợi cho biết thêm.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho rằng, tại Việt Nam, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật lớn của cả nước, yêu cầu chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong báo chí - truyền thông nói riêng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Theo ông Nguyễn Đức Lợi, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều chủ trương, chính sách cụ thể để phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, báo chí Thủ đô có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc truyền thông, định hướng dư luận, lan tỏa thông tin tích cực, phản biện chính sách và xây dựng niềm tin xã hội.
“Bởi vậy, việc nghiên cứu, ứng dụng và từng bước triển khai trí tuệ nhân tạo trong mô hình quản trị tòa soạn thông minh là hướng đi phù hợp, cần thiết và tất yếu. Nó không chỉ giúp nâng cao chất lượng thông tin, tối ưu hóa nguồn lực, mà còn nâng cao trải nghiệm người đọc và tăng cường sự tương tác giữa cơ quan báo chí và công chúng”, ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

TS Lê Anh Văn, Giám đốc nền tảng VNPT Generative AI cho biết, hiện tại Việt Nam có khoảng 25% cơ quan báo chí đang ứng dụng AI trong các hoạt động vận hành của tòa soạn, đặc biệt là khâu sản xuất tin tức; 35% phóng viên sử dụng công cụ số, bao gồm AI, trong hoạt động tác nghiệp hàng ngày.
Mục tiêu đến năm 2030, 90% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng AI để tối ưu hóa hoạt động.
Tuy nhiên, TS Lê Anh Văn cho rằng: “AI làm công cụ, không làm chủ ngòi bút. Báo chí là sự thật và sự thật cần con người bảo vệ”.
Tại hội thảo, sau khi trải nghiệm không gian ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh, các đại biểu đã thảo luận về một số vấn đề trọng tâm, điển hình như: Nâng cao mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao với cơ quan báo chí trong thời đại trí tuệ nhân tạo; ứng dụng AI trong tác nghiệp truyền thông; giải pháp tăng cường an ninh thông tin ngành báo chí trong công cuộc chuyển đổi số; đạo đức báo chí trong kỷ nguyên công nghệ: Vấn đề tin giả và quyền riêng tư; chuyển đổi số và vấn đề xây dựng tòa soạn thông minh tại Báo Kinh tế & Đô thị…