Văn hóa

Khi thói quen đọc bị xô lệch

Phạm Sỹ 16/05/2025 07:51

Sự phát triển như vũ bão của công nghệ đang thay đổi sâu sắc cách con người tiếp cận tri thức. Trong bối cảnh đó, thói quen đọc sách truyền thống dường như đang bị xô lệch, đặt ra những câu hỏi về việc người ta sẽ đọc gì, đọc như thế nào trong kỷ nguyên công nghệ...

Ảnh hưởng bởi sự tán loạn thông tin

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet, người dùng có thể tiếp cận hàng triệu đầu sách, bài viết, tài liệu điện tử trong vài giây. Các nền tảng đọc sách trực tuyến, ứng dụng sách nói (audiobook), hay podcast ngày càng phổ biến, tạo điều kiện để việc "đọc" trở nên linh hoạt, đa dạng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, chính sự tiện lợi ấy lại dẫn đến một thực tế không thể phủ nhận là người đọc ngày càng quen với việc tiếp nhận thông tin ngắn, nhanh và có phần rời rạc. Thói quen đọc sâu, vốn đòi hỏi sự tập trung, kiên nhẫn và suy ngẫm lại đang dần bị thay thế bởi việc “lướt”, “xem nhanh”, “nghe lướt”.

ảnh 1
Các thế hệ bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ giờ đây có rất nhiều phương tiện, lựa chọn để tiếp cận tri thức, thông tin khác nhau. Ảnh: Hoàng Tuyết

Theo thống kê năm 2023 của Hội Xuất bản Việt Nam, sách giáo khoa và sách tham khảo học đường chiếm đến 80% số lượng sách trên thị trường, số sách còn lại nếu chia đều cho hơn 90 triệu dân thì trung bình mỗi người Việt Nam chỉ đọc được khoảng 1,2 cuốn sách/năm.

Công nghệ không làm con người ngừng đọc, nhưng chắc chắn đã thay đổi cách họ đọc. Trí tuệ nhân tạo (AI), mạng xã hội, các nền tảng nội dung ngắn như TikTok hay Reels góp phần hình thành một xu hướng tiếp cận tri thức thông qua hình ảnh và âm thanh nhiều hơn là chữ viết.

Không ít người trẻ ngày nay biết đến tác phẩm văn học qua… clip tóm tắt vài phút, hay đọc sách bằng cách nghe audio trong lúc làm việc nhà, lái xe. Đây là một hình thức đọc mới – “đọc thời công nghệ” – tuy có ưu điểm nhưng cũng khiến giá trị của sự nghiền ngẫm và chiều sâu tư duy dần bị bào mòn.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật - Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên nhân do việc hình thành thói quen đọc sách từ gia đình có thể chưa đủ mạnh. Thêm vào đó là do sự phát triển và phổ biến của công nghệ thông tin và mạng xã hội đã tạo ra nhiều hình thức giải trí khác nhau, làm giảm sự quan tâm đến việc đọc sách truyền thống.

“Ngoài ra, do thói quen và ý thức cá nhân, nhiều người chưa có thói quen đọc sách hằng ngày hoặc do nhận thức không đủ về tầm quan trọng của việc đọc sách trong việc học tập và phát triển bản thân. Và vấn đề mấu chốt có thể là do áp lực công việc, học tập hoặc các nghĩa vụ gia đình, một số người không có thời gian cho việc đọc sách, và dần dà lãng quên sách” - bà Mai chia sẻ.

Còn theo nhà văn trẻ Phụng Thiên, trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc đọc sách không chỉ đơn thuần là một thói quen, mà còn là một hành trình kết nối người đọc với những giá trị văn hóa, trí thức sâu sắc. Công nghệ có thể hỗ trợ việc tiếp cận sách dễ dàng hơn, nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với thói quen đọc truyền thống của con người.

“Sự tán loạn của thông tin trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến có thể làm người đọc thiếu đi sự kiên nhẫn và tập trung vào những tác phẩm dài và phức tạp. Điều này, dẫn đến một nguy cơ giảm sút sự sâu sắc trong việc tiếp nhận tri thức và cảm thụ văn học” - nhà văn Phụng Thiên bày tỏ sự lo ngại.

Giữ thói quen đọc sâu

Thói quen đọc sâu – tức là đọc để hiểu, để suy tư, để kết nối các lớp ý nghĩa trong văn bản – là một phần cốt lõi của văn hóa đọc bền vững. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc phủ định vai trò của công nghệ. Trái lại, nếu biết tận dụng, công nghệ hoàn toàn có thể trở thành một trợ thủ đắc lực để phát triển văn hóa đọc.

Nhiều thư viện số, nền tảng học trực tuyến, ứng dụng hỗ trợ đọc tập trung… đã và đang được phát triển nhằm giúp người đọc rèn luyện khả năng đọc sâu trong môi trường số. Vì vậy, vấn đề không nằm ở công nghệ, mà nằm ở cách con người sử dụng công nghệ để đọc.

ảnh 2
Trẻ em cần được người lớn truyền cảm hứng đọc sách. Ảnh: P. Sỹ

Nếu chỉ đọc để tiêu thụ thông tin một cách thụ động, người đọc dễ rơi vào trạng thái “bội thực” mà không thực sự tiếp nhận tri thức. Ngược lại, khi công nghệ được dùng như một công cụ hỗ trợ chọn lọc nội dung, tăng cường khả năng tập trung và tạo điều kiện đọc mọi lúc mọi nơi, nó sẽ giúp văn hóa đọc thích nghi với thời đại.

Các chuyên gia cho rằng, để làm được điều đó, cần sự vào cuộc của nhiều bên: nhà trường cần giáo dục kỹ năng đọc – không chỉ là đọc chữ mà là đọc có tư duy phản biện; gia đình cần tạo môi trường đọc từ nhỏ cho con trẻ; và cộng đồng cần những chiến dịch truyền thông sáng tạo để lan tỏa tinh thần đọc.

Mỗi cá nhân cũng cần tự đặt câu hỏi: Mình đang đọc để hiểu hay chỉ đọc để biết? Mình thực sự dành bao nhiêu thời gian mỗi ngày cho một trang sách – dù là in hay số?

TS Nguyễn Thị Thanh Mai cho rằng, việc hình thành và nuôi dưỡng thói quen đọc sách cần bắt đầu từ chính gia đình, nơi cha mẹ đóng vai trò định hướng, bằng cách dành thời gian đọc sách cùng con cái. Trong môi trường học đường, các cấp học nên thường xuyên tổ chức các cuộc thi, chương trình khuyến đọc nhằm khơi dậy hứng thú và tạo động lực cho học sinh tiếp cận với sách.

Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc đọc sách. Việc thiết lập các khu vực đọc sách công cộng như công viên, trạm chờ xe buýt hay những không gian sinh hoạt chung cũng là cách để tạo điều kiện cho mọi người đọc sách mọi lúc, mọi nơi.

Song song với đó, theo bà Mai, cần khuyến khích sử dụng sách điện tử với kho nội dung phong phú, tiện lợi và dễ tiếp cận. Quan trọng hơn cả, mỗi cá nhân phải tự ý thức được giá trị của việc đọc, được truyền cảm hứng và tình yêu với sách thì mới có thể góp phần xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc bền vững trong cộng đồng.

Còn theo TS Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), dù khoa học công nghệ có phát triển như thế nào thì việc đọc sách vẫn có một vai trò hết sức quan trọng. Sách in sẽ không bao giờ chết. Trên thế giới, có một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mặc dù đã có sự phát triển nhiều định dạng khác nhau nhưng cho đến thời điểm này, việc đọc sách in vẫn được ưa chuộng hơn sách điện tử và sách nói, ngay cả ở các nước phát triển như Pháp, Đức, Mỹ…

Góc độ từ người sáng tác, nhà văn trẻ PhụngThiên cho rằng: Mặc dù sách điện tử và các nền tảng trực tuyến đã giúp sách trở nên phổ biến hơn, mang lại sự tiện lợi vượt trội và mở rộng khả năng tiếp cận đối với mọi người, nhưng việc đọc qua màn hình không thể hoàn toàn thay thế được trải nghiệm đọc sách giấy truyền thống. Một cuốn sách giấy không chỉ là một phương tiện truyền tải thông tin mà còn là một tác phẩm nghệ thuật, nơi từng trang sách mang đến cảm giác sống động và gần gũi mà công nghệ khó có thể tái hiện.

Nhà văn trẻ Phụng Thiên cho rằng, công nghệ ngày càng phát triển và sách điện tử ngày càng phổ biến thì sách giấy vẫn giữ cho mình một vị thế riêng biệt. Việc cầm trên tay một cuốn sách, cảm nhận độ dày mỏng của từng trang, mùi hương quen thuộc của giấy cũ hay giấy mới… mang đến một trải nghiệm đa giác quan mà thiết bị điện tử khó có thể tái tạo.

Phạm Sỹ