Phát triển kinh tế tư nhân: Cần môi trường minh bạch hơn là ưu đãi
Kinh tế tư nhân được đánh giá là trụ cột quan trọng nhất trong tăng trưởng. Giới chuyên gia cho rằng, để khu vực này phát triển bền vững cần một tư duy mới: minh bạch, công bằng và tôn trọng quyền tự chủ của doanh nghiệp thay vì chỉ dừng ở chính sách ưu đãi.
Đảm bảo quyền tự do cho doanh nghiệp
TS Bùi Thanh Minh – Phó Giám đốc chuyên môn của Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) nhấn mạnh, Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) không nên được hiểu là ưu ái cho khu vực tư nhân, mà thực chất là đặt lại vấn đề về “luật chơi”, khu vực tư nhân cần được tạo điều kiện tự do và bình đẳng để phát huy hiệu quả trong công việc của mình.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) tư nhân trong nước, sau khi phát triển đến một mức độ nhất định, lại lựa chọn chuyển đổi thành DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để được hưởng các chính sách ưu đãi. Nguyên nhân xuất phát từ tâm lý “chuộng khách”, thể hiện sự ưu ái và tiếp đón nhà đầu tư nước ngoài nồng nhiệt hơn so với DN trong nước.

Ông Minh cũng nêu lên một thực trạng đáng chú ý, trong khi DN Nhật Bản có thể vay vốn với lãi suất chỉ 1% - 2%, thì DN Việt Nam lại phải chịu mức lãi suất 6 - 7% khiến khả năng cạnh tranh bị hạn chế. Dù vậy, theo ông Minh, cũng không nên quá bi quan cho rằng chúng ta đang bị tụt lại phía sau.
Luật sư Bùi Văn Thành (Đoàn Luật sư Hà Nội) nêu quan điểm, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, các đối tác lớn ngày càng yêu cầu Việt Nam loại bỏ những hình thức trợ cấp không phù hợp. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc loại bỏ hoàn toàn các hỗ trợ, mà cần chuyển hướng hỗ trợ theo cách tạo lập một môi trường giúp DN có thể tự đứng vững và phát triển.
Do đó, điều cốt lõi không nằm ở việc “cho” DN đất đai hay vốn vay, mà là ở việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo và quyền huy động vốn hợp pháp trong một khuôn khổ pháp lý rõ ràng và ổn định.
Trong bối cảnh toàn cầu đang biến đổi nhanh chóng, ông Thành nhấn mạnh rằng DN Việt Nam không thể tiếp tục trông chờ Nhà nước giải quyết các rào cản bên ngoài như thuế quan, hàng rào phi thuế hay các yêu cầu về minh bạch. Thay vào đó, chính DN, đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng - cần chủ động đề xuất các chính sách phù hợp với thực tiễn.
“Nếu thấy điều gì hợp lý, đúng với quy luật thị trường và góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững thì chính DN phải đứng ra kiến tạo. Đồng thời, những rào cản, cơ chế phi thị trường như xin-cho, ưu đãi ngầm hay phân bổ nguồn lực thiếu minh bạch cần được mạnh dạn xóa bỏ để khơi thông nội lực thật sự của khu vực tư nhân” - ông Thành nói.
Thúc đẩy hộ kinh doanh “bước ra vùng an toàn”
Nghị quyết 68 đã đặt ra những mục tiêu cụ thể và đầy tham vọng: đến năm 2030, cả nước phải đạt 2 triệu DN đang hoạt động, đồng nghĩa với việc mỗi năm cần thành lập thêm ít nhất 200.000 DN mới.
Trong khi đó, theo thống kê, hiện cả nước có hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh - một lực lượng kinh tế quan trọng, đóng góp khoảng 30% GDP hằng năm và tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Vì vậy, để hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết 68 đề ra, giải pháp khả thi nhất chính là thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang DN.
Để thúc đẩy hộ kinh doanh phát triển sản xuất và chuyển mình mạnh mẽ, yếu tố then chốt là tăng cường phổ biến thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách, giá cả thị trường, công nghệ và kỹ thuật nhằm hỗ trợ khu vực kinh tế hộ phi nông nghiệp.
Đồng thời, cần khuyến khích phát triển các dịch vụ tư vấn thuế, kế toán, cũng như cung cấp dịch vụ hỗ trợ liên quan để giúp hộ kinh doanh hiểu rõ và thực hiện tốt các quy định về thuế và kế toán.
Bên cạnh đó, cần tăng quy mô vốn hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là vốn trung và dài hạn, để khắc phục tình trạng thiếu hụt tài chính.
TS Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trần Liên Hưng:
Đòi hỏi một chiến lược toàn diện và đồng bộ

Việc phát triển kinh tế tư nhân đòi hỏi một chiến lược toàn diện và đồng bộ từ chính sách vĩ mô đến hỗ trợ vi mô. Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý và môi trường kinh doanh. Cụ thể là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho DN. Vấn đề quan trọng tiếp theo là vốn. Bởi nguồn vốn chính là “máu” của DN. Các tổ chức tín dụng cần cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho cộng đồng DN nói chung, kinh tế tư nhân nói riêng. Đó có thể là tín dụng ưu đãi hoặc quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Chính phủ cần có chủ trương khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng cường cho vay dựa trên phương án kinh doanh thay vì chỉ dựa vào tài sản thế chấp. Đặc biệt là xây dựng cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa.