Cần thiết lập chiến lược sử dụng đất đồng bộ gắn với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Ngày 16/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Đại biểu Quốc hội (ĐB) Lê Thu Hà (Đoàn Lào Cai) cho rằng, cần thiết lập chiến lược sử dụng đất đồng bộ nhưng gắn với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Hỗ trợ những lực lượng mới nhỏ, linh hoạt, sáng tạo nhưng dễ bị tổn thương trong môi trường thể chế thiếu ổn định và khó tiên liệu. Vì vậy chính sách hỗ trợ đất đai cần dựa trên 3 nguyên tắc cốt lõi là: đảm bảo đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất theo đúng quy định của luật đất đai tránh tình trạng để dành đất nhưng không thể sử dụng hoặc mâu thuẫn với quy hoạch hiện hành; công khai thông tin đất đai và một phần sản xuất kinh doanh thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia có kết nối với hạ tầng số địa phương và hệ thống đăng ký doanh nghiệp; phân định rõ giữa hỗ trợ có điều kiện và ưu đãi đặc biệt, tránh bị lợi dụng chính sách, nhất là trong xác lập giá thuê đất, định giá tài sản công.
Chính sách hỗ trợ đất đai không chỉ là biện pháp mà là một cấu phần thể chế quan trọng cho quản lý tài nguyên công hiệu quả và minh bạch. Song bà Hà nhìn nhận cần xác lập cơ chế điều phối phân cấp và liên thông hiệu quả phù hợp với năng lực địa phương và tính chất đa ngành của chính sách. Việc dự thảo nghị quyết giao quyền chủ động cho UBND cấp tỉnh cho việc xác định tiêu chí, danh mục, mức hỗ trợ cho thuê đất, cho thuê tài sản công.
Theo bà Hà, nếu thiếu cơ chế điều phối và công cụ số hoá đồng bộ thì khi địa phương quyết dễ dẫn đến tình trạng mỗi nơi một kiểu. “Do đó cần thiết lập nền tảng số dùng chung, bảo đảm liên thông dữ liệu giữa các ngành như tài nguyên môi trường, tài chính, đầu tư khoa học công nghệ cập nhật thông tin theo thời gian thực để hỗ trợ phân bổ và giám sát chính sách, phân định rõ vai trò của trung ương trong việc xây dựng chuẩn dữ liệu, tiêu chí pháp lý nhất là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cao hiện còn rải rác trong nhiều luật chuyên ngành”, bà Hà kiến nghị.

ĐB Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hoá) nêu quan điểm, về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại Khoản 2 Điều 7 quy định: “Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ được hỗ trợ đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều này phải dành một phần diện tích đất đã đầu tư hạ tầng để cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại.”
Trước vấn đề trên, ông Hải đề nghị cần rà soát lại quy định này để đảm bảo chặt chẽ và cũng phải khuyến khích được nhà đầu tư đầu tư vào hạ tầng Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ. Việc hỗ trợ đầu tư hạ tầng một số địa phương đã có cơ chế thu hút đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp nhưng việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp ở một số Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, thu hút chậm.
“Việc quy định phải dành riêng một phần diện tích đất đã đầu tư hạ tầng để cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại, sẽ gặp khó khăn. Hơn nữa quy định một phần diện tích là bao nhiêu cũng rất khó khăn để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Nếu để lại một phần diện tích mà không có doanh nghiệp thuê lại, để lãng phí đất sau đầu tư hạ tầng thì ai chịu trách nhiệm cho vấn đề này? hay lại đẩy doanh nghiệp vào khó khăn. Như thế sẽ khó khăn cho việc thu hút các nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp”, ông Hải phân tích.
Từ đó ông Hải đề nghị nên quy định một số tỉnh, thành phố có quy hoạch các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp. Ở đây Nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng để đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, ưu tiên cho các doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê đất.
Về quy định: “Đối với Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp thành lập mới sau Nghị quyết này có hiệu lực thì UBND tỉnh xác định đối với từng Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp đảm bảo bình quân tối thiểu 20ha/ Khu, Cụm công nghiệp hoặc 5% tổng diện tích Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp đã đầu tư kết cấu hạ tầng để dành cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê lại. Nếu sau 2 năm kể từ ngày Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng và không có doanh nghiệp thuê thì chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp mới được quyền cho các doanh nghiệp khác thuê, thuê lại”, theo ông Hải, quy định như vậy cũng rất khó thực hiện và có thể gây khó khăn, làm mất cơ hội thu hút các nhà đầu tư thứ cấp khác đến thuê, thuê lại đất trong Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp.
Hơn nữa quy định sau 2 năm nếu không có doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân thuê, thì doanh nghiệp là nhà đầu tư hạ tầng sẽ chịu thiệt hại. Vì vậy ông Hải kiến nghị: Nên quy định đối với dự án Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp sau khi Nghị quyết này có hiệu lực, nếu xác định được nhu cầu của doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân thuê đất thì cần phải bố trí đủ quỹ đất ưu tiên cho doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân thuê. Còn nếu không xác định được nhu cầu thuê đất của doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân thì tùy theo xu hướng phát triển kinh tế xã hội, một số tỉnh thành phố có thể quy hoạch đất cho nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân thuê.
ĐB Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) cũng cho rằng, đối với hỗ trợ về đất đai, mặt bằng kinh doanh đã quy định dành một phần nhà xưởng, mặt bằng cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc khu vực kinh tế tư nhân thuê, thuê lại. Quy định này sẽ giúp cho các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận đất đai, mặt bằng kinh doanh một trong những rào cản lớn đang đặt ra hiện nay.
Tuy nhiên, ông Tuấn băn khoăn với khoản 4 Điều 7 đối với Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp sau ngày Nghị quyết có hiệu lực phải dành bình quân tối thiểu 20 ha, hoặc 5% tổng diện tích đất trong Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp để cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thuê, thuê lại đối với các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp do doanh nghiệp tự chủ đầu tư, sau 2 năm không có các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thuê, thuê lại thì được cho các đối tác thuê.
Ông Tuấn cho rằng, với quy định như vậy sẽ đẩy gánh nặng cho các doanh nghiệp tự chủ bỏ vốn xây dựng các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp. Vì vậy, cần làm rõ vấn đề này, từ đó có chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp để đảm bảo sự hài hòa lợi ích.