Góp ý Hiến pháp phải được thực hiện nghiêm túc, tránh hình thức
Ngày 16/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị góp ý đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, các quy định của Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở hiến định quan trọng cho việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước, cần đóng góp ý kiến để chỉnh sửa lại cho phù hợp.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Khánh, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết, các quy định về việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân cũng như đề cập, nhấn mạnh đến công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam được thể hiện rõ nét trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 là việc làm cần thiết, phù hợp với bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

“Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng đã nêu, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt chính trị để nhân dân thực hiện quyền làm chủ. Vì vậy, vai trò, chức năng của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phải được làm nổi bật trong các quy định của Hiến pháp. Trong đó, nhấn mạnh, cụ thể hoá vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”, ông Huy Khánh khẳng định

Để MTTQ xứng đáng là bộ phận của hệ thống chính trị và đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội cho rằng, cần nghiên cứu, cụ thể hóa quyền của MTTQ Việt Nam. Trong đó, Mặt trận có quyền trình dự án (Điều 84) trước Quốc Hội, trình dự án pháp lệnh trước Thường vụ Quốc hội. Điều này rất khả thi bởi MTTQ Việt Nam là nơi tập hợp trí tuệ, nguyện vọng, ý kiến đa chiều từ nhân dân và các tầng lớp xã hội. Việc thực hiện quyền này đảm bảo cho nhân dân tham gia xây dựng pháp luật một cách thực chất, thông qua đại diện hợp pháp là Mặt trận. Việc này, cũng rất phù hợp với yêu cầu phát huy dân chủ và trách nhiệm giám sát quyền lực theo tinh thần Nghị quyết XIII của Đảng. Bên cạnh đó, cần sớm có Luật sửa đổi, bổ sung Luật MTTQ Việt Nam để cụ thể hóa quyền hiến định mới. Ngoài ra, cần có cơ chế bảo vệ chính kiến và đề xuất phản biện độc lập của MTTQ tránh tình trạng hình thức hoặc ngại va chạm.
“Để làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, MTTQ Việt Nam cần nâng cao năng lực phản biện và giám sát xã hội bằng cách phải tập hợp được một đội ngũ những chuyên gia giỏi, xây dựng ngân hàng, cơ sở dữ liệu để các ý kiến phản biện khoa học, khách quan và trọng lượng”, bà Bùi Thị An chia sẻ.

Ở góc độ khác, ông Đào Bá Sơn, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội cho biết, trong nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 111, Khoản 2 đề cập đến việc tổ chức chính quyền địa phương “phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt” nhưng lại giao cho Quốc hội quy định cụ thể. Điều này có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc điều chỉnh tổ chức chính quyền địa phương để phù hợp với thực tế đa dạng của các địa phương. Thay vì giao toàn bộ thẩm quyền cho Quốc hội nên quy định khung về tổ chức chính quyền địa phương và cho phép các cấp chính quyền địa phương được quy định chi tiết hơn về tổ chức chính quyền ở cấp mình và cấp dưới, phù hợp với đặc điểm cụ thể của địa phương. Do đó, đề nghị sửa lại thành “chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở cấp tỉnh và cấp xã, các trường hợp đặc biệt khác do Quốc hội quy định”. Như vậy sẽ thể hiện rõ mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Phát biểu tại hội nghị góp ý, bà Nguyễn Lan Hương hoan nghênh và tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp tâm huyết tại hội nghị. Các ý kiến đều thể hiện đầy đủ nội dung cần được góp ý. Trong đó, các ý kiến tập trung nhiều nhất liên quan đến vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên; mối quan hệ và tính độc lập tương đối của MTTQ và các tổ chức thành viên. Từ đó, đảm bảo việc phát huy dân chủ, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân.
Bà Nguyễn Lan Hương cũng đề nghị, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên cần tiếp tục triển khai sâu rộng, thực chất việc lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp; cần đa dạng hóa các hình thức và tích cực lấy ý kiến trên nền tảng số. Trong quá trình lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào sửa đổi Hiến pháp năm 2013, MTTQ và các tổ chức thành viên phải chú ý đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân được tiếp cận; không để sót bất cứ một nhóm đối tượng, thành phần nào không được góp ý. Việc lấy ý kiến đóng góp cần được thực hiện một cách dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người dân và cần được thực hiện nghiêm túc, thực chất, tránh làm hình thức.