Xử phúc thẩm vụ ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân
Tòa án nhân dân (TAND) Cấp cao tại Hà Nội bác kháng cáo kêu oan của ông Lê Thanh Vân, sửa án sơ thẩm với ông Lưu Bình Nhưỡng.
Ngày 16/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm đối với các bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, cựu Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Lê Thanh Vân, cựu Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cựu Đại biểu Quốc hội; cựu chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Văn Vương.
Trước đó, ông Lưu Bình Nhưỡng bị tòa sơ thẩm tuyên phạt tổng 13 năm tù cho 2 tội danh "Cưỡng đoạt tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
Ông Lê Thanh Vân bị tuyên 7 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
Ông Nguyễn Văn Vương bị tuyên 14 năm tù cùng với tội danh như ông Lê Thanh Vân.

Tại phiên tòa phúc thẩm, căn cứ vào chứng cứ, tài liệu cũng như diễn biến xét xử tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm thấy, một số quyết định của cơ quan tố tụng, người tố tụng trong quá trình thực hiện có sai sót, nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án.
Đối với 2 bị cáo Lê Thanh Vân và Nguyễn Văn Vương kháng cáo kêu oan, HĐXX nhận thấy không có căn cứ chấp nhận lời kêu oan của 2 bị cáo này.
Những hành động của 2 bị cáo đã đủ thỏa mãn cấu thành tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi". Các bị cáo đều là người có chức vụ quyền hạn, đã tác động đến một số cơ quan để nhằm trục lợi cá nhân. Xét chủ quan, động cơ là vụ lợi; có vụ việc đã hưởng lợi, có vụ việc nhằm, sẽ hưởng lợi trong tương lai.
Bị cáo Lê Thanh Vân là đại biểu Quốc hội, là người có ảnh hưởng, đã lợi dụng sự ảnh hưởng của mình để tác động nhằm hưởng lợi, vì vậy, không có căn cứ để xét việc kêu oan của 2 bị cáo, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.
HĐXX nhận định, đủ căn cứ khẳng định bị cáo Lê Thanh Vân, Nguyễn Văn Vương phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi". Việc tòa án cấp sơ thẩm xử phạt 2 bị cáo này với tội danh như trên là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Với bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, bị cáo này đã thành khẩn khai báo, nhận thức được hành vi vi phạm của mình. Tại phiên tòa phúc thẩm đã xuất trình thêm một số tình tiết mới, tòa phúc thẩm chấp nhận đề nghị giảm án cho bị cáo như đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội.
Tuy nhiên, đối với tội danh "Cưỡng đoạt tài sản", HĐXX nhận thấy bị cáo Lưu Bình Nhưỡng là đồng phạm, chiếm đoạt số tiền rất lớn, ngay tại bản án sơ thẩm đã xét đến các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo nên ở phiên tòa phúc thẩm, không thể giảm nhẹ thêm cho tội danh này.
Sau khi xem xét tòan bộ vụ án cũng như những diễn biến trên tòa, tòa phúc thẩm quyết định, không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Lê Thanh Vân, Nguyễn Văn Vương, giữ nguyên án sơ thẩm; chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, sửa án sơ thẩm.
Cụ thể, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lưu Bình Nhưỡng 3 năm tù tội "Cưỡng đoạt tài sản", 9 năm tù cho tội danh còn lại, tổng hình phạt buộc bị cáo phải thi hành là 12 năm tù (giảm 1 năm so với án sơ thẩm).
Tuyên phạt bị cáo Lê Thanh Vân 7 năm tù; Nguyễn Văn Vương 14 năm tù, tổng hình phạt với bản án khác của bị cáo Vương là 20 năm 6 tháng tù.