Mặt trận

Đồng thuận, tạo sự bứt phá trong đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy

Tiến Đạt 16/05/2025 20:04

Tại Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận, pháp lý và bảo đảm điều kiện hoạt động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới” diễn ra vào chiều 16/5, các đại biểu đã cùng thảo luận, cho ý kiến vào nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 liên quan trực tiếp tới MTTQ Việt Nam và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

img_3228.jpg
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tiến Đạt.

Nêu ý kiến tại Hội thảo, ông Vi Đức Thọ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cho rằng, tờ trình Dự án Luật đã nêu cụ thể về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn, phạm vi sửa đổi tập trung và có trọng tâm. Đối với nội dung sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Luật MTTQ Việt Nam quy định về "phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước", nội dung này cũng có trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, vì vậy không nên đưa vào quy định tại điều này, vì hiện đã có quy định chi tiết tại Điều 24 Luật MTTQ Việt Nam về tham gia góp ý, kiến nghị với Nhà nước. Mặt khác, quy định về việc phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước là chưa đầy đủ vì còn phải phản ánh ý kiến, kiến nghị tới cơ quan Đảng.

Ông Vi Đức Thọ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tiến Đạt.
Ông Vi Đức Thọ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tiến Đạt.

Đồng tình với nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 5 Luật MTTQ Việt Nam, ông Vi Đức Thọ cho rằng, để làm rõ hơn trong Dự thảo Luật và triển khai hiệu quả hơn, cần bổ sung thêm quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam đối với các tổ chức chính trị - xã hội và các Hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ tại Điều 3 Luật MTTQ Việt Nam.

Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Luật Công đoàn về "đại diện cho công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động", ông Vi Đức Thọ đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu lại cụm từ "công chức", vì dự kiến sẽ kết thúc công đoàn trong cơ quan nhà nước hưởng lương 100%, do đó nên cân nhắc bỏ cụm từ này.

"Nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 62 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân có nhắc tới "hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan". Những nội dung này theo đề nghị của Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan và các điều khoản khác liên quan đến trách nhiệm của Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan về giới thiệu và công nhận các chức danh của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị. Với dự kiến hiện nay là kết thúc công đoàn trong cơ quan nhà nước hưởng lương 100% thì Ban Thanh tra nhân dân sẽ được giới thiệu như thế nào và hoạt động ra sao? Vì vậy cần cân nhắc thêm về quy định này", ông Thọ kiến nghị.

img_3191.jpg
Bà Võ Thị Minh Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tiến Đạt.

Bày tỏ sự đồng tình với nội dung sửa đổi tại Dự án Luật, bà Võ Thị Minh Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cho rằng, nội dung sửa đổi tại khoản 2 Điều 5 Luật MTTQ Việt Nam "Các tổ chức chính trị - xã hội (gồm Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ là các tổ chức thành viên trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" khá tương đồng với nội dung sửa đổi tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Nếu Hiến pháp được sửa đổi thì nội dung này phải thống nhất hoàn toàn về nội dung, cách viết để tránh nhầm lẫn.

Theo bà Võ Thị Minh Sinh, cụm từ "trực thuộc" là nội dung quan trọng, thể hiện rõ quan điểm từ các văn bản, chủ trương của Đảng, đảm bảo được sự rõ ràng về mối quan hệ quản lý, trách nhiệm pháp lý cũng như trách nhiệm về chính trị của các tổ chức. Nếu không quy định cụm từ "trực thuộc" sẽ không diễn đạt được nội dung của việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy. Mặt khác, cách quy định "được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" rất đúng với tình hình hiện nay, đồng thời thể hiện được tính năng động, linh hoạt và chủ động của các tổ chức chính trị - xã hội.

img_3212.jpg
Ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tiến Đạt.

Đồng quan điểm với việc đưa cụm từ “trực thuộc” vào nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013, ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, khi sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, việc đưa cụm từ “trực thuộc” là phù hợp nhằm đảm bảo sự thống nhất đối với nội dung đề cập tại Điều lệ MTTQ Việt Nam đã ban hành, trong đó đề cập đến nội dung: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.

Chia sẻ niềm vui khi là thành viên của MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Chu Hồi cho biết, thời gian qua, Hội Nghề cá Việt Nam luôn ý thức được sứ mệnh của mình để đồng hành cùng ngư dân ra khơi, bám biển và hoạt động vì mục đích chung mà MTTQ Việt Nam đang hướng tới; đồng thời nêu rõ, để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới thì cần phải có những bước phát triển đột phá, có sự bứt phá trong đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy. Bởi vậy, mỗi cá nhân cần đặt mình trong lợi ích chung của đất nước và cùng đồng thuận trong bước chuyển mình này.

img_3226.jpg
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tiến Đạt.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh đây là những ý kiến sâu sắc, tâm huyết và mong muốn các đại biểu tiếp tục đóng góp, đồng hành với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ để việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở đảm cơ sở pháp lý, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Tiến Đạt