Kinh tế

Mở rộng hệ sinh thái cho sản phẩm hữu cơ

Nam Anh 17/05/2025 08:20

Những năm gần đây, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã có bước phát triển tích cực, diện tích canh tác hữu cơ cũng gia tăng, ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư và người tiêu dùng cũng chú trọng hướng đến các sản phẩm sạch bền vững. Vậy nhưng, giá trị xuất khẩu nông nghiệp hữu cơ mới chỉ chiếm 1,46% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Kim ngạch xuất khẩu còn khiêm tốn

Những năm gần đây diện tích canh tác hữu cơ tăng lên, đạt gần 175.000ha, chiếm 1,41% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, bước đầu hình thành các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) tiên phong đầu tư và định hướng thị trường rõ ràng. Vậy nhưng ở thời điểm hiện tại, giá trị xuất khẩu nông sản hữu cơ chỉ đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, chiếm 1,46% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản, một con số khiêm tốn so với lợi thế sẵn có. Nông nghiệp hữu cơ phát triển chưa đồng đều giữa các vùng miền, chuỗi giá trị liên kết còn thiếu, khâu kiểm soát chứng nhận chất lượng chưa thực sự đồng bộ.

Theo ông Trương Xuân Sinh - Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm chứng và dịch vụ chất lượng (RETAQ) thuộc Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Việt Nam có nhiều thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ do có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều sản phẩm nông sản có lợi thế cạnh tranh như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, chè, trái cây nhiệt đới, thủy sản… Vậy nhưng sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn còn gặp nhiều thách thức như: sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; kỹ thuật và trình độ canh tác chưa đáp ứng yêu cầu; chi phí sản xuất cao trong khi đầu ra chưa ổn định, các chính sách hỗ trợ còn phân tán, thiếu đồng bộ và chưa đủ mạnh để khuyến khích DN đầu tư dài hạn. Ông Sinh chỉ ra một trường hợp thực tế, đó là một DN chè ở Sơn La triển khai mô hình hữu cơ với quy mô 3ha, đạt năng suất và chất lượng tốt, giá bán cao. Tuy nhiên, khi muốn mở rộng vùng nguyên liệu, DN này gặp khó vì địa phương chưa có quy hoạch sản xuất hữu cơ phù hợp. Từ thực tế đó, ông Sinh cho rằng đây là vấn đề cần có định hướng rõ ràng từ cấp quốc gia đến địa phương.

Quy hoạch vùng và thu hút doanh nghiệp FDI

Đánh giá về nông nghiệp hữu cơ, giới chuyên gia khẳng định, Việt Nam còn nhiều dư địa, tiềm năng cho phát triển hệ sinh thái, cũng như những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ do có điều kiện tự nhiên thuận lợi; nhiều sản phẩm nông sản có lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, để có thể thu hút các DN lớn, DN FDI đầu tư vào lĩnh vực này cần có chiến lược tổng thể cấp quốc gia, với trọng tâm là quy hoạch vùng sản xuất hữu cơ phù hợp từng vùng sinh thái; hoàn thiện khung pháp lý, bộ tiêu chí thống nhất và minh bạch; tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Quan trọng nhất là phát triển chuỗi liên kết giữa nông dân với DN và thị trường.

Theo ông Trương Xuân Sinh, việc tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng với quy mô lớn và đồng bộ còn giúp giảm đáng kể chênh lệch giá giữa thực phẩm hữu cơ và phi hữu cơ. Bên cạnh đó, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng cần gắn với xây dựng thương hiệu, gắn với chuyển đổi xanh, gắn với du lịch sinh thái… sẽ giúp nông nghiệp hữu cơ ổn định lâu dài và giảm thiểu chi phí. Ngoài ra cần nâng cao kiến thức về lĩnh vực này cho nhà sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng. Cùng với đó, nỗ lực xây dựng cộng đồng sản xuất, tiêu thụ, kênh phân phối...

Chia sẻ phương cách phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Đan Mạch - quốc gia đi đầu trong xu hướng nông nghiệp hữu cơ và phát triển bền vững các chuyên gia cho hay, một trong những yếu tố thành công then chốt là áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ xuyên suốt trong toàn bộ chuỗi giá trị - từ nông trại đến bàn ăn. Sản phẩm chỉ được cấp nhãn hữu cơ khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, đồng thời trải qua hệ thống kiểm soát chặt chẽ, bao gồm kiểm tra định kỳ, đột xuất từ cơ quan chức năng địa phương. Sự hợp tác chặt chẽ trong toàn bộ chuỗi giá trị và các bên liên quan đã đưa Đan Mạch trở thành quốc gia không chỉ thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước mà còn cung cấp cho người tiêu dùng trên toàn thế giới những thực phẩm được sản xuất theo cách hữu cơ.

Nam Anh