Sức khỏe

Sẽ phạt nặng hành vi 'chứa chấp' thuốc lá điện tử

Đức Trân 17/05/2025 09:48

Bộ Y tế đã đề xuất bổ sung hành vi “chứa chấp”, “sử dụng” các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, đồng thời quy định rõ mức phạt cho từng hành vi vi phạm.

Lúng túng trong quản lý

Nhằm triển khai Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội, trong đó cấm hoàn toàn việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, chứa chấp và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025, Bộ Y tế đã khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi. Một trong những bước đi quan trọng là đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, theo hướng đưa các hành vi mới vào khung xử phạt.

bai chinh
Bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc thuốc lá điện tử được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: BVCC

Theo bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), các hành vi như “sử dụng” và “chứa chấp” thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện chưa được điều chỉnh cụ thể trong hệ thống pháp luật hiện hành, dẫn đến lúng túng trong quản lý và xử lý vi phạm. “Việc bổ sung hành vi và mức phạt nhằm hiện thực hóa Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời ngăn chặn xu hướng sử dụng tràn lan thuốc lá điện tử trong giới trẻ” - bà Thủy nhấn mạnh.

Dự thảo sửa đổi quy định phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi chứa chấp. Ngoài ra, người vi phạm có thể bị tịch thu sản phẩm và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Đây là lần đầu tiên hành vi sử dụng cá nhân bị xử phạt hành chính với khung rõ ràng và mức phạt tương xứng.

Dự thảo cũng lần đầu tiên định nghĩa khái niệm “thuốc lá điện tử” và “thuốc lá nung nóng”, tạo cơ sở pháp lý để phân biệt với các loại thuốc lá truyền thống và chất gây nghiện khác.

Đảm bảo tính khả thi và đồng bộ trong thực thi

Từ ngày 23/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn số 1098/TTg-QHĐP, yêu cầu các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai thi hành Nghị quyết 173. Trong đó, Bộ Công thương được giao tổ chức thực hiện cụ thể lệnh cấm, còn Bộ Y tế phụ trách nội dung sửa đổi các văn bản liên quan đến xử phạt hành chính.

Tiếp đó, ngày 16/1/2025, Thủ tướng tiếp tục ký ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt chương trình công tác năm 2025, trong đó giao Bộ Y tế xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai lệnh cấm và hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi.

Dự thảo Quyết định kèm theo gồm bốn nội dung trọng tâm: tuyên truyền và tập huấn về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; rà soát, điều chỉnh văn bản pháp luật có liên quan; xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện; và tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các địa phương.

Sau quá trình lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, Bộ Y tế đã hoàn tất hồ sơ và gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Hiện nay, cơ quan này đang tiếp thu, giải trình các ý kiến thẩm định và hoàn thiện bản dự thảo cuối cùng để trình Chính phủ ban hành trong quý II/2025.

Theo các chuyên gia y tế, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng không phải là sản phẩm an toàn. Chúng chứa nicotine – chất gây nghiện mạnh, gây tác động tiêu cực lên hệ thần kinh và tim mạch. Nicotine có thể làm tăng huyết áp, nhịp tim và gây rối loạn chức năng mạch máu. Bên cạnh đó, các chất hóa học trong khói thuốc điện tử như formaldehyde, acrolein và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi đã được xác định là gây viêm nhiễm đường hô hấp, tổn thương tế bào phổi và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phổi mạn tính như viêm phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cảnh báo rằng thuốc lá điện tử có thể gây ra “bệnh phổi tổn thương cấp tính do thuốc lá điện tử” (EVALI), một hội chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Đặc biệt, các thành phần hương liệu trong thuốc lá điện tử còn có thể kích thích phản ứng dị ứng, gây khó thở, ho kéo dài.

Tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên ngày càng gia tăng. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá điện tử đang trở thành “cánh cửa” dẫn đến nghiện nicotine ở nhóm trẻ chưa từng hút thuốc lá truyền thống. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân mà còn tạo áp lực lớn cho hệ thống y tế trong tương lai.

Theo Bộ Y tế, qua rà soát hành vi sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển, quảng cáo hàng cấm đã có các chế tài xử phạt tại Điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Điều 33 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo và Điều 190, 191 Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, chưa có khái niệm “thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng”, chưa có chế tài xử lý hành chính đối với hành vi “chứa chấp” và “sử dụng” thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Đức Trân