Thoát nghèo nhờ cây chè Tán Ma
Kinh tế thị trường phát triển, cây chè Tán Ma trở thành một sản phẩm mang tính hàng hóa, đem lại thu nhập ổn định, góp phần giúp người dân vùng cao Thanh Hoá phát triển kinh tế và thoát nghèo.
Ở các huyện vùng cao Quan Sơn, Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa), đồng bào dân tộc Thái lâu nay vẫn xem cây chè Tán Ma là thức uống gắn kết tình làng nghĩa xóm. Bà Hà Thị Thảo, trú tại bản Phụn (xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn), được bà con trong vùng ví như “nghệ nhân” làm chè Tán Ma chia sẻ: “Cây chè Tán Ma được đồng bào dân tộc Thái gìn giữ từ nhiều đời nay. Trước kia, khi còn tục du canh du cư, mỗi lần chuyển bản, dù đi xa đến đâu, các cụ vẫn mang theo cây chè ấy. Nó không chỉ là thức uống mà còn là tấm lòng mời khách, là món quà quý giá của bản làng”.

Theo tiếng Thái, “Tán Ma” có nghĩa là “khách quý đến nhà”. Tên gọi ấy cũng chính là cách người dân nơi đây thể hiện tấm lòng chân thành, thân thiện của mình. Khi có khách đến chơi nhà, dù mâm cao cỗ đầy hay chỉ vài món mộc mạc, chén nước nấu từ lá chè Tán Ma luôn là món không thể thiếu. Chính từ thói quen mời trà ấy mà cái tên “Tán Ma” ra đời và gắn liền với món chè bản địa này.
Bà Thảo cho biết: Chè Tán Ma khác với chè xanh thông thường. Búp chè nhỏ, cánh xoăn tự nhiên, có màu nâu sẫm khi phơi khô. Khi pha, nước chè có màu hổ phách hoặc đỏ cam đặc trưng, vị dịu ngọt nơi cuống họng, không chát gắt, không đắng đậm. Điều đặc biệt, chè có mùi thơm thoang thoảng như cỏ cây sau cơn mưa rừng, mang đậm chất thiên nhiên. Người Thái không chỉ uống chè Tán Ma như một thú vui, mà còn tin vào giá trị y học của nó.
Cách chế biến chè cũng rất đặc biệt. Sau khi hái, búp chè được héo tự nhiên dưới bóng râm, sau đó đem vò tay nhẹ nhàng rồi ủ cùng lá cây dáy rừng trong vài tiếng đồng hồ – bước này giúp chè giảm chát và giữ lại mùi thơm đặc trưng. Sau đó, chè được phơi khô dưới nắng nhẹ hoặc sao chảo gang, đóng gói bằng túi giấy, túi vải thân thiện với môi trường.
“Hiện nay, chè thành phẩm được bán ra với giá dao động từ 150 – 200 nghìn đồng/1kg, làm ra đến đâu được bán hết đến đó. Chính vì vậy mà bà con nhân dân trong bản rất có động lực để mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều gia đình đã thực sự thoát nghèo và khấm khá lên nhờ vào cây chè Tán Ma đấy”- bà Thảo hào hứng nói.
Từ một sản vật chỉ mang tính “lưu hành nội bộ”, những năm gần đây, chè Tán Ma đang dần “vươn mình” trở thành sản phẩm phát triển kinh tế chủ lực ở các bản vùng cao ở huyện Quan Sơn, Quan Hóa. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hợp tác xã và hội phụ nữ, nhiều nhóm hộ tại các bản làng đã liên kết lại để trồng chè, chế biến theo hướng hàng hóa và xây dựng thương hiệu chè Tán Ma đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh.
Tại xã Hiền Kiệt (huyện Quan Hóa), bà con đã chuyển từ khai thác tự nhiên sang trồng chè Tán Ma tập trung ở độ cao trên 700m so với mực nước biển, nơi có khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, đáp ứng tiêu chuẩn chè sạch. Tính đến đầu năm 2025, xã Hiền Kiệt đã phát triển được gần 50ha chè Tán Ma, chủ yếu do các hộ đồng bào Thái canh tác. Từ năm 2021, mỗi tháng, người dân có thể chế biến và xuất ra thị trường hàng trăm kg chè khô, với giá bán trung bình 150.000 - 200.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Tại xã Trung Xuân (huyện Quan Sơn), mô hình nhóm sản xuất chè Tán Ma do phụ nữ làm chủ cũng đang hoạt động hiệu quả với quy mô 5 ha, hơn 30 thành viên tham gia. Không dừng lại ở sản phẩm khô, một số hộ dân còn thử nghiệm sản xuất trà túi lọc, trà hòa tan, trà đóng hộp thủ công giúp mở rộng thị trường tiêu thụ. Một số tour du lịch cộng đồng tại Pù Luông, Sầm Sơn, Mai Châu đã đưa sản phẩm chè Tán Ma vào danh mục quà tặng cho du khách.
Ông Chu Đình Trọng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: “Việc phát triển cây chè Tán Ma đang đem lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào người Thái ở địa phương khá thiết thực. Thu nhập cây chè đang góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào vùng cao. Bên cạnh đó, việc lưu giữ và phát triển nghề làm chè còn góp phần bảo tồn văn hóa bản địa, nâng cao vai trò của phụ nữ và bảo vệ rừng tự nhiên. Cây chè được trồng xen trong rừng, giữ đất, giữ nước và góp phần tạo sinh kế lâu dài cho người dân vùng cao”.