Giúp sĩ tử giảm bớt áp lực thi cử
Áp lực trước các kỳ thi, nhất là thi vượt cấp, tốt nghiệp THPT là điều phổ biến. Các sĩ tử nên có kế hoạch sinh hoạt, học tập cho cá nhân khoa học để giảm áp lực.
Áp lực trước những kỳ thi quan trọng
Em Bùi Trương Thành Đạt (học sinh khối 9, trường TH và THCS Triệu Vân) dự định, sắp tới sẽ thi, xét tuyển vào lớp 10 của trường THPT thị xã Quảng Trị. Thành Đạt cho biết, thời gian qua em đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về kỳ thi tuyển sinh sắp tới của mình.
Đối chiếu với những đợt xét tuyển vào lớp 10 trước đó của trường THPT thị xã Quảng Trị, Đạt cho rằng: “Em mới đạt được khoảng 75% kiến thức so với các kỳ thi trước đó. Hiện, em khá lo lắng, hồi hộp. Bản thân em đang cố gắng ôn tập, củng cố lại kiến thức để có thể đạt kết quả tốt nhất khi thi”.

Em Phạm Lưu Yến Vy (học sinh lớp 12B3, trường THPT A Túc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) chia sẻ: “Em đã được học bổng của trường FPT. Tuy nhiên, em vẫn đang hồi hộp, lo lắng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT vì, đây là dịp để đánh giá lại bản thân. Em đã xây dựng kế hoạch học tập, sinh hoạt cho cá nhân, trong đó, cố gắng cân đối thời gian ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe và tinh thần tốt nhất trước khi tham gia kỳ thi”.
Đăng ký xét tuyển vào ngành Tâm lý học của 2 trường Đại học ở Đà Nẵng và Đà Lạt, học sinh Từ Thị Như Ý (lớp 12B3, trường THPT A Túc) bộc bạch, đây là khóa đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp. Điều này khiến bản thân Như Ý thêm lo lắng, trăn trở.
“Dù đã có những hướng dẫn về cấu trúc đề thi, được thầy cô hỗ trợ ôn tập nhưng vẫn còn nhiều nội dung kiến thức của các môn Toán, Ngữ văn mà bản thân em chưa hiểu hết”, Như Ý nói và chia sẻ thêm, bản thân em đang sử dụng thêm công nghệ, trí tuệ nhân tạo để tự học, bổ sung kiến thức cho bản thân.
Bà Nguyễn Thị Ánh Công, giáo viên chủ nhiệm lớp 9, trường TH và THCS Triệu Vân cho biết, năm nay, nhà trường có một lớp khối 9 với 33 học sinh. Qua kinh nghiệm giảng dạy, làm công tác chủ nhiệm lớp, bà Ánh Công nhìn nhận, thi vượt cấp là kỳ thi quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến tương lai sau này của học sinh, vì vậy, bản thân của các em và kể cả phụ huynh đều gặp nhiều áp lực. Nhất là những thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường có bề dày truyền thống, điểm xét tuyển cao.
Nhằm giúp các em học sinh, phụ huynh giảm bớt áp lực thi cử, giáo viên chủ nhiệm cùng các thầy cô bộ môn luôn nhắc nhở, động viên, hỗ trợ các em ôn tập. Đồng thời, kết nối, trao đổi với phụ huynh về việc dành thời gian, quan tâm, động viên các con nhiều hơn trước kỳ thi vượt cấp sẽ được tổ chức vào ngày 30/5 tới đây.
Nhìn nhận kỳ thi là cơ hội đánh giá nỗ lực của bản thân
Theo PGS.TS. Đinh Thị Hồng Vân, giảng viên Khoa Tâm lý và Giáo dục, trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, áp lực trước các kỳ thi, nhất là kỳ thi vượt cấp và tốt nghiệp THPT là điều phổ biến, bởi tính chất quan trọng của các kỳ thi này. Tuy nhiên, học sinh hoàn toàn có thể vượt qua căng thẳng và hoàn thành tốt nếu có sự chuẩn bị và phương pháp phù hợp.
Bà Hồng Vân nhấn mạnh sự cần thiết của việc xác định mục tiêu hợp lý, quản lý thời gian hiệu quả, duy trì chế độ sinh hoạt khoa học và cho biết: “Trước hết, các em cần xây dựng kế hoạch học tập khoa học, chia nhỏ mục tiêu và ôn tập đều đặn, điều này giúp giảm áp lực. Các em nên kết hợp thời gian học với những khoảng nghỉ ngắn, vận động nhẹ nhàng và các hoạt động giải trí lành mạnh để giữ tinh thần thư thái”.
Bên cạnh đó, các kỹ thuật như thở sâu, bài tập thể dục nhẹ nhàng, ngủ đủ giấc và ăn uống cân đối cũng rất hiệu quả trong việc làm dịu tâm trí, cải thiện sự tập trung và giúp não bộ hoạt động tốt.
Đối với phụ huynh, việc đồng hành, tạo môi trường học tập tích cực, động viên, khích lệ con mà không gây áp lực quá mức là rất quan trọng. Phụ huynh cần lắng nghe cảm xúc của con, giúp con chia sẻ lo lắng và hướng dẫn kỹ năng quản lý stress, để con vững tâm hơn khi bước vào phòng thi.
Về tinh thần, PGS.TS. Đinh Thị Hồng Vân khuyên: “Các em học sinh hãy giữ thái độ tự tin, tin tưởng vào quá trình chuẩn bị của mình, không so sánh với người khác và nhìn nhận kỳ thi là cơ hội để khẳng định những nỗ lực trong suốt thời gian qua, không áp lực với việc là phải hoàn hảo”.

Nhìn nhận dài hạn, nữ giảng viên Khoa Tâm lý và Giáo dục, trường Đại học sư phạm, Đại học Huế đặc biệt lưu ý: “Học sinh và phụ huynh cần nhận thức rằng, việc chuẩn bị kiến thức và kỹ năng một cách bài bản, đều đặn và toàn diện sẽ giúp các em tự tin, giảm áp lực tâm lý khi bước vào kỳ thi”.
Do đó, ngay cả với học sinh các lớp chưa thi cuối cấp (lớp 6, 7, 8, 10, 11), cần xây dựng kế hoạch học tập và định hướng đúng đắn từ sớm. Các em cần xác định mục tiêu học tập phù hợp với năng lực, sở thích và định hướng phát triển cá nhân, từ đó lên kế hoạch cụ thể. Mục tiêu này không chỉ dừng lại ở điểm số mà cần hướng tới phát triển kỹ năng tư duy, giải quyết vấn đề và thái độ tích cực với việc học.
Trong kế hoạch học tập, việc duy trì thói quen học đều đặn, phân bổ thời gian hợp lý cho từng môn, và chú trọng củng cố kiến thức nền tảng (thay vì chỉ tập trung hoặc học dồn vào cuối năm) sẽ giúp học sinh tránh áp lực “cày kéo”, mệt mỏi và giảm hiệu quả.
Phụ huynh tiếp tục có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ con xây dựng kế hoạch, khuyến khích sự chủ động, và giúp con cân bằng giữa học tập với phát triển kỹ năng sống, thể chất và các hoạt động giải trí. Một môi trường gia đình tích cực sẽ là yếu tố then chốt giúp học sinh giữ được tinh thần thoải mái.
“Tóm lại, chuẩn bị sớm, xây dựng mục tiêu rõ ràng, duy trì thói quen học tập khoa học và có sự đồng hành phù hợp từ gia đình sẽ giúp học sinh các khối lớp chưa thi cuối cấp phát triển toàn diện và tự tin hơn khi bước vào các kỳ thi quan trọng trong tương lai”, PGS.TS. Đinh Thị Hồng Vân đúc kết.