Văn hóa

Cơ hội cho công nghiệp văn hóa

Phạm Sỹ (thực hiện) 18/05/2025 14:10

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang đã phân tích về về cơ hội, thách thức và kỳ vọng đổi mới khi những “rào cản” từng bước được tháo gỡ.

PV: Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân ra đời được kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển mới cho khu vực kinh tế tư nhân. Thưa ông, Nghị quyết này sẽ mang đến những thay đổi cụ thể gì cho môi trường hoạt động của các doanh nghiệp văn hóa, sáng tạo?

ảnh 1 Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang.

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang: Nghị quyết 68 được xem như “bước gỡ rào” cho nền kinh tế tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp làm văn hóa. Điều này phản ánh xu thế tất yếu khách quan của đất nước, của thời đại khi mà nền công nghiệp văn hóa đang trở thành một trong những mũi nhọn tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia hiện đại.

Trước khi có Nghị quyết 68, vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong sáng tạo, phát triển văn hóa chưa được chú trọng nhiều, còn nhiều khó khăn, rào cản. Do đó tính đột phá, sự sáng tạo nhiều khi không thể hiện thực hóa và thường dừng lại ở tính chất ý tưởng hoặc dạng thuyết minh, các bản thảo sách… Khi Nghị quyết 68 ra đời, lĩnh vực kinh tế tư nhân được “trao thêm quyền”, được tự do cạnh tranh và sáng tạo các sản phẩm phục vụ xã hội, đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Còn với doanh nghiệp tư nhân về văn hóa, khi môi trường sáng tạo thông thoáng hơn thì chắc chắn sẽ có nhiều sản phẩm làm giàu văn hóa dân tộc.

Trong bối cảnh còn nhiều thách thức về chính sách, thị trường và nguồn lực, theo ông, đâu là những rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp văn hóa cần vượt qua để có thể tận dụng hiệu quả cơ hội từ Nghị quyết 68?

Có lẽ rào cản lớn nhất mà chúng ta cần vượt qua đó là “trình độ” sáng tạo văn hóa. “Trình độ” ở đây không nên hiểu là “cấp độ được đào tạo” trong lĩnh vực văn hóa nơi trường quy, mà cần hiểu rộng ra là tâm lý sáng tạo văn hóa, là tư duy văn hóa và khả năng nhạy bén trong tiếp nhận văn hóa, tiếp nhận các giá trị thuộc về công nghệ hiện đại. Nghĩa là, “làm văn hóa một cách chuyên nghiệp”. Khi chúng ta không “vượt qua được chính mình”, vượt qua được tâm lý “an toàn”, “không dám bứt phá” trong sáng tạo văn hóa, thì dù có “mở rào về thể chế” cũng khó có được những sản phẩm mang lại giá trị bền vững.

Rào cản tiếp theo chúng ta phải đối diện đó là “vốn”. Doanh nghiệp tư nhân làm văn hóa cần có “vốn dài hạn”, bởi vì đầu tư cho văn hóa luôn có tính “trường kỳ”. Một sản phẩm văn hóa từ lúc “thai nghén” đến khi đi vào thực tiễn, cho đến lúc “có lãi” là một “bài toán sử dụng vốn tài chính” dài hơi và liên tục.

Ngoài vốn tài chính thì doanh nghiệp làm văn hóa cần có thêm thứ vốn khác phức tạp và có tính quyết định nữa, đó là “vốn xã hội”. Doanh nghiệp làm văn hóa mà thiếu đi những “nhận định”, “đánh giá” đúng và trúng về sự vận động của xã hội, về thị hiếu và xu hướng tiếp nhận văn hóa, thì các sản phẩm làm ra cũng khó tồn tại được, chứ chưa nói đến là “bán được”.

Đó là lý do tại sao ở những nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển, các doanh nghiệp thường có một đội ngũ phân tích chiến lược về xã hội với các báo cáo chính xác, trước khi sản xuất các sản phẩm. Đội ngũ này ngoài việc đánh giá về “thị hiếu, nhu cầu” xã hội, họ cũng góp phần “huy động” được một nguồn lực xã hội khổng lồ, ủng hộ và giúp lan tỏa các sáng tạo của Công ty.

ảnh 3
Không gian sáng tạo Complex1 (Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) được xây dựng trên nền xưởng in cũ. Ảnh: P. Sỹ.

Từ góc nhìn chuyên gia văn hóa, ông kỳ vọng vai trò của khối tư nhân – đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ thay đổi ra sao trong việc thúc đẩy công nghiệp văn hóa và lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam sau khi Nghị quyết 68 được triển khai?

Thứ nhất, khi Nghị Quyết 68 đi vào cuộc sống, sẽ thúc đẩy hình thành một “hệ thống” doanh nghiệp tư nhân làm văn hóa. Từ đó tăng tính cạnh tranh sáng tạo, đa dạng hóa các sản phẩm.

Thứ hai, khi “thị trường” xuất hiện càng nhiều các doanh nghiệp tư nhân làm văn hóa sẽ góp phần tạo dựng “tính chuyên nghiệp” và “tính quốc tế” đối với các sản phẩm. Chỉ khi chúng ta đạt được “tính chuyên nghiệp” và “tính quốc tế” trong các sản phẩm văn hóa, thì khi ấy, bạn bè quốc tế sẽ biết đến ngành công nghiệp văn hóa của chúng ta nhiều hơn, doanh thu, lợi nhuận cũng từ đó mà tăng trưởng.

Và khi Nghị Quyết 68 đi vào cuộc sống sẽ tạo cú hích cho “công tác quản trị văn hóa”, từ đó giảm vai trò “can thiệp trực tiếp”, từng bước xác lập vai trò “phân cấp, phân quyền và quy trách nhiệm” trong hoạt động sản xuất các sản phẩm văn hóa. Một khi môi trường sản xuất các sản phẩm văn hóa được đảm bảo cạnh tranh công bằng, tự do hóa thương mại, thì khi ấy chắc chắn chúng ta sẽ có một nền công nghiệp văn hóa vững mạnh và xứng tầm!

Trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Sỹ (thực hiện)