Pháp luật

Không chỉ kẻ làm giả, người tiếp tay cũng phải trả giá

Đức Sơn 19/05/2025 10:00

Gần đây, hàng loạt đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm giả bị triệt phá cho thấy vấn nạn hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp. Đáng lo hơn, một số cán bộ có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cộng đồng lại tiếp tay, hợp thức hóa hàng giả, hàng nhái. Đã đến lúc không chỉ kẻ làm giả, mà cả người tiếp sức cũng phải trả giá.

tren(1).jpg
Ổ nhóm sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế giả quy mô lớn do vợ chồng Phạm Ngọc Tiến cầm đầu. Ảnh: CA Hà Nội.

Nhức nhối hàng giả

Công an TP Hà Nội vừa triệt phá ổ nhóm sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế giả do vợ chồng Phạm Ngọc Tiến và Đoàn Thị Nguyệt (cùng SN 1988, trú phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) cầm đầu. Theo điều tra, Tiến đã chỉ đạo kế toán công ty là Lương Thị Yến thành lập 17 công ty có chức năng nhập khẩu, phân phối hàng hóa trong nước. Thời gian đầu, Tiến nhập các loại thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất về phân phối trong nước. Khi thấy bán được nhiều hàng, Tiến đã nảy sinh ý định sản xuất, gia công hàng trong nước, lấy thương hiệu của nước ngoài để bán. Bản thân là dược sĩ nên Tiến tự tạo ra công thức của các sản phẩm, sau đó mua vật liệu trong nước và giao cho nhân viên không có trình độ, bằng cấp tự phối trộn thành viên nang, đóng gói thành các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài là thực phẩm chức năng, thiết bị y tế...

Khám xét khẩn cấp 15 điểm liên quan đến ổ nhóm này là nơi sản xuất, gia công hàng hóa ở nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan chức năng thu giữ 28.531 hộp thực phẩm chức năng; 34.822 lọ thực phẩm chức năng; 38.935 vỉ chứa các viên thực phẩm chức năng; 8.535 thùng chứa nhiều vỏ hộp các loại, các loại máy móc, dây chuyền, nguyên vật liệu... để sản xuất hàng giả, tương đương hơn 100 tấn hàng hóa là thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả. Bước đầu, các đối tượng đã khai nhận hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả từ năm 2020 và bán cho các hiệu thuốc, bệnh viện rải rác trên toàn quốc.

Chỉ trong vài tháng trở lại đây, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện và triệt phá hàng loạt đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả có quy mô lớn, đặc biệt tập trung vào các mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, thực phẩm. Các vụ án không chỉ cho thấy thủ đoạn ngày càng tinh vi mà còn hé lộ sự tiếp tay lặng lẽ nhưng đầy nguy hiểm của một số cán bộ chức năng, biến hàng giả thành hàng “hợp pháp”. Điển hình, ngày 12/5 vừa qua, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Phong - nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cùng một số cán bộ của Cục An toàn thực phẩm về hành vi “nhận hối lộ”.

Cơ quan điều tra xác định, các bị can đã móc ngoặc, nhận tiền “lobby” của nhóm doanh nghiệp sản xuất hàng giả để bỏ qua các lỗi vi phạm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thẩm định, hậu kiểm, cấp 4 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt cho 2 nhà máy (MediPhar và MediUSA); cấp 207 giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho 207 sản phẩm thực phẩm chức năng của 9 công ty, giúp các đối tượng sản xuất thực phẩm chức năng giả với số lượng đặc biệt lớn, thu lời bất chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, kinh tế của người dân, gây bức xúc trong xã hội.

Truy đến cùng sai phạm

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Ngọc Hoàng - Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm (Hà Nội) cho biết, đối với hành vi sản xuất, buôn bán, kinh doanh hàng giả sẽ bị xử lý theo các tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 gồm: Sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 - khung hình phạt từ 1 năm đến 15 năm tù); Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193- khung hình phạt từ 2 năm tù đến tù chung thân); Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh (Điều 194 - khung hình phạt từ 2 năm tù đến tử hình). Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể, các đối tượng vi phạm có thể bị xử lý về tội “lừa dối khách hàng” với khung hình phạt từ 1 năm đến 5 năm tù.

Theo luật sư Hoàng, các vụ án sản xuất buôn bán hàng giả mà lực lượng công an triệt phá gần đây cho thấy, mức độ nguy hiểm không chỉ nằm ở sản phẩm giả, mà còn ở chỗ nó được hợp thức hóa dưới lớp vỏ doanh nghiệp hợp pháp. Trong trường hợp này, với quy mô, số lượng và hậu quả xã hội đặc biệt lớn, cơ quan tố tụng hoàn toàn có cơ sở để áp dụng khung hình phạt cao nhất. Đồng thời, cần làm rõ có hay không dấu hiệu tiếp tay, buông lỏng kiểm soát từ các cơ quan chức năng.

Cũng theo luật sư Hoàng, đối với các cán bộ, công chức nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiếp tay, bao che, bảo kê hoặc giúp hợp pháp hóa hàng giả thì có thể bị truy cứu về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Điều 356 BLHS- khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù); tội “nhận hối lộ” (Điều 354 BLHS - mức án cao nhất là tử hình); tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 360 BLHS, mức án cao nhất 12 năm tù).

“Trong bối cảnh tội phạm hàng giả ngày càng tinh vi, để ngăn chặn hiệu quả, pháp luật phải xử lý nghiêm minh cả người làm và kẻ tiếp tay. Không ai được đứng ngoài vòng pháp luật, kể cả cán bộ” - luật sư Lê Ngọc Hoàng nhấn mạnh.

Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị các UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ ngày 15/5 - 15/6/2025 đối với các sản phẩm thuốc, thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, mỹ phẩm, thực phẩm, thiết bị y tế, hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế. Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đức Sơn