Mặt trận

Khẳng định vai trò trung tâm của Mặt trận trong sửa đổi Hiến pháp

Tuệ Phương 19/05/2025 18:35

Ngày 19/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

z6616357612085_575247878158e9ceabd82e7a5eb2a351.jpg
Quang cảnh hội nghị góp ý. Ảnh: N. P

Góp ý vào việc sửa đổi Hiến pháp 2013, ông Vũ Hào Quang, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết đồng tình với việc quy định " các tổ chức chính trị -xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam".

Theo ông Vũ Hào Quang, việc sửa đổi Hiến pháp lần này bám rất sát với việc tinh gọn bộ máy. Trong sửa đổi Hiến pháp, chúng ta nên có sự đổi mới về tư duy. Vì vậy, trong lần sửa đổi này, việc các tổ chức chính trị -xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam là điều bình thường. Các tổ chức chính trị -xã hội có tính độc lập tương đối, có con dấu, Điều lệ riêng nên dùng từ "trực thuộc" không ảnh hưởng gì, chỉ cần Luật hóa để đi vào cuộc sống.

z6616898492898_1e86de8d239f87d14cf5c1708ebe1f63.jpg
Các đại biểu góp ý sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: N. P

Cùng quan điểm trên, theo bà Đặng Huyền Thái, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, dự thảo Hiến pháp bổ sung quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam để đảm bảo phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp. Theo đó, dự thảo cũng khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam là trung tâm trong hệ thống chính trị, là tổ chức để mọi tầng lớp nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, MTTQ Việt Nam được giao trọng trách trong việc đề xuất trình các dự thảo Luật.

z6616898239230_602d4f22ffdf7d11bff95da31016e480.jpg
Đại biểu đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: N.P

Ngoài ra, trong Điều 9 Hiến pháp, MTTQ Việt Nam được bổ sung là bộ phận của hệ thống chính trị của nước CHXHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã nâng tầm vai trò, vị trí, khẳng định thực quyền của MTTQ Việt Nam. Dự thảo cũng quy định các tổ chức chính trị - xã hội lớn, trực thuộc MTTQ Việt Nam, hoạt động thống nhất và phối hợp, dưới sự chủ trì của Mặt trận là một thay đổi căn bản, phù hợp với chủ trương, tinh gọn bộ máy, khắc phục sự chồng chéo… Điều này không chỉ khẳng định vai trò của MTTQ Việt Nam mà còn khẳng định vai trò cốt lõi tập hợp đoàn kết, đại diện, bảo vệ quyền lợi nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng, Nhà nước pháp quyền…

"Để phát huy tối đa sức mạnh, không làm mất tính chủ động đặc thù của từng tổ chức thành viên thì cơ chế chủ trì cần được cụ thể hóa. Bên cạnh đó, cần có cơ chế pháp lý đảm bảo hiệu quả hơn chức năng giám sát, phản biện xã hội, khắc phục tình trạng né tránh, hình thức trong quá trình tổ chức giám sát phản biện", bà Đặng Huyền Thái nói.

z6616357836844_aaf2145759c9385ed80b6d0893d61092.jpg
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: N. P

Luật sư Lê Đức Bính, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng, tại Điều 9, bổ sung “MTTQ Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị của nước CHXNCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” là phù hợp với thể chế chính trị của nước ta hiện nay. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Ngoài ra, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN Việt Nam, Hội CCB Việt Nam là tổ chức chính trị -xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam rất phù hợp, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ MTTQ Việt Nam, Điều lệ giám sát của mỗi tổ chức. Trước đây, quy định các tổ chức đoàn thể là thành viên của MTTQ Việt Nam nay quy định các tổ chức này trực thuộc dưới dự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của MTTQ Việt Nam sẽ góp phần thu gọn đầu mối, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhằm luật hóa chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia đóng góp vào sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết cần sửa đổi Hiến pháp, đảm bảo bám sát sự hướng dẫn của Trung ương, Bộ Chính trị để thể chế hóa, hướng tới sắp xếp tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng.
"Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tập hợp khách quan, chính xác các ý kiến để gửi tới cơ quan liên quan để tiếp thu, chỉnh sửa cho phù hợp", bà Nguyễn Lan Hương khẳng định.

Tuệ Phương