Văn hóa

Khi hiện vật 'sống lại' nhờ công nghệ

Phạm Sỹ 20/05/2025 09:05

Không còn giới hạn trong những tủ kính trưng bày truyền thống, nhiều bảo tàng đang tích cực ứng dụng công nghệ số nhằm mang đến cho công chúng những trải nghiệm sống động hơn. Tuy nhiên, cần nhìn nhận công nghệ số như một công cụ bổ trợ, nếu quá lạm dụng, có thể khiến bảo tàng biến thành một “sân khấu ánh sáng”, mất đi chiều sâu văn hóa và học thuật…

ảnh 5
Công chúng ấn tượng với trải nghiệm mới tại không giai trưng bày “Vũ khúc Thiền môn – Nghệ thuật Phật giáo thời Lý: Di sản và Công nghệ”. Ảnh: P. Sỹ.

Hồi sinh hiện vật

Những ngày này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang diễn ra trưng bày chuyên đề “Vũ khúc Thiền môn - Nghệ thuật Phật giáo thời Lý: Di sản và Công nghệ”. Tại không gian trưng bày, người xem không chỉ được chiêm ngưỡng hiện vật gốc mà còn tham gia vào một hành trình đa giác quan, nơi ánh sáng, âm thanh, hình ảnh 3D và thực tế ảo hòa quyện. Những pho tượng, kiến trúc chùa tháp, họa tiết trang trí thời Lý hiện lên rõ nét và sống động qua công nghệ số.

Ông Trương Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội UNESCO đánh giá cao sự ứng dụng công nghệ trong trưng bày. “Đây là trưng bày rất ý nghĩa, bởi có sự kết hợp giữa yếu tố lịch sử Phật giáo với yếu tố công nghệ. Trước đây, chúng ta thường trưng bày dưới góc độ hiện vật bình thường thì ở trưng bày này áp dụng công nghệ rất đặc biệt, mang lại hiệu ứng thị giác vô cùng đặc biệt” - ông Tiến chia sẻ.

Có thể thấy, đây là một trong những nỗ lực nổi bật nhằm làm mới cách tiếp cận bảo tàng trong thời đại công nghệ. Việc ứng dụng các công nghệ như scan 3D, trình chiếu đa phương tiện… không chỉ giúp tái hiện những hiện vật đã hư hại, mà còn khơi gợi trí tưởng tượng, kết nối cảm xúc và tăng tính tương tác cho người tham quan.

Theo PGS.TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn minh châu Á, khi nhắc đến việc ứng dụng công nghệ, người ta thường chỉ đề cập đến việc đưa các thiết bị số vào không gian trưng bày. Tuy nhiên, lại hiếm khi đặt câu hỏi: Tại sao cần đưa công nghệ vào? Công nghệ phục vụ mục đích gì trong trưng bày? Việc ứng dụng ấy mang lại hiệu quả ra sao?

Hiện nay, các bảo tàng đang lưu giữ một khối lượng lớn hiện vật, di vật có giá trị, phản ánh nhiều khía cạnh của lịch sử và văn hóa dân tộc. Thế nhưng, những hiện vật quý giá này đôi khi vẫn chưa thực sự “sống” trong đời sống đương đại. Dù công chúng có đến tham quan, họ vẫn khó cảm nhận hết chiều sâu lịch sử, văn hóa mà hiện vật mang lại.

“Vì vậy, một trong những giải pháp khả thi là tăng cường sự tương tác giữa hiện vật và công nghệ. Ở đây, công nghệ không chỉ dừng lại ở việc phóng to, thu nhỏ hay trình chiếu hình ảnh, mà quan trọng hơn, là tạo dựng những câu chuyện gắn với hiện vật, được kể lại bằng một ngôn ngữ hiện đại, hấp dẫn, gần gũi với người xem” - PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết.

Trước đó, tại Bảo tàng Hà Nội, trong trưng bày “Giải mã bí ẩn Kiến trúc điện Kính Thiên” công chúng lần đầu tiên được chiêm ngưỡng hình ảnh 3D về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên. Hình thái đó được công nghệ phục dựng dựa trên cơ sở các nguồn tư liệu tin cậy của khảo cổ học, đặc biệt là kết quả nghiên cứu so sánh với kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á, nghiên cứu mặt bằng nền móng, bộ khung giá đỡ mái, hình thái bộ mái, các loại ngói lợp mái.

Các bảo tàng khác như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã đã ứng dụng thuyết minh tự động trên điện thoại, giúp người xem dễ dàng tra cứu thông tin tác phẩm qua mã QR hoặc định vị thông minh. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng phát triển các tour tham quan trực tuyến...

Công nghệ dần trở thành “cầu nối” giúp bảo tàng tiếp cận công chúng ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào.

ảnh 4
Đầu chim phượng, thế kỷ 11-13 bằng đất nung. Ảnh: P. Sỹ.

Khi các hiện vật “sống” lại

Sự xuất hiện của công nghệ trong bảo tàng không chỉ đơn thuần nhằm “trình diễn” hay thu hút sự chú ý. Mục tiêu sau cùng vẫn là tạo nên kết nối giữa công chúng và di sản.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận công nghệ số như một công cụ bổ trợ chứ không phải thay thế giá trị cốt lõi của bảo tàng. Dù kỹ thuật mô phỏng có tinh vi đến đâu, thì cảm xúc khi đứng trước một hiện vật thật – một bức tượng hàng ngàn năm tuổi, một mảnh gốm còn nguyên dấu tích thời gian – vẫn là điều không gì thay thế được. Công nghệ, nếu quá lạm dụng, có thể khiến bảo tàng biến thành một “sân khấu ánh sáng”, mất đi chiều sâu văn hóa và học thuật.

Điều đó được thể hiện rõ ở trong trưng bày “Vũ khúc Thiền môn”. Tại trưng bày này, yếu tố nghệ thuật Phật giáo không chỉ là hình thức trình diễn, mà là nội dung được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo tính học thuật và tôn trọng bản sắc truyền thống. Sự kết hợp giữa công nghệ và chiều sâu nội dung chính là yếu tố giúp bảo tàng đổi mới mà vẫn giữ được bản chất cốt lõi của di sản.

Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, trưng bày lần này mang đến một cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về khái niệm ứng dụng công nghệ trong không gian văn hóa. Ông nhấn mạnh, việc đưa công nghệ vào trưng bày không thể tách rời nền tảng của những kết quả nghiên cứu khoa học. Chính từ những thành tựu nghiên cứu đó, công nghệ sẽ trở thành công cụ chuyển tải giá trị đến với công chúng, thông qua các hình thức nghệ thuật được sáng tạo bằng công nghệ trình chiếu, tương tác.

“Điều quan trọng không phải là sử dụng công nghệ để đơn thuần trình chiếu hình ảnh trên màn hình, điều đó dễ gây nhàm chán và thiếu chiều sâu. Công nghệ, trong trường hợp này, chỉ đóng vai trò như đường dẫn. Thành công của một không gian trưng bày không nằm ở mức độ hiện đại của thiết bị, mà ở sự kết hợp hài hòa giữa nền tảng khoa học, tư duy sáng tạo nghệ thuật và khả năng ứng dụng công nghệ phù hợp. Chỉ khi ba yếu tố ấy được dung hòa, trưng bày mới thực sự hiệu quả, ấn tượng và mang lại giá trị thiết thực cho xã hội” - PGS.TS Bùi Minh Trí lý giải.

TS Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhận định, công nghệ hiện nay là một xu thế tất yếu. Tuy nhiên, để ứng dụng công nghệ vào trưng bày một cách hiệu quả, điều quan trọng nhất vẫn là công tác nghiên cứu. Những di vật, cổ vật – vốn là thành phần của di sản văn hóa vật thể – đều cần được tìm hiểu kỹ lưỡng để kể lại câu chuyện của chúng một cách đúng đắn và sâu sắc.

Ông dẫn ví dụ về pho tượng đá “Kim cương” tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh), một hiện vật bị mất phần đầu. Nhờ quá trình nghiên cứu, phần đầu đã được phục dựng, trả lại “linh hồn” cho tác phẩm điêu khắc quý giá này. Tương tự, nếu chỉ trưng bày một đầu rồng, người xem sẽ khó hình dung được bối cảnh, chức năng hay vị trí nguyên gốc của nó. Nhưng khi có sự hỗ trợ của công nghệ, những mảnh ghép tưởng như rời rạc ấy sẽ được kết nối lại, giúp công chúng hiểu rõ hơn về ý nghĩa và giá trị thực sự của hiện vật.

Một trường hợp khác là chân tảng đá ở chùa Phật Tích – hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia. Khi nhìn bằng mắt thường, người ta có thể chỉ thấy những họa tiết trang trí dày đặc nhưng để lý giải được cấu trúc hoa văn đó, hiểu chúng phản ánh điều gì về tư tưởng, tín ngưỡng hay nghệ thuật thời kỳ Lý, thì lại là câu chuyện mà công nghệ, dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học có thể hỗ trợ hiệu quả.

TS Phạm Quốc Quân đánh giá cao cách tiếp cận của trưng bày chuyên đề “Vũ khúc Thiền môn – Nghệ thuật Phật giáo thời Lý: Di sản và Công nghệ” đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, bởi đã mang lại một “hơi thở mới” cho không gian trưng bày. Những hiện vật quen thuộc, thông qua sự kết hợp giữa nghiên cứu, công nghệ và sáng tạo, đã được "hồi sinh", mang đến trải nghiệm mới mẻ, sinh động và hấp dẫn hơn cho công chúng.

Phạm Sỹ