Tinh hoa Việt

Thơ Nguyễn Hải Yến Những thanh âm từ cuộc sống

Nhà văn Phùng Văn Khai 22/05/2025 09:11

Tôi nhớ lần gặp Nguyễn Hải Yến trong một ngày lễ hội mùa xuân khi bạn ấy phỏng vấn tôi cho Đài PT-TH Phú Thọ. Nhẹ nhàng, sâu sắc và nghiêm túc là ấn tượng với tôi trong cuộc đó và cả các cuộc phỏng vấn, trò chuyện sau này. Các bạn trẻ đến với nghề văn bút hôm nay đều luôn tự tin, giàu cá tính và nội lực. Đó là sự cần thiết trong cuộc sống, nhất là với cánh sáng tác thơ văn.

1(7).jpg
Nhà thơ Nguyễn Hải Yến.

Hải Yến đã sớm gây ấn tượng với các tập thơ: Thành phố lên đèn (NXB Hội Nhà văn, 2017); Đi về phía mặt trời (NXB Hội Nhà văn, 2018); Nắng (NXB Hội Nhà văn, 2019); Đôi mắt của bầu trời (NXB Nghệ An, 2021); Kiệt tác (NXB Nghệ An, 2024);… đã cho thấy sự lao động nghệ thuật nghiêm túc và sự đam mê của Nguyễn Hải Yến với cuộc đời, với thơ ca.

Nguyễn Hải Yến với thế mạnh của một tâm hồn luôn chuyển động, những quan sát tinh tế, thậm chí sự hoài nghi luôn được đặt ra riết róng đã tạo nên những câu thơ khiến người đọc phải sững sờ:

Đừng có vội ví von cây bách, cây tùng

Có khi chẳng kiên cường như cây cỏ

Bao thứ bậc phân chia, cây đa thành bé nhỏ…

Con người ở đâu giữa kỷ băng hà?

(Kiệt tác)

Và đây, sự nhận xét cũng là những câu hỏi:

Con trâu cắm mặt xuống đường bừa

Không hiểu nổi cuộc đời bao xới lật

Đêm chùn gối mỏi nhừ bao kéo giật

Giày xéo gì trong những tiếng vung roi

(Vỗ tay vào rối rắm)

Thấy rất rõ dấu ấn nghề nghiệp phóng viên trong tư duy thơ của Nguyễn Hải Yến. Điều đó là bình thường, thậm chí là đáng quý. Thơ bắt đầu từ đâu nếu không phải từ tư duy của mỗi con người? Thơ để làm gì nếu không để phục vụ đời sống tinh thần, những nhu cầu chính đáng của con người trong cuộc sống? Nếu không có dũng khí, chắc gì đã dám viết câu thơ: Nếu tất cả đều mua được bằng tiền/ Ai sẽ mua danh, ai mua quyền lực/ Ai mua bán rủi may trong buồn bực/ Ai trở về đếm lại những ngày qua (Nếu tất cả đều mua được). Đã thấy rất rõ ở đây không chỉ dũng khí của một công dân mà đã lấp lánh sự phản biện đến tận cùng của trí thức cầm bút dám nói thẳng ra điều mình suy nghĩ. Điều đó thật quý biết bao.

Lâu nay, dường như đã thưa vắng dần sự phản biện trong thơ, trong đời sống. Điều đó là vì đâu? Tại sao lại như vậy? Tất cả những câu hỏi ấy dường như đã được Nguyễn Hải Yến trả lời một cách sòng phẳng và mạnh mẽ trong từng bài thơ, từng khổ thơ, từng câu thơ một cách thẳng băng mà nhói buốt: Câu chuyện nào được kể tới mai sau/ Bao đỉnh núi bị thời gian vùi lấp/ Bao đỉnh núi bị cuộc đời vùi dập/ Vẫn đang mơ về một đỉnh núi nào? (Đỉnh núi). Trong tâm tưởng của ngàn tiếng suối reo/ Có tiếng hót của chim rừng tìm bạn/ Tiếng vun vút của hòn tên mũi đạn/ Bắn thẳng bồ câu gáy tiếng hòa bình… (Tiếng vọng của núi).

Đối với thơ hôm nay, chúng ta đã có sự mở mang trong cách nhìn, sự tiếp nhận và cả sự chấp nhận những tư duy khác biệt, thậm chí là dị biệt. Tuy nhiên, chúng ta cũng đủ sự trưởng thành và hiểu biết để khẳng định những giá trị đích thực của thơ ca, nhất là thơ đương đại. Những ma trận chỉ có thể giăng ra và đánh bắt được tư duy đọc non yếu, lệch lạc, bỏ nặng tìm nhẹ, ưa thích sự sặc sỡ, bí hiểm mà quên mất đẳng cấp của trí tuệ và tâm hồn bao giờ cũng ưa thích sự bình dị, lắng sâu, nhất là khi những giá trị ấy góp phần làm nên chiều sâu của mỗi con người. Thơ có thể đi đường vòng rất xa xôi cũng có thể trực diện sát sàn sạt với những gì cần nói, cần “chỉ mặt đặt tên”, miễn là giá trị nghệ thuật, nhất là tính thực hành, sự hữu ích của các thi phẩm ấy được bạn đọc tiếp nhận. Nguyễn Hải Yến rất hiểu độ khó của thơ cũng rất hiểu không phải ai, lúc nào cũng vượt qua được độ khó đó. Bởi vậy, mỗi bài thơ đều là một cuộc vượt mình. Thành tựu đến đâu, nhiều khi không do mình chủ động được.

2(4).jpg
Nhà thơ Nguyễn Hải Yến trong một buổi tác nghiệp.

Nguyễn Hải Yến có những câu thơ như nói với chính mình:

Những giọt nước cất lời

Cây đã hút làm nhựa sống

Đất hút làm mạch nước ngầm

Biển hút mãi những ngọt ngào vô tận

Gửi lại cho đời mặn chát, chông chênh

(Nước)

Nguyễn Hải Yến có những câu thơ như nhắn nhủ người xung quanh:

Chiếc lá sẽ trở về đâu

Khi cây bỏ cành, bỏ lá

Những trái non xanh bị héo quắt đầu

Cái cây nghĩ gì trong thiên vị

Quả chín vàng có biết xót xa

Những bông hoa úa tàn trong rũ bỏ…

(Chiếc lá)

Dẫn ra như thế để thấy rằng trách nhiệm của con người trong cuộc sống luôn được Nguyễn Hải Yến đặt ra, nhiều khi là bâng quơ, có khi là chủ động cũng đều là trách nhiệm của người cầm bút với đời sống, với con người hôm nay. Nguyễn Hải Yến có những câu thơ độc lập rất hay: - Nghe gió thổi nỗi buồn về gốc rễ; - Những đau buồn rơi xuống đất lặng thinh; - Con họa mi trong lồng cất lời ca lanh lảnh; - Những con thuyền chạy mãi phía lênh đênh; - Sự cô đơn không bao giờ biết đủ; - Những cánh buồn lo gió có đứng yên?; - Cái cây to biết đâu lại chỉ là gỗ mục; - Ai đã tự cầm dao đâm mình rồi đổ lỗi;… điều đó cho thấy tư duy thơ rất mạnh cũng là sự nhức buốt đến tận cùng trong ý đồ sáng tác của tác giả.

Nguyễn Hải Yến từng giành nhiều giải thưởng văn học: Giải nhất cuộc thi sáng tác thơ, văn, ca khúc nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập thành phố Việt Trì năm 2012; Giải thưởng cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới”, năm 2019; Giải thưởng văn học nghệ thuật của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ, năm 2019; Giải A Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ, năm 2021. Điều đó đã cho thấy sự ghi nhận về nghề nghiệp của các tổ chức có uy tín về văn học nghệ thuật với Nguyễn Hải Yến.

Đối với người sáng tác, giải thưởng là cần thiết, là thước đo nhưng không phải là tất cả. Thước đo công tâm nhất chính là thời gian và bạn đọc. Chỉ có thời gian và bạn đọc mới là sự thẩm định không chỉ đích đáng mà còn luôn nghiêm khắc để người sáng tác biết mình đang ở đâu, cần phải làm gì cho quãng đường phía trước.

Nguyễn Hải Yến dường như rất hiểu điều này. Thử thách với người sáng tác, nhất là với tuổi trẻ cũng rất cần phải đặt ra một cách liên tục, cấp độ cao. Khi bằng lòng với chính mình cũng là báo hiệu “cái chết” của người sáng tác. Văn học nghệ thuật trong đó có thơ ca luôn là như vậy. Người trong cuộc như Nguyễn Hải Yến cũng như chúng tôi đều cảm nhận sâu sắc một điều rằng, văn chương nghệ thuật là chốn không cùng, không có chỗ cho sự thỏa mãn cá nhân, mà tất cả phải là vì con người, vì vẻ đẹp chân - thiện - mỹ mà con người hướng đến.

Nguyễn Hải Yến đã rất thật với chính mình khi viết những câu thơ:

Thơ là sự liên tưởng điên rồ của trí não

Ta muốn liên kết đời mình với một vì sao

Trái đất ra đời từ vụ nổ

Thơ ta ra đời từ bùng nổ buồn đau

Ta ghi chép lại những biến cố của đất trời, con người, thời đại

Ta ghi chép lại đời mình bằng dấu ấn

Một cuộc đời được kể lại bằng thơ

(Một cuộc đời được kể lại bằng thơ)

Đọc thơ của Nguyễn Hải Yến, ta luôn tìm thấy ở đó không chỉ những trăn trở, phản biện rất đỗi con người mà còn bắt gặp những triết lý nhân sinh ở vỉa tầng sâu thẳm của một thế hệ với văn hóa lịch sử, với đương đại và cả với tương lai. Những kết tinh ấy chắc chắn sẽ là nền tảng để Nguyễn Hải Yến có những sáng tạo thành công hơn trong chặng đường phía trước.

Nhà văn Phùng Văn Khai