Sức khỏe

Nhồi máu cơ tim gia tăng ở người trẻ

Đức Trân 20/05/2025 12:16

Tình trạng nhồi máu cơ tim ở người trẻ, đặc biệt là nam giới dưới 40 tuổi đang gia tăng tại Việt Nam do lối sống thiếu vận động, béo phì và căng thẳng kéo dài, theo các bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

bai chinh
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ can thiệp cứu sống bệnh nhân trẻ nhập viện do nhồi máu cơ tim. Ảnh: BVCC.

Bệnh tim mạch không còn là của người lớn tuổi

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TPHCM) mới đây đã tiếp nhận và điều trị thành công trường hợp nam bệnh nhân (33 tuổi) nhập viện lúc nửa đêm trong tình trạng đau ngực, vã mồ hôi, khó thở. Người bệnh được chẩn đoán nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên (NSTEMI) – một dạng tổn thương do động mạch vành bị tắc nghẽn một phần.

Khai thác tiền sử cho thấy, trước đó hai tháng, bệnh nhân thỉnh thoảng bị đau nhói ở ngực trái rồi hết. Anh chần chừ không đi khám vì nghĩ triệu chứng không nghiêm trọng. Gần đây, cơn đau ngực khởi phát vào giữa đêm, nhưng thay vì đến cơ sở y tế, bệnh nhân chọn cách cố chịu đựng, mong triệu chứng tự khỏi. Vài giờ sau, cơn đau lan ra tay trái và dưới cằm, kèm theo vã mồ hôi, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

BS Nguyễn Xuân Vinh – Trung tâm Tim mạch Can thiệp (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM )cho biết, kết quả điện tâm đồ và chụp mạch vành cho thấy động mạch liên thất trước của bệnh nhân bị hẹp đến 99%. Ê kíp can thiệp đã tiến hành nong mạch và đặt stent, tái lập dòng máu nuôi tim chỉ trong vòng 30 phút. Sau thủ thuật, nhịp tim bệnh nhân ổn định và cơn đau giảm rõ rệt. Đây là một trường hợp nhồi máu cơ tim ở người trẻ điển hình. “Trước kia, bệnh lý này thường xảy ra ở người trên 45 tuổi nhưng hiện nay càng ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân là do lối sống ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh, hút thuốc lá, thừa cân béo phì, ít tập thể dục, căng thẳng kéo dài, tăng huyết áp, cholesterol cao và đái tháo đường. Người bệnh nói trên có tiền sử gia đình bị nhồi máu cơ tim, cả bố và anh trai đều gặp tình trạng này, cộng thêm cơ địa béo phì và lối sống ít vận động. Đây là những yếu tố nguy cơ đẩy nhanh tiến trình xơ vữa mạch máu gây hẹp lòng mạch, tiến triển thành nhồi máu cơ tim cấp” – BS Vinh lý giải.

BS Nguyễn Văn Dương cũng thuộc Trung tâm Tim mạch Can thiệp cho biết: “Hiện nay, nhồi máu cơ tim ngày càng phổ biến ở nhóm tuổi từ 30 - 45. Thực tế có những trường hợp nhồi máu cơ tim xảy ra ở người dưới 35 tuổi, thậm chí có bệnh nhân chưa đầy 30 tuổi đã nhập viện trong tình trạng nguy kịch.” Chuyên gia này cũng dẫn chứng một nghiên cứu của Viện Tim mạch Việt Nam, theo đó tỉ lệ mắc nhồi máu cơ tim ở nam giới từ 30 - 34 tuổi là 12,9/1.000 người, trong khi ở nữ giới là 2,2/1.000 người.

Triệu chứng mờ nhạt, biến chứng nặng nề

Theo các bác sĩ, một trong những khó khăn lớn khi dự phòng và điều trị nhồi máu cơ tim ở người trẻ là triệu chứng thường không điển hình. Cơn đau có thể chỉ là cảm giác đè nặng, đau âm ỉ hoặc đau nhói ngắn. Một số trường hợp chỉ xuất hiện mệt mỏi, buồn nôn hoặc tức vùng thượng vị, dễ bị nhầm lẫn với bệnh tiêu hóa hoặc stress.

Nếu không được xử trí đúng lúc, nhồi máu cơ tim có thể gây ra loạn nhịp, suy tim cấp, sốc tim hoặc đột tử. Những biến chứng này không phân biệt độ tuổi, và người trẻ thường chủ quan hơn khi đối mặt triệu chứng ban đầu.

Một số trường hợp bệnh nhân trẻ tử vong đột ngột tại nhà hoặc nơi làm việc được phát hiện muộn. Theo dữ liệu của Đại học Y khoa Johns Hopkins (Mỹ), gần 30% các trường hợp nhồi máu cơ tim ở người dưới 40 tuổi không có biểu hiện rõ rệt trước đó. Điều này cho thấy việc chủ động tầm soát có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

BS Nguyễn Văn Dương nêu thực trạng, người trẻ ít đi khám sức khỏe định kỳ và ngại kiểm tra tim mạch nếu chưa có biểu hiện rõ ràng. Một số trường hợp khi phát hiện bệnh thì đã có tổn thương cơ tim vĩnh viễn, làm giảm khả năng lao động và chất lượng sống về sau.

PGS.TS.BS Phạm Quốc Khánh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, lối sống hiện đại đang tác động trực tiếp đến sức khỏe tim mạch của giới trẻ. Việc ngồi lâu, sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều, ăn nhanh, thiếu ngủ, áp lực công việc kéo dài… khiến cơ thể không còn cơ hội hồi phục.

“Khi những yếu tố này kéo dài nhiều năm, động mạch bắt đầu dày lên, hình thành mảng xơ vữa từ rất sớm mà không ai biết” – BS Khánh nói.

Việc giáo dục cộng đồng, đặc biệt ở người trẻ, đóng vai trò then chốt trong phòng bệnh. Các chuyên gia đề xuất lồng ghép nội dung về tim mạch vào chương trình giáo dục thể chất, đồng thời mở rộng các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức sớm. Bên cạnh đó, phản ứng nhanh khi có dấu hiệu nghi ngờ đóng vai trò quyết định. “Cần đưa người bệnh đến cơ sở có chuyên khoa tim mạch càng sớm càng tốt, bởi “thời gian vàng” để can thiệp hiệu quả chỉ kéo dài trong vòng 90 - 120 phút từ khi cơn đau khởi phát. Sau thời gian này, nguy cơ tử vong và biến chứng tăng cao rõ rệt” – BS Nguyễn Văn Dương lưu ý.

Để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, WHO khuyến nghị duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm: không hút thuốc lá, giữ chỉ số BMI dưới 25, tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần, hạn chế ăn thực phẩm giàu chất béo bão hòa và đường tinh luyện, đồng thời kiểm soát tốt stress và giấc ngủ. Những người có yếu tố di truyền, như cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh tim mạch sớm, nên bắt đầu kiểm tra mỡ máu, huyết áp và đường huyết từ độ tuổi 25 - 30.

Đức Trân