Có nên thành lập Tòa phá sản và Tòa sở hữu trí tuệ ở Tòa án khu vực?
Ngày 19/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân.
Tiêu chí thành lập Tòa sở hữu trí tuệ, Tòa phá sản
Theo ĐBQH Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh), dự thảo bổ sung quy định Tòa án nhân dân khu vực có thể thành lập Tòa sở hữu trí tuệ, Tòa phá sản. Việc thành lập do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, dự thảo Luật thiếu tiêu chí lựa chọn địa bàn và điều kiện thành lập. Hiện dự thảo và các văn bản kèm theo tờ trình dự án Luật vẫn chưa có hướng dẫn hoặc tiêu chí cụ thể về khu vực nào thì cần thành lập Tòa sở hữu trí tuệ, Tòa phá sản? Bao nhiêu vụ việc trong năm mới đủ điều kiện thành lập và nguồn nhân lực lấy từ đâu?
Mặt khác, ông Bình lo ngại quy định này có nguy cơ dàn trải, thiếu trọng điểm, nếu mở rộng quá nhiều tòa chuyên trách nhưng không tập trung đủ vụ án hoặc thiếu thẩm phán có chuyên môn sâu sẽ kém hiệu quả. Từ đó, ông Bình kiến nghị sửa đổi việc thành lập tòa chuyên trách như sau: Tòa sở hữu trí tuệ, Tòa phá sản tại các Tòa án nhân dân khu vực được căn cứ vào số lượng trung bình các vụ án thuộc lĩnh vực tương ứng phát sinh trong 3 năm liên tiếp trên địa bàn; nhu cầu thực tiễn và tính chất phát triển kinh tế - xã hội của khu vực; đội ngũ thẩm phán có trình độ chuyên môn phù hợp...
ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn Hà Tĩnh) thì cho rằng, nội dung thành lập các tòa chuyên trách như Tòa kinh tế, Tòa phá sản và sở hữu trí tuệ đã được quy định ở Luật Tổ chức Tòa án 2024 và phát triển để sắp xếp chuyển tòa chuyên biệt ở Luật Tổ chức Tòa án 2024 thành tòa chuyên trách đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế.
Chính phủ đang trình Quốc hội để xem xét thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam và sẽ đi vào hoạt động, thu hút nhiều nhà đầu tư. “Việc thành lập các tòa án này là rất cần thiết để kịp thời giải quyết các tranh chấp bằng đội ngũ thẩm phán có chuyên môn sâu ở các lĩnh vực này” - bà Thu nhìn nhận.
Tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương), cần cân nhắc kỹ về việc thành lập Tòa phá sản và Tòa sở hữu trí tuệ ở cấp khu vực. Thực tiễn cho thấy, hiện số lượng vụ án trong hai lĩnh vực này không lớn, thậm chí tại nhiều tỉnh, thành phố hầu như không phát sinh loại án này trong cả năm. Do đó, nếu thành lập tòa chuyên trách về phá sản và sở hữu trí tuệ ở các Tòa khu vực là không hợp lý, sẽ kéo theo việc bổ nhiệm thêm chức danh lãnh đạo, biên chế, trong khi hiệu suất xét xử của các tòa này thấp. Theo bà Nga, có thể bố trí Thẩm phán chuyên trách trong Tòa Kinh tế hoặc Tòa Dân sự đảm nhiệm các vụ việc về phá sản hoặc sở hữu trí tuệ thay vì tổ chức thêm tòa chuyên trách sẽ phù hợp hơn.
Giải trình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, vấn đề giải quyết án phá sản và sở hữu trí tuệ chưa phải quá nhiều đối với tình hình hiện nay. Tuy nhiên xu hướng phát triển, xu hướng hội nhập của đất nước thì vấn đề phá sản là một nhu cầu của doanh nghiệp, khi người ta bỏ tiền đầu tư thì cũng cần phải kết thúc nếu không hiệu quả.
Theo ông Trí, sở hữu trí tuệ trở thành tài sản và tài sản này các nước phát triển càng quan tâm, hơn nữa liên quan đến tài sản vô hình nên đây là một nhu cầu rất lớn và đòi hỏi tính chuyên sâu. “Hiện nay nhu cầu chưa lớn nên chúng ta sẽ gắn vào trong Tòa khu vực. Nhưng khi nhu cầu lớn dần chúng ta phải chấp nhận là một tòa chuyên trách, vì trong Luật Tổ chức Toà án năm 2024 đây là những tòa chuyên trách chứ không phải là tòa chuyên biệt… Chúng ta sẽ tiếp tục đào tạo đội ngũ thẩm phán chuyên theo lĩnh vực này để giải quyết cho nhu cầu của đất nước trong xu thế hội nhập và phát triển” – ông Trí nói.
Bổ sung quy định xử phạt hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng
Cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn hải Dương) đề nghị cân nhắc về quy định bổ nhiệm, miễn nhiệm cách chức Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân khu vực. Bởi dự thảo Luật quy định Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân khu vực do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát khu vực cũng do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
Tuy nhiên theo bà Nga, cần xem xét vai trò của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong công tác quản lý cán bộ. Vì Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là cơ quan trực tiếp quản lý theo dõi, đánh giá đội ngũ cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân khu vực và Phó Viện trưởng cấp mình, họ hiểu rõ năng lực, đạo đức, phẩm chất cán bộ dưới cấp. Do đó trong quá trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân khu vực cần cân nhắc vai trò của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là hợp lý. “Vì vậy đề nghị sửa đổi theo hướng Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân khu vực, Phó Viện trưởng kiểm sát nhân dân cấp tỉnh do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh” – bà Nga nói.
Về cơ cấu tổ chức của Viện Kiểm sát nhân dân khu vực, bà Nga đề nghị bổ sung làm rõ điều kiện thành lập phòng: Trường hợp nào được thành lập phòng và trường hợp nào là bộ máy giúp việc? Các tiêu chí cần đưa ra để xem xét việc thành lập phòng bao gồm số lượng biên chế tối thiểu, khối lượng công việc chuyên môn thực tế, tính chất phức tạp về địa bàn, loại án. Nếu không đưa nội dung các tiêu chí thành lập phòng tại Viện Kiểm sát nhân dân khu vực vào luật thì cần có quy định giao Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn, chi tiết.
ĐBQH Lê Tất Hiếu (Đoàn Vĩnh Phúc) thống nhất với việc bổ sung quy định Viện Kiểm sát nhân dân xử phạt hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan này. Ông Hiếu cho biết, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Hành chính năm 2015 đều quy định về các trường hợp phải xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự, dân sự hành chính, trong đó có các hành vi cản trở tố tụng do Viện Kiểm sát nhân dân tiến hành. Tuy nhiên, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Xử phạt vi phạm hành chính hiện hành, Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của UBTVQH xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa quy định thẩm quyền xử phạt hành chính của Viện Kiểm sát nhân dân. Cũng theo quy định tại các khoản 1,2,3, Điều 41, Điều 42, Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15, khi cá nhân, tổ chức có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Viện Kiểm sát thì Viện Kiểm sát nhân dân phải lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển giao cho Công an, Tòa án nhân dân xem xét xử phạt tùy theo giai đoạn tố tụng. “Do đó, việc cân nhắc bổ sung thẩm quyền xử phạt hành chính của Viện Kiểm sát nhân dân đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân là hợp lý” - ông Hiếu nói.