Quốc hội

Ý kiến xung quanh việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô, nhận hối lộ

Việt Thắng 20/05/2025 17:04

Chiều 20/5, Quốc hội thảo luận tổ về sửa đổi một số điều của Bộ luật Hình sự.

Đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đề cập đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân, không xét giảm án đối với một số tội danh nghiêm trọng, bao gồm vận chuyển trái phép chất ma túy, tham ô tài sản và nhận hối lộ.

Bà Nga tán thành với đề xuất này và cho rằng đây là một bước đi phù hợp với tinh thần nhân đạo của pháp luật Việt Nam, đồng thời thể hiện sự chủ động hội nhập với xu hướng tiến bộ của pháp luật quốc tế. Bà Nga nhấn mạnh, việc quy định hình phạt tử hình đối với các tội danh như tham ô, nhận hối lộ, vận chuyển trái phép chất ma túy là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh lịch sử và pháp lý của nước ta trước đây. Khi đó, hệ thống pháp luật còn chưa hoàn thiện, công tác phòng chống tội phạm gặp nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật trong xã hội còn hạn chế, nên cần đến hình phạt tử hình như một biện pháp răn đe đặc biệt.

“Tuy nhiên, đến nay, chúng ta đã có những chuyển biến rõ rệt, pháp luật ngày càng hoàn thiện, hệ thống tư pháp được cải cách theo hướng minh bạch, kiểm soát quyền lực được tăng cường, nhận thức pháp luật của cán bộ và người dân được nâng cao. Đặc biệt, Việt Nam đang tích cực hội nhập, tham gia nhiều công ước quốc tế về quyền con người. Trong bối cảnh đó, việc xem xét bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh không chỉ là hợp lý mà còn là dấu hiệu của một tư duy lập pháp tiến bộ, biết thích nghi với điều kiện thực tiễn và thể hiện bản lĩnh của nhà nước pháp quyền”, bà Nga phân tích và cho rằng việc áp dụng hình phạt tù chung thân thay vì tử hình còn mở ra cơ hội sửa sai và bảo vệ nguyên tắc công lý, nếu trong tương lai có căn cứ mới cho thấy sai sót trong điều tra hay xét xử.

ĐB Nguyễn Thanh Sang (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh để tránh tác động tới hiệu quả răn đe, phòng ngừa và xử lý tội phạm. Trong đó có việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ trong bối cảnh tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến rất phức tạp, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang được Đảng và Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. “Đừng nghĩ tội tham ô chỉ có ở lĩnh vực công mà cả lĩnh vực tư”, ông Sang nói.

Theo ông Sang, thực tiễn cho thấy việc quy định hình phạt tử hình trong các tội về tham nhũng có tác dụng răn đe cao. Hầu hết số người bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về các tội tham nhũng có khung hình phạt tử hình đều rất tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng và thể hiện cố gắng cao trong việc khắc phục hậu quả thiệt hại.

Dẫn vụ án Vạn Thịnh Phát và việc xử lý tài sản, khắc phục hậu quả của bà Trương Mỹ Lan, ông Sang đặt câu hỏi: Nếu các đối tượng phạm tội biết phạm tội nhưng không bị kết án tử hình thì liệu hiệu quả thu hồi tài sản có đạt như mong muốn?

lan20-5.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng bày tỏ băn khoăn với việc đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với Tội tham ô, Tội nhận hối lộ, Tội vận chuyển trái phép chất ma túy và Tội sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

Theo bà Lan, có một logic là nếu trên thực tế việc xảy ra các tội này ít hẳn đi thì thường người ta sẽ giảm án. Nhưng nếu tình hình ngày càng căng thẳng, ngày càng có nhiều nguy cơ và luật có quy định án tử hình rồi mà vẫn chưa khiến tội phạm e ngại thì một trong những giải pháp là tăng mức phạt.

ĐB Tao Văn Giót (Đoàn Lai Châu) đồng tình với cơ quan soạn thảo khi tăng mạnh mức phạt tiền và phạt tù với các hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh.

Tuy nhiên, ông Giót cho rằng, mức phạt 200 triệu đồng đến 2 tỷ đồng tùy thuộc vào hành vi như dự thảo là chưa đủ sức răn đe và chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này.

Theo phân tích của ông Giót, hầu hết vụ việc sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, thuốc giả đều là phạm tội có tổ chức, có kế hoạch với phạm vi ảnh hưởng trên diện rộng. Đây là loại tội phạm biết hậu quả nhưng vẫn cố ý làm sai, trong khi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, mạng sống người dân. Sản xuất hàng giả không khác gì cố ý giết người.

“Mức phạt 200 triệu đồng đến 2 tỷ và mức án tù 1-5 năm không thể ngăn chặn triệt để loại tội phạm này, nhiều người sẽ bất chấp phạm tội do mức lợi nhuận quá lớn và khó bị phát hiện. Vì vậy cần đề nghị nâng mức phạt cho các hành vi này lên 10 năm tù đến chung thân. Mức phạt tiền thì căn cứ trên số lượng hàng giả đã tung ra thị trường, số lợi nhuận bất chính để xử lý”, ông Giót nói.

Ông Giót cũng đề nghị xử phạt thật nặng người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, tiếp tay cho cơ sở sản xuất, doanh nghiệp bán hàng kém chất lượng cho người tiêu dùng. Người có ảnh hưởng, người nổi tiếng đương nhiên có hiểu biết, thuộc tầng lớp trí thức, không thể trả lời không biết sản phẩm mình quảng cáo kém chất lượng.

yen20-5.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, tội sản xuất buôn bán hàng giả, thuốc giả là vấn đề nhân dân bức xúc, cho nên cần đưa lên áp dụng hình phạt tù chung thân. Nhưng theo bà Yến, cần làm rõ khái niệm thế nào là hàng giả để sau này có trường hợp vi phạm sẽ xử lý dễ dàng hơn.

Bà Yến cũng nêu, thuốc điều trị ung thư, tim mạch cần bổ sung phân nhóm theo mức độ nguy hiểm nếu làm giả đối với các loại thuốc này, đồng thời tăng nặng hình phạt đối với hành vi tiêu thụ thuốc giả trong bệnh viện công, cơ sở y tế. “Bệnh viện công, cơ sở y tế có dược sĩ, vậy sao mà không biết thuốc giả”, bà Yến nêu và đề nghị tăng mức phạt đối với thực phẩm nguy hại tới sức khoẻ cộng đồng, xử lý nghiêm người đứng đầu khi để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể.

Việt Thắng