Mặt trận tỉnh Đắk Lắk phản biện dự thảo các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Ngày 20/5, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với “Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đắk Lắk hiện có hơn 10.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trực tiếp hoạt động, số lượng lao động bình quân từ 20 đến 100 người/doanh nghiệp, đa số là doanh nghiệp tư nhân, đã hoạt động lâu năm và có mức tăng trưởng ổn định.
Ông Y Jăn Buôn Krông, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk cho biết: Các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đang được thực hiện theo Nghị quyết số 10/2020 của HĐND tỉnh đã không còn phù hợp với cơ sở pháp lý và thực tiễn hiện nay, bởi vì Nghị quyết 10 của tỉnh được ban hành trên cơ sở Nghị định số 39 ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng đến năm 2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80 thay thế Nghị định số 39, do đó việc ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 10 là hết sức cần thiết.
Tại Hội nghị, đại diện Sở Tài chính đã thông qua dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, dự thảo Nghị quyết lần này đề cập đến 4 nhóm nội dung lớn trên 4 lĩnh vực để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đó là hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Tấn Tài, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - xã hội, Giáo dục của Mặt trận tỉnh chia sẻ: Nghị định 80 của Chính phủ ra đời năm 2021 nhưng đến nay mới có dự thảo là rất chậm, trong khi cuộc sống từng ngày, từng giờ đòi hỏi phải tháo gỡ nút thắt, khó khăn vướng mắc.
Theo ông Tài, để ban hành Nghị quyết mới phải có bản thuyết trình về Nghị quyết 10/2020 trước đây không còn phù hợp là gì? Căn cứ vào Nghị định 80/2021 cụ thể hóa để ban hành dự thảo Nghị quyết mới. Trước đây doanh nghiệp được hỗ trợ bao nhiêu, nay hỗ trợ thêm bao nhiêu cần ghi rõ ràng, để từ đó thấy sự cần thiết phải ban hành sớm Nghị quyết mới cho phù hợp.
Cần quán triệt sâu sắc Nghị định 80 của Chính phủ; xác định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế, động lực quan trọng với nền kinh tế của tỉnh. Chính sách đối với kinh tế tư nhân phải có tầm nhìn mang tính chiến lược đến năm 2030.
Cần cập nhập thực tiễn Nghị quyết 68 của Trung ương để nghiên cứu và ban hành Nghị quyết mới cho phù hợp. Doanh nghiệp là đơn vị thụ hưởng cũng cần phải có tiếng nói của mình.
"Doanh nghiệp đang mong đợi từng ngày, vì vậy cần phải làm khẩn trương để đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho cộng đồng doanh nghiệp cũng chính là phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà", ông Võ Tấn Tài góp ý.
Ông Nguyễn Ngọc Tuyên, Viện Kinh tế và Quản lý Tây Nguyên đề nghị bổ sung thêm 1 điều trong dự thảo có đề cập đến nguồn vốn hỗ trợ từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đắk Lắk từ nguồn vốn ủy thác cho vay khi thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi hình thức kinh doanh và khởi nghiệp sáng tạo.

Theo ông Đỗ Đức Hà, Phó Giám đốc Sở Tư Pháp: Dự thảo Nghị quyết ban hành chậm, nội dung còn sơ sài, chưa phản ánh được thực trạng địa phương, cần ban hành bộ thủ tục hành chính của tỉnh để doanh nghiệp dễ tiếp cận. Trách nhiệm cơ quan quản lý địa phương phải cụ thể hóa, đánh giá bức tranh toàn cảnh, có bao nhiêu doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao nhiêu doanh nghiệp siêu nhỏ. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung thêm một điều về nguyên tắc thực hiện để cụ thể hóa bộ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn.

Tại Hội nghị, ông Lê Danh Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài giải trình: Sau khi nghiên cứu Nghị định 80, chúng tôi cũng muốn chọn lọc một số lĩnh vực có yếu tố trọng tâm hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên trong quá trình triển khai gặp vướng mắc; đại biểu muốn hỗ trợ ngân sách cao hơn nhưng ngân sách của tỉnh có hạn. Để thực hiện dự thảo Nghị quyết này, hàng năm dự kiến nguồn ngân sách của tỉnh chỉ đáp ứng 17 tỷ đồng nên khó đáp ứng được yêu cầu đề ra. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, chúng tôi nhìn ra được vấn đề rộng mở và có tính đa chiều hơn.
Với vai trò cơ quan soạn thảo, ông Thắng tiếp thu các ý kiến góp ý tại Hội nghị, trên cơ sở đó sẽ rà soát lại và hoàn chỉnh Nghị quyết mới, đồng thời tham mưu kế hoạch cho UBND tỉnh giao cụ thể nhiệm vụ cho từng ngành, để thực hiện được các chính sách hỗ trợ đề ra.

Kết thúc Hội nghị, ông Y Jăn Buôn Krông, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cho biết đã tiếp thu, ghi nhận những ý kiến phản biện, góp ý của các đại biểu. Các nội dung ý kiến của đại biểu và nội dung tiếp thu giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ được Ban Thường trực cân nhắc, đánh giá tác động để xây dựng văn bản kiến nghị.
Ngay sau Hội nghị này, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ các nội dung và cụ thể hóa bằng văn bản để chuyển đến các cơ quan được giao soạn thảo đề nghị tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp.
Ông Y Jăn Buôn Krông cũng đề nghị cơ quan có văn bản được phản biện cần ban hành văn bản tiếp thu phản hồi trước khi ban hành để đảm bảo khi dự thảo quy định được ban hành và đi vào cuộc sống sẽ đem lại sự đồng thuận của nhân dân, hài hòa lợi ích của Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.