Để trái vải vươn xa
Mùa vải thiều 2025 đang đến gần. Thời điểm này, các “thủ phủ” vải thiều như Bắc Giang, Hải Dương đang bước vào cao điểm xúc tiến thương mại nhằm quảng bá đưa thương hiệu vải thiều và các sản phẩm OCOP vươn xa.
Ngay bắt đầu vào vụ, Bắc Giang đã tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, ký kết thỏa thuận với doanh nghiệp, hợp tác xã, và các đơn vị vận chuyển, thương mại điện tử nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vải thiều, lan tỏa thương hiệu vải thiều Lục Ngạn đến các thị trường trong và ngoài nước.
Còn với tỉnh Hải Dương, ngay từ đầu tháng 5, UBND huyện Thanh Hà cũng đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản của tỉnh Hải Dương với hệ thống Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp (DN) nước ngoài, thu hút sự quan tâm của các DN, hợp tác xã và nhà phân phối lớn trong cả nước. Hội nghị không chỉ là diễn đàn kết nối cung - cầu mà còn tạo điều kiện để các DN tiếp cận thông tin vùng trồng, tiêu chuẩn chất lượng và quy trình canh tác đạt chuẩn xuất khẩu của địa phương.
Tỉnh Hải Dương cũng tranh thủ sự hỗ trợ từ các cơ quan trung ương và tổ chức quốc tế trong việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Năm nay, huyện đặt mục tiêu tất cả các vùng trồng phục vụ xuất khẩu đều được số hóa và cập nhật trên hệ thống truy xuất nguồn gốc QR code, giúp tăng độ tin cậy và minh bạch trong giao dịch thương mại.
Đại diện UBND huyện Thanh Hà cho biết, vụ vải năm nay, các hoạt động không chỉ nhằm thúc đẩy tiêu thụ quả vải mà còn góp phần nâng cao nhận thức cho nhà sản xuất trong việc phát triển thương hiệu chỉ dẫn địa lý “vải thiều Thanh Hà”, nhãn hiệu tập thể cho các nông sản địa phương đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất này.
Chủ động quảng bá, lan tỏa thương hiệu vải thiều tới các thị trường, nhiều nông hộ đẩy mạnh ứng dụng kênh thương mại điện tử, nền tảng số, không trông chờ vào thương lái như trước kia.
Các hợp tác xã cũng chủ động liên kết với người dân đưa quả vải lên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để bán và lan tỏa thương hiệu vải thiều đến các thị trường trong nước, thậm chí vươn ra thị trường thế giới. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo chất lượng vải thiều cũng được đặc biệt chú trọng. Phòng Nông nghiệp huyện Thanh Hà đã phối hợp chặt chẽ với các hợp tác xã để hướng dẫn nông dân canh tác theo tiêu chuẩn sạch, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly, quy trình thu hái, sơ chế, đóng gói. Điều này không chỉ phục vụ mục tiêu xuất khẩu mà còn xây dựng niềm tin bền vững cho người tiêu dùng cả nước.
Việc chứng nhận vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP sẽ là một yếu tố quan trọng giúp sản phẩm vải thiều Hải Dương chiếm lĩnh được thị trường quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các quốc gia nhập khẩu. Những nỗ lực này không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế cho nông dân mà còn góp phần phát triển thương hiệu vải thiều Hải Dương trên thị trường toàn cầu.