Doanh nghiệp cần làm gì để không bị lùi lại phía sau?
Thực tế cho thấy, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong thời đại cách mạng công nghệ số 4.0 không còn là sự lựa chọn mà là điều kiện bắt buộc đối với doanh nghiệp nếu không muốn lùi lại phía sau.
Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển thấp
Theo ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương), thực tế cho thấy mức đầu tư của Việt Nam vào R&D (tính cả ngân sách và doanh nghiệp - DN) hiện nay còn rất thấp, chưa đến 1% GDP, thấp hơn các nước trong khu vực… như Đông Nam Á trung bình từ 5 - 20%, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là 30% - 50%. Trước tình hình đó, Nghị quyết 57-NQ/TW đã đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng mức chi R&D lên 2% GDP, trong đó nguồn xã hội đóng góp hơn 60%.
.png)
Về vấn đề này, TS Phạm Mạnh Hùng và PGS.TS Tô Thế Nguyên (giảng viên Trường Đại học kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng, nhân lực R&D của Việt Nam còn nhiều hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay, tỷ lệ nhân lực R&D chưa đến 10/10.000 người và chỉ bằng 7,6% của Hàn Quốc, 13% của Pháp, 29,8% của Malaysia và 58% của Thái Lan.
Đáng chú ý, hơn 84% nhân lực R&D của Việt Nam tập trung ở khu vực nhà nước. Trong khi khu vực ngoài nhà nước, nơi được coi là động lực chính của đổi mới sáng tạo thì chỉ chiếm xấp xỉ 14%. Hệ thống đào tạo nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, với tỷ lệ dân số từ 18 - 29 tuổi học đại học chỉ đạt dưới 29%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực R&D vào Việt Nam. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Samsung, Panasonic, Apple, Nvidia... đã và đang mở các trung tâm R&D tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam cần tận dụng hiệu quả hơn nữa sự tham gia của các tập đoàn này, đồng thời cần có các chính sách ưu đãi dành riêng cho các nhà đầu tư FDI mảng R&D.
Chia sẻ ở góc độ DN, đại diện của Tập đoàn Qualcomm và Tập đoàn Panasonic cho biết, một trong những trở ngại mà các công ty này phải đối mặt khi mở các trung tâm R&D ở Việt Nam là khó khăn trong việc tuyển dụng kỹ sư công nghệ, đặc biệt là lao động có trình độ công nghệ thông tin và am hiểu về Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) hay công nghệ chuỗi khối (blockchain).
Thúc đẩy doanh nghiệp lớn đầu tư
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam thiếu vắng các đại học, viện nghiên cứu và DN có năng lực triển khai các dự án R&D tầm cỡ toàn cầu. Môi trường hoạt động R&D cũng chưa đủ hấp dẫn, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám khi nhiều tài năng R&D tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước ngoài. Một rào cản khác là hệ sinh thái R&D của Việt Nam vẫn rời rạc, thiếu sự gắn kết. Đặc biệt, Việt Nam chưa tận dụng hiệu quả sự tham gia của các tập đoàn công nghệ toàn cầu để kết nối dòng chảy tri thức và công nghệ quốc tế.
Việc thu hút các tập đoàn công nghệ toàn cầu đầu tư vào R&D không chỉ giúp Việt Nam gia tăng nguồn lực tài chính cho R&D mà quan trọng hơn, còn thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển nhân tài địa phương.
Bên cạnh đó, cũng cần cho các tập đoàn công nghệ toàn cầu thấy Việt Nam là điểm đến tối ưu về chi phí và hiệu quả nghiên cứu. Một số giải pháp mạnh mẽ có thể áp dụng, bao gồm: miễn thuế thu nhập DN trong 10 - 15 năm đầu cho các trung tâm R&D lớn; giảm thuế suất mạnh mẽ cho các khoản đầu tư vào công nghệ tiên phong như trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo, công nghệ bán dẫn; giảm rào cản thủ tục hành chính... Và khi Việt Nam có thể tạo ra một môi trường hội tụ cả ưu đãi thuế hấp dẫn, thủ tục hành chính thuận lợi, nguồn nhân tài dồi dào thì các tập đoàn công nghệ sẽ coi Việt Nam là điểm đến hàng đầu để mở rộng hoạt động R&D.