Kỷ luật tích cực để xây dựng trường học hạnh phúc - Bài 1: Xử phạt giúp học trò tiến bộ
LTS: Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư về khen thưởng, kỷ luật học sinh. Theo đề xuất, học sinh vi phạm sẽ bị xử lý theo từng cấp học. Dẫu thế, không ít ý kiến cho rằng việc Bộ GDĐT dự kiến bỏ hình thức đình chỉ học với học sinh vi phạm sẽ gây khó cho trường trong giáo dục những học sinh cá biệt. Từ số này, Báo Đại Đoàn Kết đăng tải loạt bài “Kỷ luật tích cực để xây dựng trường học hạnh phúc”.
Dự thảo Thông tư về khen thưởng và kỷ luật học sinh của Bộ GDĐT đưa ra hai mức kỷ luật đối với học sinh tiểu học, gồm: nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi. Đối với học sinh các cấp học cao hơn, có 3 mức: nhắc nhở, phê bình và yêu cầu viết bản kiểm điểm. Việc thay đổi hình thức kỷ luật so với quy định hiện hành được đánh giá là phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại, nhằm tăng tính nhân văn và giảm áp lực cho học sinh.
Khi học sinh mắc lỗi rất nặng
Lâu nay, chưa có thống kê đầy đủ về số lượng học sinh bị đình chỉ học tập hàng năm trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, trong số đó, có bao nhiêu em sau khi bị đình chỉ đã quay trở lại trường học hoặc không tiếp tục học nữa? Một câu hỏi lớn cũng được đặt ra là: trong thời gian bị đình chỉ học tập, các em đi đâu, làm gì?

Vào đầu tháng 5 vừa qua, 2 nữ sinh Trường THCS An Hữu (huyện Cái Bè, Tiền Giang) bị đình chỉ học 1 tuần vì hành vi đánh và làm nhục bạn, sau đó quay video clip phát tán lên mạng xã hội. Mới đây, 8 học sinh Trường THCS Trung Hiếu (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) tham gia đánh hội đồng bạn học đều bị kỷ luật bằng hình thức đình chỉ học tập trong 1 năm (2024 – 2025); nữ sinh cầm điện thoại quay clip vụ việc cũng bị đình chỉ học tập 2 tuần. Không riêng gì vụ việc học sinh đánh nhau như đã nêu, mà nhiều vụ việc bạo lực học đường xảy ra trước đây, đa số các nhà trường đều đưa ra cách giải quyết là tạm đình chỉ học có thời hạn với học sinh vi phạm.
Xét về mục tiêu, việc áp dụng kỷ luật trong nhà trường nhằm hướng tới giáo dục nhân cách học sinh, tuy nhiên đôi khi lại kéo theo những hệ lụy ngoài ý muốn. Với vụ việc 8 học sinh bị đình chỉ học tập ở Trường THCS Trung Hiếu nêu trên, sau gần 2 tháng nhận mức kỷ luật cao nhất theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, không ít em đã phải đi làm thuê. Cá biệt, có một học sinh 13 tuổi phải rời quê lên TP Vũng Tàu cùng cha mẹ bươn chải kiếm sống. Nhiều em khác chỉ quanh quẩn ở nhà, bấm điện thoại…
Hay những tình huống khác cũng không phải là hiếm, đó là việc kỷ luật khiến học sinh trở nên lì lợm, bất cần. Thầy giáo Nguyễn Hoàng Tùng, người có thâm niên 15 năm làm công tác chủ nhiệm tại một trường liên cấp ở TPHCM, chia sẻ: Ở năm học trước, nhà trường đã tiếp nhận một học sinh lớp 10 từ trường khác chuyển đến. Gia đình cũng cho biết em từng hai lần bị đuổi học ở hai trường trước đó. Thầy Tùng cho hay, khi nhập học tại trường của thầy, học sinh này vẫn thường xuyên vi phạm nội quy, đánh bạn. Khi bị đặt trước nguy cơ bị đuổi học thêm một lần nữa, em đã có thái độ thách thức: “Thầy cứ việc đuổi học. Nếu không phải học nữa, em sẽ cảm ơn thầy”.
Không đình chỉ học thì xử phạt như nào?
Thật khó để trả lời cho câu hỏi: đình chỉ học tập có đẩy học sinh vào cảnh lang thang, tiếp tục phạm lỗi hay không? Rõ ràng, khi nhà trường đình chỉ học tập một học sinh thì tùy vào nhận thức của cha mẹ, có người sẽ khuyên răn, dạy dỗ con để con hiểu ra mình sai ở đâu, cần khắc phục lỗi gì. Nhưng vẫn còn rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn: cha mẹ đi làm xa, cha mẹ ly hôn, hoặc bỏ bê con cái… dẫn đến việc không ai nhắc nhở, răn dạy các em.
Trong khi, liên quan đến khen thưởng - kỷ luật học sinh, tại Điều 38 của Thông tư 32/2023/TT-BGD ĐT đang áp dụng quy định, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện thì được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo hình thức cao nhất là tạm dừng học tập ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GDĐT. Nhưng trên thực tế, nhiều nhà trường sau khi áp dụng đình chỉ học tập đã không thực hiện các biện pháp giáo dục khác, khiến học sinh trở nên bị cô lập, lạc lõng.
Cô Phạm Thanh Xuân – giáo viên chủ nhiệm lớp 9 nhiều năm tại một trường THCS ở huyện Hải Hậu (Nam Định) cho rằng việc đình chỉ học, dù ngắn hay dài ngày, đều gây thiệt thòi cho học sinh. Những buổi không được đến lớp khiến các em mất bài, hổng kiến thức và sau đó rất khó bù lại. Những học sinh thường xuyên vi phạm vốn đã có học lực yếu, khi phải nghỉ học nhiều thì lực học càng yếu hơn. Khi đã đuối kiến thức, không nắm được bài cũ, các em sẽ khó tiếp thu kiến thức mới. Và như thế, mỗi ngày lực học lại đi xuống, dẫn đến tâm lý chán nản.
Nhìn nhận rõ những hạn chế của kỷ luật nghiêm khắc, trong những năm qua, nhiều trường học đã áp dụng các hình thức kỷ luật tích cực hơn. Có trường yêu cầu học sinh mắc lỗi phải quét dọn vệ sinh, mang và cất các thiết bị học tập sau mỗi tiết học. Chẳng hạn, Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) từng yêu cầu học sinh mắc lỗi lao động trong dịp nghỉ hè. Các em sắp xếp sách trong thư viện, chăm sóc cây xanh hoặc hướng dẫn phụ huynh tham quan trường…
Kỷ luật không định kiến
Dự thảo thông tư mới của Bộ GDĐT sẽ thay thế Thông tư số 08 ngày 21/3/1988, quy định về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh. Thông tư 08 đã có hiệu lực gần 40 năm và là một trong những văn bản pháp lý lâu đời nhất của Bộ GDĐT. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, đã có nhiều ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu đổi mới trong công tác giáo dục và bối cảnh hiện nay.
Theo tinh thần dự thảo Thông tư mới, học sinh vi phạm kỷ luật chỉ bị nhắc nhở hoặc yêu cầu viết bản kiểm điểm, thay vì mức kỷ luật nặng nhất là đình chỉ học như hiện nay. Bộ GDĐT cho biết, việc kỷ luật phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo tính chủ động, tích cực, khách quan, không định kiến, đồng thời phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và quyền được tham gia của các em. Đồng thời, Bộ GDĐT cũng nhấn mạnh không sử dụng các biện pháp kỷ luật mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm hoặc ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của học sinh.
Những ngày vừa qua, đề xuất bỏ hình thức đình chỉ học tập với học sinh vi phạm của Bộ GDĐT đã làm dấy lên nhiều tranh luận trái nhiều. Bày tỏ quan điểm về tinh thần dự thảo Thông tư mới, nhiều ý kiến đồng tình. Bà Nguyễn Kim Phượng - phụ huynh học sinh Trường THPT Hoài Đức C (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, học tập là quyền lợi chính đáng của mỗi học sinh, không nên vì bất cứ vi phạm nào mà tước đi quyền đó. Em Trần Tùng Lâm - học sinh Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng bày tỏ mong muốn được người lớn, thầy cô giáo lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn là xử phạt. Thậm chí bị kỷ luật mà toàn trường biết, học sinh sẽ xấu hổ, tự ti.
Trái ngược với đó, không ít nhà giáo lo không còn công cụ nào đủ nghiêm khắc với những học trò ngỗ nghịch, cá biệt. Bà Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hà Nội) nêu quan điểm: Nếu không có hình thức đình chỉ, chúng tôi rất khó can thiệp các tình huống bạo lực, bắt nạt trong trường. Lúc ấy, cả thầy cô và học sinh ngoan đều bị ảnh hưởng...
Theo các chuyên gia giáo dục, kỷ luật học sinh không thể chỉ là chuyện giữ hay bỏ một hình thức xử phạt. Vấn đề cốt lõi là xây dựng một môi trường giáo dục vừa nghiêm khắc, vừa bao dung, nơi học sinh được nhắc nhở kịp thời, sửa sai đúng cách và không bị đẩy ra ngoài cánh cửa trường học vì một lần vấp ngã. Đó cũng là phép thử để các nhà trường thể hiện năng lực đồng hành, thay vì chỉ răn đe. TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, kỷ luật học sinh cần tập trung vào cảm hóa thay vì trừng phạt. Việc đuổi học, đẩy học sinh ra khỏi môi trường giáo dục càng làm tăng nguy cơ các em rơi vào vòng xoáy tiêu cực. Nhà trường phải là nơi giúp học sinh sửa sai, không phải loại bỏ các em.
(còn nữa)
Hỗ trợ học sinh sửa sai
Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh bao gồm 5 chương, 24 điều. Trong đó Điều 14 quy định hoạt động hỗ trợ khắc phục khuyết điểm, gồm: khuyên bảo, động viên để học sinh tự nhận thức được hành vi vi phạm và hướng khắc phục. Theo dõi, tư vấn hỗ trợ học sinh vi phạm trong quá trình khắc phục hành vi vi phạm. Phối hợp với gia đình học sinh và các lực lượng khác để tư vấn hỗ trợ học sinh khắc phục các hành vi vi phạm. Dự thảo lấy ý kiến đến hết ngày 6/7/2025.