Bình Định: Giải pháp phát triển du lịch biển đảo bền vững
Sau sự cố mô tô nước xảy ra, các hoạt động vận chuyển bằng ca nô, mô tô nước không đủ điều kiện ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định bị tạm dừng, lượng khách du lịch đến với địa phương giảm đáng kể. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị UBND TP Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định và các sở ngành liên quan có giải pháp để “gỡ vướng”, hướng tới phát triển du lịch biển đảo bền vững.
“Tê liệt” giữa mùa cao điểm
Xã Nhơn Lý từ nhiều năm nay là một trong những điểm sáng của du lịch biển đảo TP Quy Nhơn. Các loại hình dịch vụ như lặn ngắm san hô, câu mực đêm, đi ca nô, mô tô nước… góp phần tạo nên sức hút cho vùng biển. Đặc biệt, việc chuyển đổi từ nghề biển truyền thống sang làm du lịch đã giúp cải thiện đáng kể đời sống người dân địa phương.
Tuy nhiên, sau sự cố mô tô nước xảy ra tại Hòn Khô (xã Nhơn Hải), UBND TP Quy Nhơn đã yêu cầu tạm dừng toàn bộ các hoạt động mô tô nước và ca nô không đủ điều kiện hoạt động theo quy định. Chỉ đạo này khiến hoạt động du lịch tại Nhơn Lý gần như “đóng băng” ngay trong mùa cao điểm.

“Chỉ sau 2 tuần tạm dừng, lượng khách đến Nhơn Lý giảm đến 70%. Khách hủy tour hàng loạt, nhiều nhà hàng, khách sạn trống khách, xe du lịch cũng không hoạt động. Doanh nghiệp không có thu nhập nhưng vẫn phải chi trả lãi vay, lương nhân viên, tiền điện nước… Tình hình này nếu kéo dài thêm, nhiều doanh nghiệp phá sản là điều khó tránh”, anh Nguyễn Hữu Đảo, Giám đốc Công ty Du lịch cộng đồng Khánh An (xã Nhơn Lý) chia sẻ.
Theo anh Đảo, để đầu tư một tàu SI phục vụ du lịch phải chi khoảng 750 triệu đồng, còn tàu SB thì từ 2,4 đến hơn 3 tỷ đồng. Hầu hết cơ sở tại đây đều vay vốn ngân hàng, nên việc mất doanh thu trong suốt mùa du lịch khiến gánh nặng tài chính càng thêm đè nặng.
Theo thống kê của UBND xã Nhơn Lý, hiện địa phương có gần 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và nhà hàng, với 38 phương tiện ca nô, tàu composite các loại. Trong số đó, phần lớn các hộ đã đầu tư lớn vào phương tiện, nhân sự, cơ sở hạ tầng phục vụ du khách. Tuy nhiên, vì chưa được quy hoạch bến bãi, luồng tuyến rõ ràng nên các hoạt động vẫn còn mang tính tự phát, khó đảm bảo yêu cầu pháp lý dù luôn nỗ lực đảm bảo an toàn cho du khách.
Một hộ kinh doanh tại xã Nhơn Lý chia sẻ: “Chúng tôi chỉ hoạt động được 3 tháng cao điểm là từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm, còn lại là mùa mưa, không hoạt động được. Thời điểm hiện tại là mùa du lịch chính, nếu không có khách thì chẳng khác gì mất trắng cả năm. Nhưng muốn hoạt động lại cũng không biết bắt đầu từ đâu, vì chưa có hướng dẫn cụ thể nào từ cơ quan chức năng”.
Không chỉ doanh nghiệp chịu thiệt, nhiều du khách đặt tour nhưng sau đó phải hủy do không có ca nô đưa đón hay các hoạt động trải nghiệm như đã quảng bá. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Quy Nhơn - Bình Định.
Kiến nghị gỡ khó, mong được đồng hành
Trước tình hình “lao đao” của ngành du lịch địa phương, các doanh nghiệp tại Nhơn Lý đã gửi đơn kiến nghị đến UBND TP Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định và các sở ngành liên quan, đề xuất được tháo gỡ khó khăn để tiếp tục hoạt động hợp pháp. Người làm du lịch ở xã Nhơn Lý đề nghị cơ quan cấp có thẩm quyền tạo điều kiện để doanh nghiệp được hướng dẫn và hoàn thiện hồ sơ pháp lý, đăng kiểm phương tiện, đăng ký bến bãi, tập huấn và cấp chứng chỉ nghiệp vụ cho nhân viên lái tàu, thuyền trưởng theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Hỗ trợ thiết lập lộ trình, luồng tuyến vận tải khách du lịch đường thủy, có sự thống nhất giữa các đơn vị chức năng, nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả và đúng quy định. Thiết lập kênh trao đổi chính thức giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp để doanh nghiệp được tiếp cận thông tin kịp thời, tránh phát sinh vi phạm do chưa nắm rõ quy định hoặc thiếu hướng dẫn cụ thể.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị UBND TP Quy Nhơn và các đơn vị liên quan xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp đầy đủ điều kiện pháp lý để sớm tiếp tục hoạt động phục vụ du khách, góp phần phát triển du lịch thành phố và nâng cao quảng bá hình ảnh tốt đẹp của địa phương. “Chúng tôi cam kết nghiêm túc tuân thủ mọi quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn cho hành khách và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động”, người làm du lịch xã Nhơn Lý cam kết.
Ông Nguyễn Thành Danh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý cho biết, địa phương đã tiếp nhận các kiến nghị của người dân và trình lên cấp trên. “Bà con tha thiết mong lãnh đạo xã, các sở ban ngành sớm có cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn Nhơn Lý, cũng là tháo gỡ khó khăn cho du lịch Quy Nhơn. Chúng tôi đang chờ ý kiến của tỉnh, thành phố. Mong muốn có ý kiến sớm nhất để đảm bảo tình hình hoạt động du lịch trên địa bàn, ổn định cho các cơ sở kinh doanh”, ông Nguyễn Thành Danh nói.
Trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo, UBND xã Nhơn Lý đề nghị các cơ sở kinh doanh, nếu gặp khó khăn hay bức xúc, cần trực tiếp trao đổi, kiến nghị với chính quyền tháo gỡ, không nên bất chấp đưa tàu thuyền hoạt động sai quy định...