Kỷ luật tích cực để xây dựng trường học hạnh phúc - Bài 2: Giáo dục không phải là trừng phạt
Sau gần 40 năm kể từ Thông tư 08 năm 1988 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), học sinh có thể sẽ không còn bị buộc thôi học khi ở giai đoạn cần được giáo dục nhất. Tính răn đe khi xử phạt học sinh vi phạm nội quy có vì thế mà giảm đi đang là nỗi băn khoăn của nhiều người.
Mong hài hòa quyền lợi các học sinh
Thực tế, nhiều vụ bạo lực học đường (BLHĐ) đã xảy ra và bị phát hiện, xử lý thời gian qua, đa số học sinh tham gia bạo lực, cổ vũ hoặc quay clip vụ việc sẽ bị đánh giá hạnh kiểm, có thể bị đình chỉ học có thời hạn tùy mức độ vi phạm và hậu quả gây ra. Trong khi đó, theo dự thảo đang được Bộ GDĐT lấy ý kiến, mức kỷ luật cao nhất với học sinh THCS, THPT là viết bản tự kiểm điểm, bỏ hẳn hình thức đình chỉ học dù là một vài ngày. Điều này khiến không ít nhà giáo trăn trở, lo học sinh sẽ xem nhẹ, khó nhìn nhận được lỗi sai, khiếm khuyết, hạn chế của bản thân.

TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học (Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội) cho biết, sau nhiều năm giảng dạy, bản thân bà đã từng gặp rất nhiều học sinh cá biệt. Với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, hình thức đình chỉ học đã được áp dụng để các em nhận thức được hành vi của mình và nhận ra việc học là quyền lợi của các em, từ đó sẽ chú tâm đến việc học hơn và cố gắng điều tiết bản thân, không vi phạm nghiêm trọng nội quy nhà trường. “Việc đưa ra các chế tài xử phạt sẽ khiến các em hiểu được ranh giới giữa những điều được làm và không được làm. Đình chỉ học một vài ngày hoàn toàn không phải hình thức hành hạ học sinh” – TS Vũ Thu Hương nhìn nhận.
Nhấn mạnh môi trường học đường hiện nay rất đa dạng và phức tạp, TS Trương Đình Thăng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị cho rằng, học sinh ở lứa tuổi THCS, THPT đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, còn thiếu khả năng kiểm soát hành vi, dễ bị lôi kéo và tác động bởi nhiều yếu tố. Trong nhiều trường hợp, các biện pháp nhắc nhở, phê bình hay viết bản kiểm điểm không đủ sức răn đe hay điều chỉnh hành vi vi phạm lặp đi lặp lại. Vị hiệu trưởng này lo lắng nếu không có hình thức kỷ luật đủ sức răn đe trong hệ thống quy định, giáo viên và nhà trường sẽ không còn công cụ hiệu quả để duy trì kỷ cương. Khi đó, môi trường học đường dễ bị đảo lộn, gây bất ổn và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những học sinh đang nghiêm túc học tập.
Biện pháp mạnh là đình chỉ học tập dù không ai mong muốn nhưng đối với những hành vi có tính chất nghiêm trọng, đặc biệt là tái phạm được nhiều người đề xuất vẫn nên áp dụng ở mức độ phù hợp thay vì bỏ hẳn như dự thảo. Cụ thể, các chuyên gia đề xuất thời gian đình chỉ học tập tối đa là 1 tuần để học sinh nhận thấy hậu quả rõ ràng thay vì 1 năm như trước đây là quá dài, sẽ có nhiều hệ lụy khó lường trước. Biện pháp này cũng hài hòa giữa quyền lợi của cá nhân học sinh vi phạm, quyền lợi của tập thể học sinh khác trong lớp, trong trường.
Giáo dục là để cứu vớt, không phải để loại bỏ
Một thống kê vào năm 2016 của Bộ GDĐT cho thấy, mỗi năm toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.
Số liệu tổng hợp từ báo cáo của 49/63 tỉnh, thành phố cho thấy, trong 5 năm (từ năm học 2017 - 2018 đến năm học 2021 - 2022), tổng số vụ việc bạo lực học đường xảy ra là 2.624 vụ, với 7.209 đối tượng có liên quan.
Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn thông tin từ ngày 1/9/2021 đến ngày 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ BLHĐ liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó có 854 học sinh là nữ. Bình quân, cứ 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ BLHĐ. Bộ trưởng đánh giá BLHĐ diễn biến phức tạp. Số vụ bạo lực có nhiều học sinh tham gia và số học sinh nữ tham gia BLHĐ nhiều hơn, xảy ra cả trong và nhiều trường học.
Mặc dù không có thống kê chính thức về số lượng học sinh bị đình chỉ học tập và sau đó quay trở lại trường học hay nghỉ học hẳn trong giai đoạn gần đây nhưng qua một số vụ việc cụ thể, có thể thấy rằng việc đình chỉ học tập có ảnh hưởng đáng kể đến học sinh, cả về mặt tâm lý lẫn tương lai học tập.
Như đã đề cập ở bài viết trước, vào tháng 10/2024, một nam sinh lớp 8 Trường THCS Trung Hiếu (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) bị “đánh hội đồng” ngay tại lớp. 8 học sinh trực tiếp đánh bạn sau đó đã bị đình chỉ học tập 1 năm học (2024 - 2025). Những học sinh ở lứa tuổi 13 nhận mức án kỷ luật cao nhất theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT đến nay vẫn chưa trở lại trường học. Giờ đây, năm học sắp kết thúc, thời gian xử phạt cũng kết thúc và sau đó là ngày tựu trường nhưng với nhiều em trong số 8 học sinh này, sách vở, trường lớp, thầy cô và bè bạn sẽ không còn là một phần quan trọng trong cuộc sống mỗi ngày thay vào đó là công việc mưu sinh vất vả như một người trưởng thành. Như chia sẻ của bà Lê Thị Vàng (bà ngoại của 1 trong số những học sinh này), nghỉ học một năm kiến thức sẽ mất, học lại lớp các em sẽ tự ti với bạn bè. Nên chắc cháu sẽ phải nghỉ học, nối nghiệp cha học nghề bếp. Trước đó, ước mơ của cậu bé này là trở thành cảnh sát. Cấp 1 em là học sinh giỏi, cấp 2 học lực khá nhưng việc đình chỉ học tập 1 năm có lẽ sẽ khiến giấc mơ của em khó thành hiện thực.
Trước đó, năm học 2022-2023, nữ sinh V.H.Y. tại Trường THPT Cây Dương (Hậu Giang) có hành vi đánh bạn, xúc phạm giáo viên bị đình chỉ học tập một năm. Tuy nhiên, sau đó học sinh này đã bỏ học luôn, dù giáo viên chủ nhiệm có đến nhà vận động em đi học lại. Sự việc này cho thấy một thực tế là để đuổi học, đình chỉ học tập một học sinh không khó nhưng để động viên các em tới lớp sau đó, không phải lúc nào cũng thành công. Bởi đa số học sinh ngoan mới sợ bị đuổi học còn học sinh hư thường tìm lý do để trốn học. Nếu bị đuổi học, có thể các em càng trượt dài trên hành trình trưởng thành từ đây.
Một câu chuyện khác xảy ra cách đây đã chục năm nhưng đến nay vẫn còn khiến nhiều người suy nghĩ. Ngày 13/3/2015, Hội đồng kỷ luật Trường THCS Trần Quốc Toản (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) ra quyết định tạm đình chỉ học tập 1 tuần (từ ngày 16/3 đến ngày 21/3/2015) đối với em N. vì vi phạm nội quy nhà trường, đánh bạn học. Tuy nhiên, sau đó em N. lại tiếp tục tái phạm và nhà trường quyết định đình chỉ học tập 1 năm (từ ngày 20/4/2015 đến ngày 19/4/2016). Khi biết mình bị kỷ luật đình chỉ học 1 năm, em N. đã uống thuốc tự tử, rất may gia đình sớm phát hiện, cứu chữa kịp thời.
Giáo dục là để cứu vớt, không phải để loại bỏ. Cánh cổng trường học mặc dù chỉ tạm thời khép lại với các em nhưng ở tuổi đang định hình nhân cách, việc các em đi chệch hướng, sai đường, có những hành vi chưa phù hợp chính là giai đoạn cần nhất sự quan tâm, uốn nắn của thầy cô, cha mẹ mà không phải là buông xuôi, mặc kệ các em. Sa đà vào thói hư tật xấu thì chỉ cần thời gian rất ngắn nhưng để uốn nắn trẻ về con đường đúng đắn, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, tâm huyết và cả thời gian bền bỉ, không thể một sớm một chiều.
(Còn nữa)
TS Nguyễn Hồi Loan - nguyên Trưởng khoa Tâm lý học (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội):
Chú trọng tham vấn tâm lý học đường
.jpg)
Nhà trường có thể xử lý kỷ luật bằng cách học sinh vẫn đến trường nhưng sẽ học tập theo một lộ trình riêng biệt, với sự giám sát chặt chẽ từ nhà trường, chuyên gia tâm lý và thầy cô. Vai trò dạy học cá nhân hóa và công tác tham vấn học đường lúc này đặc biệt quan trọng bởi trong thời gian này, học sinh cần được giáo dục để nhận thức rõ, phân biệt rõ hành vi sai trái và hậu quả của nó. Sau khi thống nhất về mặt nhận thức, cần hướng dẫn học sinh các kỹ năng như tự kiểm soát, giải quyết xung đột, giao tiếp hiệu quả, biết chịu trách nhiệm, xây dựng thói quen tốt, hành vi tích cực. Phương án kỷ luật tích cực này là lý tưởng nhưng điều kiện cần là phải đảm bảo đội ngũ nhà giáo, cán bộ nhân viên của nhà trường, đặc biệt là cán bộ tham vấn tâm lý học đường đủ chuyên môn và thời gian để sát sao với học sinh trong giai đoạn nhạy cảm này. Dù là quản thúc ở nhà hay ở trường, nếu không có sự quan tâm đầy đủ hoặc việc giáo dục không đúng cách, thì không thể cảm hóa được học sinh đã mắc sai lầm, càng khó ngăn chặn việc xảy ra sai lầm tương tự trong tương lai.