Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Xanh hóa giao thông đô thị

Thành Luân 22/05/2025 10:57

Mới đây, UBND TPHCM đã hoàn thiện kế hoạch tổng thể chuyển đổi toàn bộ xe máy của tài xế công nghệ sang phương tiện chạy điện, để triển khai lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp. Đây là chủ trương lớn, mở ra cơ hội để nhân rộng mô hình áp dụng cho các đô thị lớn trên phạm vi cả nước.

Để chủ trương chuyển đổi toàn bộ xe máy của tài xế công nghệ sang phương tiện chạy điện, UBND TPHCM chốt thời hạn cho các sở ban ngành, quận/huyện trong tháng 6 phải hoàn thiện kế hoạch tổng thể để lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp. Thành phố cũng đang xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện, dự kiến trình trong quý IV năm 2025, tập trung vào chính sách ưu đãi và lộ trình chuyển đổi cho các loại phương tiện như taxi, xe công nghệ, ôtô khách và xe thuộc cơ quan công, doanh nghiệp. Liệu kế hoạch này có khả thi, hay lại “đánh trống bỏ dùi”? Đây là câu hỏi lớn mà dư luận, nhân dân thành phố đặt ra.

Trong 20 năm gần đây, chính quyền TPHCM nung nấu nhiều dự thảo kế hoạch, giải pháp cho vấn đề kiểm soát khí thải do các phương tiện giao thông gây ra, vốn là nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng. Điển hình, từ năm 2008 TPHCM thành công trong việc triển khai đề án chuyển đổi, hạn chế, tiến tới cấm xe 3, 4 bánh lưu thông tại trung tâm thành phố. Từ thành công của đề án này, TPHCM tiếp tục xây dựng và triển khai đề án tăng cường vận tải giao thông công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới, cấm xe máy vào khu vực trung tâm (4 quận) được thực hiện theo 3 giai đoạn. Tiếp đó, thời điểm 2018-2019, TPHCM tiến thêm bước nữa, khi muốn hạn chế dần phương tiện cá nhân, rồi tiến tới cấm hẳn xe máy vào trung tâm thành phố từ năm 2030. Tuy nhiên, bằng cách nào để loại bỏ xe máy một cách hiệu quả và khi loại bỏ xe gắn máy thì người dân đi lại bằng phương tiện gì vẫn là vấn đề nan giải chưa có giải pháp hài hòa.

Thời gian qua, TPHCM tiếp tục nỗ lực để hoàn thiện quy hoạch, cơ chế chính sách, bộ máy quản lý nhà nước về giao thông đô thị, nâng cao chất lượng hoạt động vận tải hành khách công cộng, cùng với việc hoàn thiện hạ tầng giao thông khác. Cụ thể hóa cho mục tiêu nay, cuối năm 2024, TPHCM chính thức vận hành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên (Metro số 1) kết nối TP Thủ Đức và trung tâm TPHCM. Đồng thời, UBND thành phố triển khai 150 xe buýt điện phục vụ 17 tuyến kết nối các nhà ga Metro số 1 với các khu dân cư, bến xe buýt, khu công nghệ cao, trung tâm thương mại, trường học… Sau gần nửa năm vận hành các hạ tầng giao thông thân thiện với môi trường, bước đầu người dân thành phố đã làm quen và đi lại thường xuyên hơn. Ở khu vực tư nhân, TPHCM cũng tạo môi trường cởi mở cho các loại hình xe công nghệ, xe điện, các ứng dụng Grab, Bee, Xanh SM, cùng các ứng dụng giao hàng phổ biến, như ShopeeFood, J&T, Viettel Post, VNPost… Theo kế hoạch, trong tháng 6 tới, TPHCM sẽ hoàn thiện kế hoạch tổng thể nhằm chuyển đổi khoảng 400.000 xe máy công nghệ sang xe điện, đồng thời tổ chức các tọa đàm với chuyên gia để tham vấn giải pháp triển khai.

Việc duy trì các giải pháp về phát triển vận tải hành khách công cộng, ưu tiên xe điện, xe buýt, mở ra nguồn lực quan trọng để TPHCM phát triển hệ thống giao thông thân thiện với môi trường, giảm phát thải ô nhiễm môi trường. Các hạ tầng này cũng là cơ sở để thành phố tiến tới bước tiếp theo là triển khai việc kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân, ngừng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại khu vực trung tâm thành phố. Từ đó, TPHCM đảm bảo tính khả thi để năm 2030 cơ bản kiểm soát được phương tiện cơ giới cá nhân và các giải pháp hỗ trợ tiến tới ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại một số khu vực trung tâm. Nếu các giải pháp được thực hiện quyết liệt, có thể đến năm 2030, TPHCM sẽ đạt mục tiêu kiểm soát phương tiện cá nhân tại các khu vực trọng điểm, trở thành hình mẫu xanh hóa giao thông đô thị để các đô thị lớn trên cả nước tham khảo.

Thành Luân