Kinh tế

Trái phiếu không tài sản đảm bảo lãi tới 12%/năm, nhà đầu tư có mặn mà?

Thanh Bình 22/05/2025 14:53

Trong bối cảnh thị trường tài chính đang dần ấm lên sau những biến động mạnh, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang trở thành kênh huy động vốn “nóng” của nhiều doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, xu hướng phát hành trái phiếu không tài sản đảm bảo kèm lãi suất cao lên tới 12%/năm đang khiến giới đầu tư vừa tò mò, vừa dè chừng.

a1.jpg
Ảnh minh hoạ: AI.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế từ đầu năm đến hết tuần thứ hai của tháng 5/2025, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 73.200 tỷ đồng, với 47 đợt phát hành được ghi nhận. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trên thị trường thứ cấp đạt xấp xỉ 418.500 tỷ đồng.

Để tăng nguồn tiền, trong năm 2025, nhiều doanh nghiệp cũng nỗ lực huy động vốn từ việc bán trái phiếu ra thị trường. Trong đó không ít công ty đưa ra mức lãi tương đối cao, từ 10-12%, kèm 3 không: không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không tài sản đảm bảo.

Đây là mức lãi suất cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của thị trường tài chính hiện nay, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng chỉ quanh mức 4,5–5,5%/năm.

Vì sao nhiều doanh nghiệp chấp nhận chi trả mức lãi suất cao như vậy? Và liệu nhà đầu tư có “mặn mà” với kênh đầu tư nhiều rủi ro này?

Theo lý giải từ phía một số doanh nghiệp phát hành, việc không có tài sản đảm bảo xuất phát từ mục tiêu rút ngắn thời gian phát hành, giảm bớt thủ tục định giá tài sản, đồng thời tăng tính linh hoạt trong sử dụng vốn. Một số công ty thậm chí còn khẳng định việc không có tài sản đảm bảo không đồng nghĩa với rủi ro cao nếu doanh nghiệp có dòng tiền khỏe, uy tín tốt.

Tuy nhiên, giới phân tích tài chính lại nhìn nhận vấn đề một cách thận trọng hơn.

TS. Nguyễn Thế Hưng, chuyên gia tài chính độc lập tổ chức NGO, nhận định: “Trái phiếu không có tài sản đảm bảo giống như cho vay tín chấp. Khi nhà đầu tư mua trái phiếu này, họ hoàn toàn tin tưởng vào khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Nhưng nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán hoặc phá sản, nhà đầu tư gần như không có gì để thu hồi vốn, trừ khi được ưu tiên theo quy trình xử lý phá sản, vốn rất dài và ít hy vọng”.

“Thực tế cũng cho thấy, sau cú sốc từ các vụ đổ vỡ như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, tâm lý nhà đầu tư cá nhân đã thay đổi rõ rệt. Họ quan tâm nhiều hơn đến tính minh bạch, tài sản đảm bảo, xếp hạng tín nhiệm và các điều khoản pháp lý. Việc một doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, thậm chí không công bố đầy đủ thông tin tài chính, sẽ bị nghi ngờ ngay từ đầu, bất chấp lãi suất hấp dẫn”, bà Hoàng Phương Oanh, Giảng viên bộ môn Quản trị rủi ro, Đại học liên kết quốc tế Columbia đánh giá.

Chị Lê Thị Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) là nhà đầu tư trái phiếu lâu năm cho rằng, không thể phủ nhận mức lãi suất 12%/năm là một “con số mơ ước” trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm ngân hàng đang ở mức thấp. Với 1 tỷ đồng đầu tư, người mua trái phiếu có thể nhận về 120 triệu đồng/năm tiền lãi, cao gấp đôi so với gửi ngân hàng. Tuy nhiên, lãi suất cao đồng nghĩa với rủi ro cao. Doanh nghiệp phải trả lãi 12% không phải vì họ rộng rãi, tôi nghĩ là do họ đang rất cần tiền và không dễ vay ở nơi khác. Đây là rủi ro tín dụng khiến tôi phải cân nhắc rất kỹ”.

“Trong một số trường hợp, lãi suất cao có thể là cái bẫy để thu hút vốn từ những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm hoặc bị hấp dẫn bởi lợi nhuận ngắn hạn. Khi doanh nghiệp không còn khả năng trả lãi như từng xảy ra với nhiều trái phiếu bất động sản thời gian qua, nhà đầu tư có nguy cơ trắng tay. Vậy nên tôi cho rằng việc chọn trái phiếu không kỳ hạn đảm bảo là tương đối mạo hiểm trong bối cảnh hiện nay”, nhà đầu tư Phạm Văn Việt (Ba Đình, Hà Nội) nhìn nhận.

Một nhà đầu tư cá nhân khác tại Hà Nội, bà Trần Thu Hường cũng chia sẻ: “Tôi từng được giới thiệu trái phiếu lãi suất 11%/năm, nhưng khi hỏi về tài sản đảm bảo, chỉ được trả lời mơ hồ. Tôi đã từ chối, vì sau vụ Tân Hoàng Minh, tôi không dám tin vào lời hứa miệng hay những hình ảnh truyền thông quảng cáo rầm rộ nữa”.

“Sau hàng loạt vụ việc khiến thị trường trái phiếu rúng động, cơ quan quản lý đã vào cuộc chấn chỉnh mạnh mẽ. Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế có hiệu lực từ đầu năm 2024 đã đưa ra nhiều yêu cầu nghiêm ngặt hơn như: xếp hạng tín nhiệm bắt buộc, công bố thông tin minh bạch, hạn chế nhà đầu tư cá nhân thiếu hiểu biết tiếp cận trái phiếu riêng lẻ… Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng một số đơn vị trung gian môi giới “lách luật” để đưa trái phiếu đến tay nhà đầu tư cá nhân dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư, ủy thác hoặc hợp đồng mua bán kỳ hạn. Những trái phiếu này phần lớn không có tài sản đảm bảo, không có xếp hạng tín nhiệm, và người mua gần như không hiểu rõ rủi ro mà họ đang đối mặt”, chuyên gia pháp chế doanh nghiệp, luật sư Phạm Nhật Quang phân tích.

Trước sức hút của lãi suất cao, các chuyên gia tài chính khuyến cáo nhà đầu tư cần đặc biệt thận trọng khi cân nhắc rót vốn vào trái phiếu không có tài sản đảm bảo.

“Trái phiếu không tài sản đảm bảo, dù có lãi suất lên tới 12%/năm, vẫn là con dao hai lưỡi. Thị trường TPDN sẽ chỉ thực sự hồi phục khi tính minh bạch và kỷ luật tài chính được tái lập, còn trước mắt, sự tỉnh táo và hiểu biết vẫn là “tấm khiên” tốt nhất bảo vệ nhà đầu tư khỏi những rủi ro khó lường”, TS. Nguyễn Thế Hưng đánh giá.

Thanh Bình