Thị trường Thái Lan - Cánh cửa rộng mở cho hàng Việt
“Thách thức, cơ hội và tiềm năng khi xuất khẩu vào thị trường Thái Lan” là hội thảo do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức ngày 22/5. Sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc, bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC nhấn mạnh, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Thái Lan đang trên đà phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vừa được hai nước thiết lập.

Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN, ngược lại Việt Nam là đối tác lớn thứ hai của Thái Lan trong khu vực. Trong năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 20,26 tỷ USD, tăng 6,36% so với năm trước.
Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 7,81 tỷ USD, với các mặt hàng chủ lực gồm điện thoại, linh kiện, máy móc, nông sản và thủy sản. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Thái Lan đạt 12,45 tỷ USD, tập trung vào ô tô, hàng điện tử và thiết bị gia dụng. Chỉ riêng quý I/2025, kim ngạch hai chiều đã tăng 8,36%, đạt 5,17 tỷ USD.
Hiện hai nước đang hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 25 tỷ USD, với trọng tâm là phát triển bền vững và cân bằng hơn.
Nhận định về thị trường Thái Lan, một số ý kiến cho rằng, Thái Lan với dân số hơn 70 triệu người, sức mua tăng cao, đang trở thành thị trường đầy tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, để thâm nhập hiệu quả, doanh nghiệp Việt cần vượt qua không ít rào cản. Từ yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, đến thị hiếu tiêu dùng và cạnh tranh khốc liệt. Doanh nghiệp phải đầu tư vào nâng cao chất lượng sản phẩm, nắm bắt thông tin thị trường và xây dựng chiến lược dài hạn.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Central Retail Việt Nam chia sẻ, từ năm 2016 qua sự kiện “Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan” đã giúp nhiều doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường Thái Lan – nền tảng giúp gần 500 doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng bản địa. Những kết quả thực tiễn như việc trái cây tươi Việt Nam (vải thiều, nhãn, thanh long) xuất hiện thường xuyên trong chuỗi bán lẻ của của đơn vị là minh chứng cho hiệu quả của sự kiện này.
Bên cạnh đó, “Tuần hàng Việt Nam” lần đầu tiên tổ chức tại tỉnh Udon Thani vào tháng 11/2024 – nơi đông đảo người Việt sinh sống đã tạo cầu nối quảng bá văn hóa, sản phẩm Việt đến gần hơn với người tiêu dùng Thái.
Đại diện nhà phân phối Thái Lan đã nhấn mạnh các yếu tố quan trọng giúp sản phẩm Việt Nam cạnh tranh tại Thái Lan chính là bao bì cần hiện đại, bắt mắt, đạt chuẩn quốc tế; nhãn mác phải rõ ràng, chính xác và phù hợp thị hiếu tiêu dùng Thái Lan; giá cả phải cạnh tranh kèm các chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ để thực hiện các quy trình nhập khẩu, tuân thủ các yêu cầu về giấy phép của FDA Thái Lan, tiêu chuẩn chất lượng và giấy tờ pháp lý đi kèm như COA, C/O mẫu D, chứng nhận sản xuất,...