Văn hóa

Nghệ sĩ làm mới nghệ thuật truyền thống

Phạm Sỹ 23/05/2025 09:00

Trước một số ý kiến cho rằng, liệu việc quá chú trọng vào giữ gìn bản sắc truyền thống có vô tình trở thành rào cản cho sự sáng tạo và đổi mới? Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, một số chuyên gia khẳng định, đúng là nếu chỉ tập trung vào bảo tồn mà không thúc đẩy sáng tạo, nghệ thuật có thể trở nên trùng lặp, ít sức hút với người trẻ…

Yếu tố dân gian được khai thác

Thành công của những bộ phim như “Đất rừng phương Nam” hay “Tro tàn rực rỡ” đã cho thấy sức hút đến từ chính không gian văn hóa Nam Bộ - từ ngôn ngữ, con người đến phong tục và thiên nhiên. Hay yếu tố lịch sử, văn hóa Việt cũng được khai thác tối đa trong phim “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu”. Bối cảnh phim là thời nhà Nguyễn - thế kỷ XIX với những bộ cổ phục, từ áo tứ thân mộc mạc đến áo lụa quý phái…

bai chinh
MV “Bắc Bling” của Hòa Minzy là minh chứng cho việc âm nhạc có thể giúp du lịch “tỏa sáng” theo một cách khác. Ảnh: NVCC.

Còn ở “Kẻ ăn hồn” - những câu đồng dao, bức tranh dân gian “Đám cưới chuột” được đưa vào phim tạo ra những màu sắc vô cùng thú vị. Rồi phim "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" lấy cảm hứng từ truyện cổ tích "Tấm Cám" kết hợp yếu tố huyền ảo và hành động để làm mới câu chuyện, cũng tạo ra hiệu ứng rất tốt cho phim.

Âm nhạc cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực khi nhiều nghệ sĩ trẻ quay về khai thác chất liệu dân gian theo tinh thần hiện đại. Như Hoàng Thùy Linh với “Để Mị nói cho mà nghe”, rồi “See tình”. Gần đây là MV “Bắc Bling” của ca sĩ Hòa Minzy là một sản phẩm âm nhạc khai thác sâu sắc văn hóa quan họ Bắc Ninh. “Bắc Bling” không đơn thuần làm “background văn hóa” cho một sản phẩm thị trường, MV còn đặt ra vấn đề giữ gìn bản sắc trong đời sống hiện đại một cách rất tự nhiên.

Nhìn nhận về vấn đề này, đạo diễn - NSƯT Bùi Trung Hải cho rằng, giữ gìn văn hóa truyền thống vô cùng quan trọng, tuy nhiên vấn đề quan trọng không kém chính là phát huy và sáng tạo trên nền tảng truyền thống. Trong lĩnh vực điện ảnh các nhà làm phim đã làm rất tốt điều đó, họ khai thác rất thành công từ những chất liệu của văn hóa dân gian, những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết…tạo ra sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với khán giả.

Giảng viên Học viện Múa Việt Nam Hà Thái Sơn cũng có những chia sẻ thú vị khi cho rằng, để khai thác hiệu quả yếu tố truyền thống, dân tộc trong múa đương đại, nghệ sỹ phải đào sâu nghiên cứu sáng tạo để tác phẩm vừa giữ nguyên bản sắc văn hóa, vừa dễ tiếp cận với người xem hiện đại. Với các tác phẩm múa truyền thống, cần được biểu diễn với phong cách và dàn dựng hấp dẫn, kết hợp công nghệ ánh sáng, âm thanh và các kỹ thuật sân khấu tiên tiến… lúc ý, tự nó sẽ có sức hút đối với khán giả.

Điển hình như vở thơ múa “Nàng Mây”, với ngôn ngữ múa dân gian kết hợp với múa đương đại, tác phẩm đã đem đến cho người xem một khung cảnh đời sống văn hóa Việt. Nói như biên đạo múa Nguyễn Hải Trường, thông qua các tác phẩm múa, anh muốn đưa lịch sử dân tộc, văn hóa truyền thống đến với giới trẻ, thu hút và truyền cảm hứng để họ tìm hiểu và yêu hơn những giá trị của dân tộc.

Mở rộng biên độ sáng tạo

Trước một số ý kiến cho rằng, liệu việc quá chú trọng vào bản sắc có vô tình trở thành rào cản cho sự sáng tạo và đổi mới? TS Phạm Việt Long - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển, cho rằng bản sắc không chỉ nằm trong những yếu tố truyền thống mà còn thể hiện qua cách tư duy, cách đặt vấn đề và cách phản ánh đời sống xã hội. Khi nghệ sĩ kết hợp các giá trị hài hòa các yếu tố truyền thống và đương đại, tác phẩm của họ sẽ chạm đến những vấn đề chung của nhân loại.

Cũng theo ông Long, văn hóa không bất biến, nó luôn phát triển cùng con người, phản ánh sự thay đổi của xã hội, tư tưởng và công nghệ. Khi bản sắc văn hóa được tiếp cận theo hướng mở, nghệ thuật có thể trở thành cầu nối giữa truyền thống và tương lai, giúp thế hệ mới không chỉ kế thừa mà còn làm phong phú thêm giá trị văn hóa. Điều quan trọng là giữ được tinh thần cốt lõi của bản sắc nhưng cũng để nó có cơ hội tiến hóa, thích ứng với sự vận động của nghệ thuật đương đại.

Về vấn đề này, NSƯT Bùi Trung Hải cho biết, điều đầu tiên là các nghệ sĩ cần sáng tác theo đúng cảm giác, bản năng, tư duy của chính mình để đạt được sự thoải mái cần thiết trong sáng tác các tác phẩm. Người nghệ sĩ không chỉ tiếp nhận cảm hứng sáng tạo trong giới hạn trong tác phẩm nghệ thuật của đất nước mình mà rất cần có sự tiếp cận, học hỏi, lấy cảm hứng từ những tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật quốc tế. Khi ấy, tính dân tộc sẽ tự thân thể hiện trong tác phẩm trong tâm thức của người nghệ sĩ, và khán giả sẽ cảm nhận được điều đó.

“Sự ảnh hưởng, giao thoa văn hóa luôn có tác dụng tích cực đối với sự phát triển văn hóa của mỗi đất nước. Đặc biệt, trong những sáng tác đương đại thành công luôn thể hiện rõ rằng: Sự thích ứng, biến đổi, phát triển là tuyệt đối cần thiết” - đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải nói.

Để bản sắc không bị mờ nhạt trong thế giới phẳng

bai chinh box 1 PGSTS Lê Văn Toàn

PGS.TS Lê Văn Toàn - nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho rằng, trong nghệ thuật, sáng tạo cá nhân luôn đóng vai trò cốt lõi, là yếu tố phản ánh rõ nét tài năng của người nghệ sĩ. Tài năng ấy được nuôi dưỡng từ tinh hoa văn hóa dân tộc, đồng thời kế thừa những giá trị quý báu của văn hóa nhân loại để tạo ra các tác phẩm mới, có sức sống trong đời sống đương đại. Vì vậy, tài năng sáng tạo cần được tôn trọng và khuyến khích phát triển.
Theo ông, mọi giá trị đều mang dấu ấn lịch sử của từng thời kỳ. Giữ gìn bản sắc không có nghĩa là đóng khung truyền thống, mà là sự kế thừa tinh hoa kết hợp với việc tiếp nhận và chuyển hóa tinh hoa văn hóa thế giới vào trong những tác phẩm mới. Đó là cách làm sống động bản sắc trong nghệ thuật.

MV “Bắc Bling” của Hòa Minzy đạt 200 triệu lượt xem

bai chinh - box 2

Ngày 22/5, MV “Bắc Bling” của Hòa Minzy đã cán mốc 200 triệu lượt xem trên YouTube. Thành tích trên giúp giọng ca Bắc Ninh sở hữu MV ca nhạc đạt 200 triệu lượt xem nhanh nhất lịch sử Vpop - chỉ sau 81 ngày phát hành.

Trên trang cá nhân, Hòa Minzy chia sẻ: "Với chỉ 81 ngày, nhờ sự yêu thương của tất cả mọi người đã giúp Hòa, chú Xuân Hinh, anh Tuấn Cry, Masew và ê-kíp có một kỷ lục âm nhạc mới. Chúng ta đã làm được rồi. Xúc động quá Bắc Ninh ơi, Việt Nam ơi".

Theo ghi nhận trên YouTube, MV “Bắc Bling” đã thu hút được 1,8 triệu lượt yêu thích, đang xếp thứ 34 trên bảng xếp hạng MV thịnh hành toàn cầu.

MV “Bắc Bling” phát hành ngày 1/3/2025, một sản phẩm âm nhạc mang đậm dấu ấn quê hương quan họ Bắc Ninh. “Bắc Bling” kết hợp giữa âm nhạc hiện đại và âm hưởng dân gian, tôn vinh di sản và bản sắc văn hóa.

Trong MV, người xem được chứng kiến những hình ảnh đặc trưng của Bắc Ninh, từ áo tứ thân, nón quai thao đến những địa danh nổi tiếng như chùa Dâu, đền Đô, làng tranh Đông Hồ…

Không chỉ là MV ca nhạc, “Bắc Bling” còn là cuộc hội ngộ của nhiều thế hệ nghệ sĩ Việt Nam như: biểu tượng nghệ thuật dân gian đương đại Xuân Hinh, "ngôi sao" phối khí trẻ Masew, giọng ca Tuấn Cry, Hòa Minzy. Cùng với đó là sự góp mặt của 300 người dân địa phương, chung tay tạo nên không gian nghệ thuật mang đậm nét miền quê Bắc Bộ.

Sự thành công của "Bắc Bling" là bước đột phá, mở ra hướng đi mới cho nghệ sĩ trẻ.

Trước đó, kỷ lục cán mốc 200 triệu lượt xem nhanh nhất thuộc về “Sóng gió” của bộ đôi K-ICM và Jack (102 ngày). Xếp sau lần lượt là “Bạc phận” (K-ICM và Jack; 132 ngày)…

Theo đánh giá của giới chuyên môn, thành công của MV “Bắc Bling” là kết quả xứng đáng cho nỗ lực của Hòa Minzy và ê-kíp với nỗ lực quảng bá hình ảnh, văn hóa đặc sắc của vùng đất, dân ca quan họ Bắc Ninh tới khán giả cả nước cũng như quốc tế.

Từ sức lan tỏa của MV “Bắc Bling”, tỉnh Bắc Ninh còn tổ chức nhiều tour du lịch miễn phí vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, trong đó có các điểm đến xuất hiện trong MV "Bắc Bling" như: Bảo tàng Bắc Ninh - đền Đô - làng nghề tranh dân gian Đông Hồ - Khu sinh thái Vườn cuộc sống - chùa Dâu - chùa Tổ - chùa Bút Tháp...

Lan Dương

Phạm Sỹ