Làm rõ trách nhiệm về tai nạn lao động và thực phẩm 'bẩn'
Các loại hình công ty TNHH và công ty cổ phần được ghi nhận có số vụ tai nạn chết người và số người chết chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp. Trong khi đó, tình hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm "bẩn" cũng diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều lo ngại.
Đây là vấn đề được đặt ra tại hội thảo với chủ đề: "An toàn thực phẩm - An toàn lao động công nghệ cao" diễn ra tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, sáng 23/5.

Tai nạn lao động và trách nhiệm cơ quan quản lý
Tại Hội thảo, ông Đinh Cao Tuấn - chuyên viên Phòng việc làm An toàn lao động thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong năm 2024 trên cả nước đã xảy ra 8.286 vụ tai nạn lao động (TNLĐ). Con số này đã tăng 892 vụ, tương ứng với 12,1% so với năm trước đó, làm gần 8.500 người bị nạn (tăng 919 người, tương ứng với 12,2%). Các vụ TNLĐ xảy ra ở cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Cũng theo ông Đinh Cao Tuấn, thời gian gần đây, các loại hình công ty TNHH và công ty cổ phần được ghi nhận có số vụ tai nạn chết người (lần lượt 28,4% và 26,12%) và số người chết (lần lượt 27,5% và 27,19%), chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại hình DN trên địa bàn cả nước. Kế đến là tại các loại hình DN 100% vốn nước ngoài; DN nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp;...

Theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, hiện nay quy định pháp luật cho phép đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở có trách nhiệm bàn giao toàn bộ hồ sơ liên quan đến TNLĐ đang điều tra cho đoàn điều tra TNLĐ cấp tỉnh. Trường hợp đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở chưa điều tra hoặc chưa hoàn thành việc điều tra thì đoàn điều tra TNLĐ cấp tỉnh tiếp tục điều tra theo quy trình, thủ tục điều tra tai nạn chết người.
Tại Hội thảo, ông Đinh Cao Tuấn cho biết: hiện nay các quy định tại Nghị định số 39/2016/NĐ-CP; Nghị định 44/2016/NĐ-CP; Nghị định 140/2018/ NĐ-CP; Nghị định 145/2020/NĐ-CP; Nghị định 12/2022/NĐ-CP và nhiều thông tư của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đều có các nội dung quy định chặt chẽ, cụ thể về xử lý trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như chủ doanh nghiệp, chủ sở hữu lao động liên quan đến trường hợp khi xảy ra tai nạn lao động.
Riêng các trường hợp người lao động bị tai nạn giao thông khi đang thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động hoặc khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc đi từ nơi làm việc về nơi ở thì đoàn điều tra TNLĐ có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Kiểm soát chặt "đầu vào" thực phẩm
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước đã trình bày tham luận, với nội dung về phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong ngành công nghệ cao; Trách nhiệm về an toàn thực phẩm tại doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, đại diện một số đơn vị DN cũng chia sẻ về an toàn thực phẩm tại khu vực các DN tư nhân, vốn còn lỏng lẻo trong công tác quản lý, cũng như chế tài để xử lý khi phát hiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm "bẩn".

Theo ông Trương Thành Công - Phòng quản lý hành nghề thuộc Sở ATTP TP Hồ Chí Minh, thời gian qua nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, nhất là tại các KCN, KCX, KCNC diễn biến phức tạp, kèm theo các khả năng, tác nhân gây ô nhiễm xâm nhập vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Ô nhiễm thực phẩm là sự xuất hiện tác nhân làm ô nhiễm thực phẩm gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người. Nhất là, sự cố về ATTP xuất phát từ các tình huống xảy ra do ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm hoặc các tình huống khác phát sinh từ thực phẩm gây hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người.
Liên quan đến ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn khu vực DN, trường học nổi cộm thời gian gần đây, đại diện Sở ATTP TP Hồ Chí Minh khuyến cáo: Những người trực tiếp chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức ATTP và được chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Đối với các thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh và không gây ô nhiễm cho thực phẩm.
Tại các khu vực bếp ăn DN phải đảm bảo sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phải rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn, lưu mẫu thức ăn. Thực phẩm phải được chế biến bảo đảm an toàn, hợp vệ sinh. Đặc biệc, thực phẩm bày bán phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được bụi, mưa, nắng và sự xâm nhập của côn trùng và động vật gây hại; được bày bán trên bàn hoặc giá cao hơn mặt đất.
Hiện nay, Sở này đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tập huấn kiến thức ATTP cho đối tượng là chủ cơ sở và người trực tiếp kinh doanh dịch vụ ăn uống nhằm triển khai thực hiện Quyết định 75/QĐ-ATTP ngày 27/3/2024.