Kinh tế

Tạo đà để hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp

Thuý Hằng 23/05/2025 11:52

Giới chuyên gia tài chính cho rằng việc áp dụng thuế kê khai, bỏ thuế khoán sẽ khuyến khích hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp. Mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 2 triệu doanh nghiệp mà Nghị quyết 68 đặt ra, tức là tăng thêm hơn 1 triệu doanh nghiệp so với hiện nay.

Sẽ bỏ thuế khoán hộ kinh doanh

Tại Điều 10 của Nghị quyết 68 – NQ / TW 2025 (Nghị quyết 68) quy định: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 1/1/2026. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế.

Chấm dứt việc thu, nộp lệ phí môn bài từ ngày 1/1/2026. Miễn thu phí, lệ phí cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (DN) đối với các loại giấy tờ nếu phải cấp lại, cấp đổi khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nhà nước theo quy định của pháp luật.

Anh cv
Bỏ thuế khoán nhằm tạo sự bình đẳng về chế độ thuế để khuyến khích hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp. Ảnh: Quang Vinh.

Như vậy, Quốc hội đã chốt sẽ bỏ thuế khoán hộ kinh doanh và bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2026.

Theo số liệu của Cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến hết tháng 3/2025, số lượng hộ, cá nhân kinh doanh đã nộp Tờ khai thuế theo hình thức khoán là gần 2 triệu hộ, trong khi theo hình thức kê khai chỉ có 6.142 hộ. Như vậy, số hộ kinh doanh nộp thuế theo hình thức khoán chiếm tới 76% tổng số hộ kinh doanh hiện nay.

Mức nộp thuế khoán hiện nay là rất thấp. Mức thuế khoán bình quân 3 tháng đầu năm chỉ hơn là 670 nghìn đồng/tháng/hộ, cá nhân. Trong khi đó, với hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai, bình quân mức thuế nộp là 4,6 triệu đồng/tháng/hộ, cá nhân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, việc bãi bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh là chủ trương đúng đắn của Đảng, nhà nước nhằm tạo sự bình đẳng về chế độ thuế giữa hộ kinh doanh và DN, khuyến khích hộ kinh doanh phát triển thành DN.

Cũng theo ông Thắng, vừa qua Bộ Tài chính đang cho thực hiện thí điểm tại một số địa bàn thấy rằng chính sách này rất hiệu quả và cần phải được triển khai chính thức trong thời gian sớm nhất. Hiện nay, Bộ Tài chính chuẩn bị các điều kiện, nhất là điều kiện về công nghệ thông tin và cơ sở vật chất cũng như các quy định để sớm triển khai.

Giải tỏa điểm nghẽn

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), sẽ có nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi này, đặc biệt là đối với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ chưa quen với việc kê khai thuế.

Trước đây, khi áp dụng thuế khoán, các hộ kinh doanh chỉ cần xác định doanh thu và số thuế phải nộp trong năm. Sau đó, gửi thông tin đến cơ quan thuế và cơ quan thuế sẽ thông báo mức thuế cố định trong cả năm. Ví dụ, nếu doanh thu là 1 tỷ đồng thì sẽ tính 1,5% thuế; nếu là hộ kinh doanh dịch vụ với doanh thu 500 triệu đồng thì tính thuế suất 7%, và như vậy xác định được số thuế phải nộp.

Khi chuyển sang hình thức kê khai thuế đầy đủ, tức là không còn áp dụng thuế khoán nữa, thì các hoạt động kinh doanh phải xuất hóa đơn, có chứng từ bán hàng và thực hiện kê khai thuế định kỳ. Việc kê khai có thể không quá phức tạp, nhưng cá nhân kinh doanh vẫn phải tự thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu mình kê khai.

Nghị quyết 68 cũng nhấn mạnh, để khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chủ động chuyển đổi, nhà nước cần có những hỗ trợ phù hợp. Chẳng hạn như xây dựng phần mềm hỗ trợ kê khai đơn giản, dễ dùng, phù hợp với những người không chuyên về kế toán hay công nghệ. Việc phát triển phần mềm kê khai đơn giản, dễ sử dụng là rất cần thiết. Các hộ có thể dễ dàng nhập doanh thu, chi phí, hàng hóa mua vào, bán ra mà không gặp khó khăn quá lớn.

ảnh chính
Doanh nghiệp tư nhân được đánh giá là trụ cột kinh tế quan trọng. Ảnh: Quang Vinh

“Nhà nước có thể dành một khoảng thời gian chuyển tiếp từ 6 tháng đến 1 năm để các hộ kinh doanh làm quen với phương pháp mới. Trong thời gian đó, nhà nước nên cung cấp các phần mềm, công cụ hỗ trợ một cách miễn phí. Điều này không chỉ giúp họ dễ tiếp cận, mà còn tạo tâm lý tích cực, chủ động chuyển đổi đối với hộ kinh doanh” – bà Cúc nói.

Ngoài ra, hiện nay bên cạnh việc đào tạo chuyên môn, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam có hàng nghìn hội viên, trong đó gần 800 công ty đại lý thuế đã được cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế và kế toán. Các công ty này đủ điều kiện để ký hợp đồng trực tiếp với hộ kinh doanh và DN siêu nhỏ, thực hiện dịch vụ kế toán, tư vấn thuế.

Điểm đáng chú ý là chi phí thuê các công ty đại lý thuế này tương đối thấp, phù hợp với khả năng chi trả của các hộ kinh doanh nhỏ. Họ sẽ kê khai, nộp thuế thay cho DN và khi có kiểm tra, thanh tra hoặc các cơ quan chức năng làm việc, họ cũng sẽ thay mặt DN xử lý thủ tục. Điều này giúp giảm tải gánh nặng cho các hộ kinh doanh, DN siêu nhỏ vốn không chuyên sâu về thuế và kế toán.

Tuy nhiên, để việc chuyển đổi này diễn ra thuận lợi, bà Cúc cho rằng truyền thông đóng vai trò rất quan trọng. Cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người nộp thuế để họ chủ động thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, giảm thiểu gian lận.

Bên cạnh đó cần trang bị kiến thức và hỗ trợ người nộp thuế, nhất là với những người hoàn toàn chưa biết gì về hóa đơn điện tử hay quy trình kê khai. Khi bắt buộc họ phải xuất hóa đơn thì phải đi kèm hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu, thực tế.

Để tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh kê khai nộp thuế sau khi bỏ thuế khoán, Bộ Tài chính đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện chính sách thuế, phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực thuế, như sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ và giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho hộ kinh doanh. Đồng thời, để giảm gánh nặng chi phí, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi số dự thảo nghị quyết đã quy định nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng, thuê, mua các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung để cho hộ kinh doanh sử dụng miễn phí.

Hỗ trợ hộ kinh doanh

Việc chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh lên DN là quá trình tất yếu, mang lại nhiều lợi ích cho cả hộ kinh doanh và nền kinh tế. Khi chuyển đổi từ hộ kinh đoanh, DN sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh, minh bạch hóa hoạt động; có điều kiện tiếp cận vốn, công nghệ, nhân lực chất lượng cao và nhiều nguồn lực khác, bao gồm cả chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Ngoài ra, DN còn có tư cách pháp nhân, có điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng thị trường, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Các DN sẽ có khả năng tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn, đóng góp nhiều hơn vào GDP và ngân sách nhà nước. Đặc biệt, việc chuyển đổi giúp thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, tạo ra nhiều việc làm và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Kết quả khảo sát “Thực trạng cung cấp, thực hiện thủ tục hành chính cho DN năm 2024” do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa công bố cũng cho thấy những bất cập trong việc thực hiện thủ tục hành chính, bao gồm với hộ kinh doanh. Một trong những vấn đề nổi bật mà các DN phản ánh là quy trình, thủ tục hành chính khi khởi sự kinh doanh chưa được thực hiện đồng bộ, nhất quán giữa các địa phương. Đáng chú ý, các DN tham gia khảo sát đánh giá động lực và niềm tin gia nhập thị trường của các DN khởi sự kinh doanh đang sụt giảm.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng việc áp dụng thuế kê khai, bỏ thuế khoán sẽ khuyến khích hộ kinh doanh lớn lên thành DN. Mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 2 triệu DN mà Bộ Chính trị đặt ra trong Nghị quyết 68, tức là tăng thêm hơn 1 triệu DN so với hiện nay, có thể thực hiện được.

“Với 5 triệu hộ kinh doanh mà chỉ cần 20% hộ chuyển đổi thành DN, chúng ta có 1 triệu DN rồi. Thế nhưng, để khuyến khích hộ kinh doanh lớn lên, cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt, nhất là về thuế” - ông Lạng nói và đề xuất nên miễn thuế 4 năm đầu và giảm 5 năm tiếp theo kể từ khi kinh doanh có lãi cho DN chuyển từ hộ lên, đồng thời miễn phí các thủ tục phát triển thành DN.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng: Tại Nghị quyết số 68 - NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Chính trị đã chỉ đạo rà soát hoàn thiện khung pháp lý về kinh doanh cá thể. Do đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu có thể đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành Luật về hộ kinh doanh để xác định pháp lý cũng như mô hình tổ chức hoạt động cho đối tượng này.

nguyen-van-thang-54447.jpg

Về chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh trở thành DN, Bộ Tài chính khi nghiên cứu trình Chính phủ, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW đã tính toán việc để thực hiện được mục tiêu có 2 triệu DN tư nhân vào năm 2030 và 3 triệu DN vào năm 2045. Theo đó, cần có sự chuyển dịch từ hộ kinh doanh sang DN vừa và nhỏ. Do đó, trong Nghị quyết 68 - NQ/TW của Bộ Chính trị đã có đầy đủ những giải pháp để thúc đẩy, khuyến khích hộ kinh doanh đủ điều kiện, khả năng chuyển sang DN như: Miễn thuế thu nhập DN cho các DN mới thành lập; hỗ trợ tiền thuê đất; giảm thiểu các thủ tục, điều kiện về kế toán, lao động, kê khai thuế... Theo đó, các hộ kinh doanh hoạt động theo mô hình DN sẽ có nhiều ưu đãi, thuận lợi hơn.

Thuý Hằng