Kinh tế

Lao động cao tuổi được vay vốn và hỗ trợ đào tạo nghề

Lan Hương 24/05/2025 09:25

Việc khuyến khích người cao tuổi tham gia thị trường lao động sau nghỉ hưu vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động này.

Tại Hà Nội, bên cạnh tuyển dụng nguồn nhân lực trẻ, nhiều doanh nghiệp chuyển sang tuyển dụng nguồn nhân lực cao tuổi. Đặc biệt ở những ngành sản xuất không quá yêu cầu về trình độ và kỹ năng. Về mức lương ông Thành cho biết cũng khá hấp dẫn dao động từ 7 đến 15 triệu đồng tùy từng lĩnh vực.

Không riêng tại Hà Nội, hiện nay nhu cầu tuyển dụng người cao tuổi tại các doanh nghiệp có xu hướng gia tăng. Tại Hải Dương, Công ty CP Nhựa An Phát Xanh (Nam Sách) đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.000 công nhân vào các vị trí sản xuất trực tiếp, vận hành máy, bốc xếp hàng, phụ bếp ăn… Theo đại diện phụ trách mảng tuyển dụng nhân sự của công ty, do việc tuyển dụng hiện nay gặp không ít khó khăn nên công ty đang linh động tuyển dụng cả những lao động đã 50 tuổi đối với cả nam và nữ. Dù là lao động cao tuổi, nhưng khi bảo đảm công việc vẫn sẽ được nhận đầy đủ các chế độ đãi ngộ theo quy định của công ty, với tổng mức thu nhập hiện nay từ 10 - 15 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó, bà Cao Lê Thanh Loan - Giám đốc cấp cao, Dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động, miền Nam và Dịch vụ tư vấn về nhân sự, ManpowerGroup Việt Nam cho biết: “Có những doanh nghiệp là đối tác của chúng tôi vẫn tuyển dụng lao động đến 50 tuổi, thậm chí có nơi tuyển đến 55 tuổi, chủ yếu là cho các vị trí thời vụ hoặc những công việc không yêu cầu kỹ năng sử dụng máy móc phức tạp, sức khỏe vượt trội hay đào tạo chuyên sâu. Chiến lược này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm áp lực tuyển dụng mà còn tận dụng được lực lượng lao động trung niên đang sẵn có trên thị trường, đáng tin cậy và sẵn sàng làm việc lâu dài hơn”.

Xuất phát từ nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng như nhu cầu tìm kiếm việc làm của người cao tuổi, Dự thảo Luật việc làm sửa đổi đã nêu cụ thể những chính sách hỗ trợ dạy nghề, tìm việc làm, cấp vốn cho người lớn tuổi. Cụ thể, theo Điều 14 của Dự thảo Luật, người cao tuổi có thể tiếp cận vốn vay để tự tạo việc làm, duy trì hoặc mở rộng công việc hiện có từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm. Người cao tuổi cũng có thể được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kỹ năng nghề nếu có nhu cầu tiếp tục tham gia thị trường lao động. Dự thảo Luật này còn đưa ra định hướng lâu dài hơn khi nhấn mạnh Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ việc làm, đào tạo lại hoặc chuyển đổi nghề cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách.

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất châu Á. Dữ liệu cư dân quốc gia cho thấy cả nước hiện có 16,1 triệu người cao tuổi (từ đủ 60 tuổi trở lên), chiếm 16% dân số. Chính vì vậy, việc ban hành chính sách hỗ trợ lao động cao tuổi đào tạo nghề rất cần thiết. Bên cạnh đó, hiện nay, tuổi nghỉ hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội đã nâng cao hơn trước nên việc các doanh nghiệp, các xưởng sản xuất nới rộng độ tuổi tuyển dụng người lao động, tạo việc làm phù hợp là rất thiết thực. Điều này vừa giúp doanh nghiệp giải bài toán thiếu hụt lao động, vừa giúp lao động lớn tuổi có việc làm, thu nhập ổn định, bảo đảm đời sống và an sinh xã hội.

Tuy nhiên để chính sách được đi vào đời sống, cần quy định cụ thể hơn về chính sách an sinh xã hội đối với lao động cao tuổi. Như tăng cường cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động yếu thế, cao tuổi thông qua hỗ trợ cá nhân và hộ gia đình phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng; mở rộng cơ hội cho người lao động cao tuổi tham gia hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để chủ động đối phó khi thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro, ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già…

Lan Hương