Sức khỏe

Nỗi lo gia tăng trẻ béo phì trong kỳ nghỉ hè

Đức Trân 24/05/2025 10:10

Kỳ nghỉ hè kéo dài đang đặt ra nguy cơ gia tăng trẻ thừa cân, béo phì do thay đổi thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống. Các chuyên gia khuyến nghị phụ huynh cần chủ động điều chỉnh thực đơn, tăng cường vận động và quản lý thời gian sử dụng thiết bị điện tử để phòng ngừa béo phì từ sớm.

anh thay
Thăm khám trẻ thừa cân béo phì. Ảnh: BV Việt Đức.

Thói quen sinh hoạt đảo lộn

Kỳ nghỉ hè vốn là khoảng thời gian để trẻ thư giãn sau một năm học căng thẳng. Tuy nhiên, khi không có lịch học cố định, nhiều trẻ rơi vào lối sống ít vận động, ăn uống thiếu kiểm soát và dành quá nhiều thời gian trước màn hình tivi, điện thoại hoặc máy tính bảng.

PGS.TS Lê Danh Tuyên – nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cảnh báo: “Mỗi mùa hè trôi qua, trẻ có thể tăng từ 2 đến 5kg nếu không được kiểm soát tốt chế độ sinh hoạt. Trong khi đó, quá trình tăng cân diễn ra nhanh chóng nhưng giảm cân thì vô cùng khó khăn, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh tiểu học và trung học cơ sở”.

Theo số liệu từ Bộ Y tế, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Ở khu vực thành thị, cứ 5 trẻ thì có 1 em gặp tình trạng thừa cân hoặc béo phì. Đặc biệt, nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng năm 2023 chỉ ra rằng phần lớn trẻ béo phì đều gia tăng cân nặng nhanh nhất vào kỳ nghỉ hè.

Không chỉ ở thành phố, tỷ lệ trẻ thừa cân ở khu vực nông thôn cũng đang có xu hướng tăng. Nguyên nhân chủ yếu do sự gia tăng tiếp cận với thực phẩm công nghiệp, đồ ăn nhanh và lối sống ít vận động dần phổ biến trong đời sống hiện đại.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (38 tuổi, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) chia sẻ: “Cứ sau mỗi mùa hè là con tôi lại tăng cân, cháu ở nhà với ông bà nên hầu như không vận động gì, lại thường xuyên ăn bim bim, xúc xích, nước ngọt. Năm ngoái, khi nhập học lại, cháu tăng hơn 4kg trong vòng 2 tháng”.

PGS.TS Bùi Thị Nhung - Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Mặt Trời) nhận định: “Nguyên nhân đầu tiên dẫn tới thừa cân béo phì ở trẻ là do tâm lý thích trẻ con bụ bẫm của các bậc cha mẹ, ông bà. Từ đây dẫn tới việc đánh giá sai về hình ảnh cơ thể của trẻ”.

BS Nhung chỉ ra rằng, nhiều gia đình có quan niệm sai lầm khi cho rằng trẻ đi học vất vả, thiếu dinh dưỡng nên cho trẻ ăn rất nhiều khi kỳ nghỉ hè đến, đồng thời quan niệm rằng khi đi học trở lại, trẻ sẽ lại giảm cân. Thực tế, điều này dẫn đến việc trẻ tiếp tục tăng cân và có nguy cơ béo phì cao hơn.

Cần cả dinh dưỡng khoa học lẫn vận động hợp lý

Các chuyên gia y tế cảnh báo, béo phì không đơn thuần là vấn đề thẩm mỹ mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng. Trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường type 2, rối loạn lipid máu, gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp và sớm gặp các vấn đề tim mạch khi trưởng thành.

Bên cạnh đó, tình trạng béo phì còn tác động tiêu cực đến tâm lý trẻ. Nhiều em trở nên rụt rè, tự ti, ngại giao tiếp và dễ bị bắt nạt trong môi trường học đường, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và khả năng hòa nhập xã hội.

Trước thực trạng này, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị phụ huynh cần chủ động kiểm soát chế độ ăn và duy trì hoạt động thể lực cho trẻ ngay từ đầu kỳ nghỉ.

Về bữa ăn, cần đảm bảo đầy đủ bốn nhóm thực phẩm: tinh bột, đạm, chất béo và vitamin và khoáng chất. Giảm tần suất sử dụng đồ ngọt, thức ăn nhanh và nước có gas. Thay vào đó, nên tăng rau xanh, trái cây và các loại ngũ cốc nguyên cám. Khuyến khích trẻ uống đủ nước và tránh ăn vặt tùy hứng trong ngày.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên cùng con lên kế hoạch vận động phù hợp như: đi bộ buổi sáng, đạp xe, chơi cầu lông, bơi lội hoặc tham gia các lớp thể thao hè tại địa phương. Ngay cả các công việc nhà như quét dọn, tưới cây, sắp xếp sách vở… cũng góp phần tăng cường vận động thể chất hiệu quả.

Một vấn đề không thể bỏ qua là quản lý thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ từ 5 đến 17 tuổi chỉ nên dành tối đa 2 tiếng mỗi ngày cho màn hình. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều trẻ đang vượt ngưỡng này gấp 2 - 3 lần trong mùa hè.

Gia đình có thể khuyến khích trẻ đọc sách, vẽ tranh, chăm sóc cây cối, nấu ăn cùng người lớn… để thay thế các hoạt động thụ động bên màn hình. Quan trọng là tạo môi trường sinh hoạt năng động và lối sống cân bằng, thay vì cấm đoán hoặc ép buộc trẻ theo cách khắt khe.

Đức Trân