Vì sao giá vàng biến động?
Trong suốt hơn 1 tháng qua, giá vàng thế giới liên tục biến động. Mốc giá hơn 3.350 USD/ounce nhiều lần bị xô đổ. Nguyên nhân từ đâu? và tháng 6 tới giá vàng thế giới sẽ ở mức nào?

Thông điệp từ những giao dịch khổng lồ
Diễn biến bất thường trên thị trường vàng thế giới đã làm dấy lên nhiều nghi vấn và lo ngại. Nếu nhìn ngược lại thì trong 2 tháng đầu năm 2025, Mỹ đã lặng lẽ nhập khẩu một lượng vàng khổng lồ, hơn 600 tấn, chủ yếu từ London và Thụy Sĩ. Con số này đủ để khiến bất kỳ ai cũng phải kinh ngạc và đặt ra câu hỏi: Điều gì đang thực sự xảy ra và phía trước sẽ là gì?
Trang tin theo dõi thị trường Marketwatch.com ngày 23/5, dẫn số liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (VGC) cho thấy những khối lượng vàng khổng lồ âm thầm chảy vào Mỹ từ các trung tâm giao dịch vàng lớn trên thế giới gây choáng váng cho bất kỳ ai.
Phải chăng đây chỉ là động thái tích trữ vàng thông thường của các ngân hàng Mỹ trước khi có thể áp dụng thuế quan mới? Trong khi đó, dự trữ vàng chính thức của Mỹ vẫn duy trì ổn định ở mức khoảng 8.133 tấn trong nhiều năm, với phần lớn được cất giữ tại Fort Knox.
Tuy nhiên, cách giải thích như vậy là không thuyết phục khi đặt trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương các nước cũng đang có động thái tương tự. Năm 2024 chứng kiến năm thứ ba liên tiếp nhiều ngân hàng trung ương mua vào vàng với số lượng lớn, tổng cộng 1.062 tấn. Đây là tốc độ mua vàng mạnh mẽ nhất kể từ những năm 1950, thời kỳ mà hệ thống tiền tệ thế giới còn được neo giữ bởi tiêu chuẩn vàng.
Vậy, điều gì đang thực sự diễn ra? Liệu các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức tài chính lớn đang nhìn thấy những rủi ro tiềm ẩn mà công chúng chưa nhận thức được?
Theo giới chuyên gia đầu tư tài chính, thị trường vàng thường giao dịch chủ yếu bằng các công cụ tài chính phái sinh, nhưng hiện tại những thỏi vàng vật chất đang thực sự được vận chuyển qua đại dương. Đây không phải là một hiện tượng thị trường thông thường. Nhưng tại sao lại là vàng mà không phải thứ gì khác? Lý do đơn giản là khi hệ thống tiền tệ gặp khủng hoảng, vàng luôn là tài sản trú ẩn an toàn cuối cùng. Tiền giấy, dù được các chính phủ đảm bảo vẫn có nguy cơ mất giá khi các chính sách tiền tệ nới lỏng được áp dụng quá mức.
Ray Dalio - nhà sáng lập quỹ đầu cơ Bridgewater Associates, đã gọi đây là một cuộc dịch chuyển tài sản cực lớn và những người nắm giữ tài sản hữu hình như vàng sẽ là những người định hình luật chơi mới, chứ không phải là trái phiếu, tiền giấy hay đồng tiền kỹ thuật số.
“Đối với các nhà đầu tư, thông điệp rõ ràng là hãy theo dõi sát sao diễn biến của giá vàng. Giá vàng tăng không chỉ vì vẻ đẹp của nó mà còn vì những người có tầm ảnh hưởng đang cảm nhận được những thay đổi tiềm ẩn trong hệ thống tài chính toàn cầu” - M.Rifred, chuyên gia vàng khu vực Trung Đông nhận xét và cho rằng giá vàng thế giới tăng khi mà các số liệu cho thấy kinh tế Mỹ kém khả quan. Vị chuyên gia này cũng cho rằng thị trường đang kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 7 hoặc tháng 9/2025. Ông Peter Grant - Phó Chủ tịch kiêm chiến lược gia cấp cao tại công ty kinh doanh kim loại quý Zaner Metals, nhận định rằng hiện đã có thêm dư địa cho Fed cắt giảm lãi suất và điều đó góp phần hỗ trợ giá vàng. Nói cách khác, thời gian tới giá vàng trên thị trường thế giới có thể vẫn biến động.
Diễn biến trên thị trường châu Á
Với thị trường châu Á, hơn một tháng qua được cho là thời kỳ nhiễu động của giá vàng. Có lúc, giá vàng giao ngay lên tới 3.232 USD/ounce, như chỉ một ngày sau đã “bốc hơi” hơn 200 USD/ounce.
Tại “chợ vàng” lớn nhất thế giới Gold Souk (UAE), luôn tấp nập người qua lại để nghe ngóng thay vì mạnh dạn xuống tiền vì chỉ trong vòng 2 giờ, giá đã chênh nhau khoảng 3%. Nói như ông Peter Grant thì ngay cả “đại gia” dầu mỏ cũng không dám đánh liều trước khi phiên giao dịch cuối ngày kết thúc.
Cũng tại thị trường châu Á, cùng với Trung Đông và Ấn Độ, thì việc Trung Quốc lại bất ngờ tăng nhập khẩu vàng lên mức cao nhất trong gần 1 năm qua được cho là bất ngờ. Bloomberg đưa tin, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc công bố ngày 21/5, tổng lượng vàng nhập khẩu của nước này trong tháng 4 đạt 127,5 tấn, mức cao nhất trong 11 tháng và tăng vọt 73% so với tháng 3. Điều đáng chú ý là đợt tăng nhập khẩu vàng này diễn ra đúng thời điểm giá vàng thế giới đạt đỉnh lịch sử, có lúc gần chạm 3.500 USD/ounce - mức cao kỷ lục mọi thời đại.
Theo giới phân tích, sự bùng nổ nhập khẩu vàng có thể là kết quả từ việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho thấy Bắc Kinh đang phản ứng linh hoạt với cơn sốt vàng từ giới đầu tư cá nhân lẫn tổ chức. Giới đầu tư luôn xem vàng là một “pháo đài an toàn” để phòng ngừa rủi ro từ đồng USD và hệ thống tài chính phương Tây. Các chuyên gia nhận định việc Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn vàng trong lúc giá đang tăng có thể tạo ra một "vòng lặp vàng" - nơi mà nhu cầu nội địa đẩy giá thế giới lên, và giá cao lại càng kích thích thêm tâm lý tích trữ.
Cho đến thời điểm này, dù giá vàng thế giới đã điều chỉnh giảm nhẹ do hy vọng xoa dịu căng thẳng thương mại, nhưng việc các ngân hàng trung ương, trong đó có Trung Quốc, tiếp tục mua vào vẫn cho thấy kim loại quý này vẫn rất hấp dẫn khi được coi là nơi “trú ẩn an toàn” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn.
Nhóm chuyên gia từ VGC dự đoán, trong bối cảnh thị trường toàn cầu nhiều bất ổn, giá vàng tương lai giao trong nửa đầu tháng 6/2025 có thể sẽ giảm. Mức giá 3.180 USD/ounce (tương đương 82,6 triệu VND, tính theo quy đổi ngày 23/5) đang đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng đối với hợp đồng vàng tương lai giao tháng 6, hợp đồng được giao dịch nhiều nhất hiện nay. Tuy nhiên, nửa đầu tháng 6 có thể vẫn sẽ diễn ra vùng giá “giằng co” giữa bên mua và bên bán. Nhưng theo chuyên gia Benjamin Hoff (Ngân hàng Societe Generale) thì rủi ro có thể quay lại khi sự bất định trong chính sách và thương mại vẫn cực kỳ cao. “Đồng hồ đang đếm ngược cho giai đoạn trì hoãn 90 ngày về thuế, dự kiến sẽ kết thúc vào đầu tháng 8, khi đó giá vàng thế giới có thể sẽ rõ ràng hơn” - tiến sĩ Benjamin nhận định.