Phát hiện nhiều đối tượng, cơ sở sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả
Thời gian gần đây, tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển mỹ phẩm giả vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều đối tượng…

Ngày 24/5, theo thông tin từ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa, đơn vị này vừa triệt phá một cơ sở sản xuất, buôn bán số lượng lớn mỹ phẩm giả trên địa bàn huyện Triệu Sơn do Nguyễn Thị Dung, sinh năm 1995, trú tại xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, làm chủ.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện Nguyễn Thị Dung thường xuyên lên mạng xã hội Tiktok để livestream bán mỹ phẩm của nhiều hãng nổi tiếng với giá thành rất rẻ. Nghi vấn đây có thể là đối tượng sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả, lực lượng Công an đã tiến hành lập án đấu tranh.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã phối hợp với Công an xã Minh Sơn và Đội quản lý thị trường số 6, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra tại nhà Nguyễn Thị Dung thuê ở xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ một số lượng lớn hóa chất, dung dịch các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ, vỏ mỹ phẩm rỗng và các dụng cụ dùng để sản xuất mỹ phẩm giả gồm: 3 máy trộn, 7 thanh quay máy trộn cùng nhiều dụng cụ dùng để pha trộn mỹ phẩm.
Kiểm tra nhà ở của Nguyễn Thị Dung ở thôn Đồng Khang, xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 256 chai mỹ phẩm (gồm 24 loại mỹ phẩm khác nhau như: kem tẩy trang, kem dưỡng da, serum trị mụn, kem làm trắng da...) do Dung tự sản xuất; 122 lọ mỹ phẩm (gồm 5 loại mỹ phẩm) không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không hóa đơn, chứng từ và giấy phép kinh doanh.
Quá trình đấu tranh, Nguyễn Thị Dung khai nhận: Khoảng tháng 12/2024, Nguyễn Thị Dung đã tham gia hội nhóm chuyên mua bán mỹ phẩm trên mạng xã hội Facebook và liên hệ đặt mua mỹ phẩm về bán tại nhà qua Facebook cá nhân và trang fanpage "Mỹ phẩm pass" do Dung tự lập.

Quá trình kinh doanh buôn bán mỹ phẩm, nhận thấy việc bán mỹ phẩm kiếm lời cao, khách hàng mua qua mạng lại không có nhiều hiểu biết về các mỹ phẩm, ham rẻ nên Dung đã nảy sinh ý định làm giả các loại mỹ phẩm để bán kiếm lời.
Để thực hiện được hành vi của mình, Dung đã thuê nhà ở thôn 4, xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn để sản xuất mỹ phẩm giả. Tại đây, Dung đã đặt mua các loại kem, serum và các chất pha trộn trên mạng xã hội với giá 50.000 đồng/1kg cùng với một số chất tạo màu, tạo mùi.
Sau đó sử dụng máy trộn cầm tay để khuấy, đánh, trộn cho các loại dung dịch này gần giống với các loại mỹ phẩm nguyên bản rồi bơm, đổ vào các chai lọ mỹ phẩm của các nhãn hàng đã sử dụng hết được thu mua từ trước đó.
Từ khoảng cuối năm 2024 đến khi bị bắt, Nguyễn Thị Dung đã bán trót lọt hơn 1.000 đơn hàng cho các khách hàng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng giá trị hơn 142 triệu đồng.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Thị Dung về tội "sản xuất, mua bán hàng giả", đồng thời, tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Cũng trong ngày 24/5, ông Phạm Văn Phúc - Đội phó, Đội Hải quan cửa khẩu Lào Cai, thuộc Chi Cục Hải quan Khu vực VII thông tin: Đơn vị vừa chủ trì phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan và Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai phát hiện và bắt giữ một lô hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo đó, khoảng 22h ngày 23/5, Tổ công tác thuộc Hải quan cửa khẩu Lào Cai chủ trì phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan và Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai tuần tra, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai.
Tổ công tác đã phát hiện tại khu vực vườn hoa - thuộc khu cách ly cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai có nhiều người dân đã lợi dụng chính sách trao đổi hàng hoá cư dân biên giới để mang vác hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó cất giấu vào các vali, túi xách, ba lô xếp bên trong vườn hoa, không mang vào làm thủ tục hải quan theo quy định.
Tổ công tác đã gọi, hỏi nhiều lần những người xung quanh để xác định chủ số hàng hoá nêu trên nhưng không ai đứng ra nhận. Nghi ngờ hàng hóa chứa trong các vali, ba lô, túi hàng trên là thực phẩm đông lạnh nên tổ công tác đã tiến hành kiểm tra và phát hiện bên trong chứa các loại thực phẩm gồm xúc xích, lạp xưởng, trứng gia cầm non. Đáng lưu ý, tại thời điểm kiểm tra hàng hóa đang trong tình trạng rã đông và tổng trọng lượng lô hàng là 2.550 kg.
Tổ công tác xác định những loại hàng hóa nêu trên không thuộc danh mục hàng hóa được phép trao đổi của cư dân biên giới. Hàng hóa nhập khẩu có điều kiện (phải được kiểm dịch động vật khi nhập khẩu) nên tổ công tác đã tiến hành lập biên bản chứng nhận và lập biên bản tạm giữ để xử lý theo quy định của pháp luật.