Văn hóa

Khi nghệ sĩ biết tạo hào quang cho mình

Việt Hà 25/05/2025 18:52

Một lớp bồi dưỡng về kỹ năng ứng xử dành cho người làm nghệ thuật vừa tổ chức tại Bến Tre, được nhiều người đánh giá là kịp thời và cần thiết trong bối cảnh làng giải trí liên tục “nóng” lên vì những phát ngôn, hành vi lệch chuẩn của một số nghệ sĩ, người nổi tiếng. Những cú vấp không chỉ làm sứt mẻ hình ảnh cá nhân họ mà còn gây tổn hại đến uy tín của giới nghệ thuật…

bai chinh
Mỗi lần ra sân khấu hay giao lưu với khán giả, ca sĩ Đen Vâu luôn chiếm được thiện cảm và nhận nhiều lời khen ngợi của người hâm mộ. Ảnh: FBNV.

Những vụ việc đáng suy ngẫm

Những ngày qua, vụ việc của Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố vì tội “Lừa dối khách hàng” gây xôn xao dư luận. Đây là một việc đáng suy ngẫm từ góc độ văn hóa, đạo đức và trách nhiệm xã hội của người nổi tiếng. Nói như PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái thì “Thùy Tiên đã phạm một lỗi văn hóa rất nặng trong ứng xử với cộng đồng, một khi cô đã là hoa hậu, là người của công chúng”.

Qua vụ việc này cũng cho thấy, danh tiếng và hình ảnh công chúng không thể là “lá chắn” cho những hành vi vi phạm pháp luật. Những người nổi tiếng, đặc biệt là hoa hậu - những người được nhìn nhận như một biểu tưởng về nhan sắc và trí tuệ thì càng cần giữ gìn chuẩn mực đạo đức và hành xử có trách nhiệm.

Trước đó là trường hợp của Quang Linh Vlog - một người làm nội dung sáng tạo - cũng là người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho giới trẻ về những điều tử tế trên kênh YouTube hàng triệu lượt theo dõi. Quang Linh Vlogs gây tiếc nuối và hụt hẫng, thậm chí cả gây sốc với nhiều người khi bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan vụ quảng cáo ''lố'' kẹo rau củ Kera.

Cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, Đặng Tiến Hoàng, một nam YouTuber, streamer, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc cùng một số người đẹp liên tục livestream tố nhau trên mạng xã hội tạo thành những “drama” thị phi, vô bổ. Những hành vi này không chỉ làm mất đi hình ảnh chuyên nghiệp của người trong cuộc, mà còn phản ánh một thực trạng đáng lo ngại về ý thức trách nhiệm của nghệ sĩ trong thời đại truyền thông số.

Và thế là công chúng, thay vì được thưởng thức những sản phẩm nghệ thuật chất lượng, những điều tử tế, tốt đẹp thì lại bị cuốn vào những drama, thị phi, những câu chuyện tình cảm riêng tư của nghệ sĩ, người nổi tiếng. Điều đó thật sự đáng phải suy ngẫm.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhận định, các sự việc này không chỉ là những “lỗi cá nhân” đơn lẻ, mà thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh về nhận thức, trách nhiệm và cảm quan văn hóa của một bộ phận người nổi tiếng trong thời đại số.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc hơn về trách nhiệm của nghệ sĩ trong việc sử dụng hình ảnh cá nhân trước công chúng. Nhất là trong thời công nghệ 4.0, nghệ sĩ không chỉ có ảnh hưởng trên sân khấu mà còn trên các nền tảng mạng xã hội.

“Nếu nghệ thuật là tiếng nói của cái đẹp...”

Đầu tuần qua (ngày 20/5), Trường Cán bộ quản lý Văn hóa, thể thao, du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao, Du lịch) đã tổ chức khai giảng Lớp bồi dưỡng “Kiến thức, kỹ năng ứng xử đối với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn” năm 2025. Lớp bồi dưỡng hoàn toàn cần thiết và đúng thời điểm.

Đúng như phát biểu của Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phan Tâm, lớp bồi dưỡng lần này không chỉ mang tính chuyên môn mà còn là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh văn hóa cho đội ngũ làm nghệ thuật biểu diễn trong thời đại mới.

Xã hội ngày càng phát triển, công chúng ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về những chuẩn mực của nghệ sĩ, người nổi tiếng - Đó là sự chuẩn mực về nghề, về phát ngôn, về trách nhiệm trước công chúng. Bởi người làm nghệ thuật không chỉ truyền tải giá trị văn hóa mà còn là tấm gương ảnh hưởng đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Do đó, việc trang bị kiến thức về đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử và trách nhiệm xã hội là điều đặc biệt cần thiết.

“Nếu nghệ thuật là tiếng nói của cái đẹp, thì ứng xử chuẩn mực chính là cái đẹp của người làm nghệ thuật. Ứng xử chuẩn mực không chỉ thể hiện đạo đức nghề nghiệp mà còn thể hiện bản lĩnh văn hóa của nghệ sĩ trước công chúng” - Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.

Tháng 12/2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật - một bộ Quy tắc được đánh giá như là bản cam kết của giới nghệ sĩ trước công chúng. Trong bộ Quy tắc này, Với công chúng, nghệ sĩ phải tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp, ứng xử chân thành, đúng mực, thân thiện và xây dựng hình ảnh đẹp của người hoạt động nghệ thuật. Và đặc biệt là "không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cá nhân".

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, bộ Quy tắc không phải là điều gì đó khô cứng hay gò bó, mà chính là những hành vi văn hóa được thực hành hằng ngày. Và khi những hành vi đó trở thành thói quen, quy tắc không còn là điều phải nhớ, mà là điều tự nhiên như hơi thở. Điều này không chỉ giúp nghệ sĩ bảo vệ hình ảnh cá nhân, mà còn góp phần xây dựng môi trường nghệ thuật văn minh, chuyên nghiệp, tạo dựng niềm tin bền vững trong lòng công chúng.

Thực tế thì bên cạnh một số nghệ sĩ, người nổi tiếng có những phát ngôn, hành vi lệch chuẩn... thì vẫn có rất nhiều nghệ sĩ hàng ngày đang xây dựng hình ảnh rất đẹp trong lòng công chúng, người hâm mộ. Như ca sĩ Đen Vâu (Nguyễn Đức Cường), người nghệ sĩ không chỉ được nhắc đến bởi những bản rap sâu sắc, đầy tự sự và chất thơ, mà còn bởi lối ứng xử khiêm tốn, chân thành và gần gũi. Mỗi lần ra sân khấu hay khi giao lưu với khán giả, anh luôn chiếm được thiện cảm và nhiều lời khen ngợi của người hâm mộ.

Còn ca sĩ Suboi, người thường thể hiện quan điểm về xã hội một cách rõ ràng nhưng trên tinh thần xây dựng, không công kích cá nhân nên luôn được coi là một hình mẫu nghệ sĩ cá tính và ứng xử có văn hóa, cũng là ]người có thông điệp rõ ràng về các vấn đề xã hội.

Một người nữa mà cư dân mạng dành nhiều khen ngợi chính là Chi Pu. Trước đây, khi lấn sân sang làm ca sĩ, cô từng bị chê hát yếu, không có giọng. Mỗi lần lên sân khấu, mặc dù đã rất mạnh tay đầu tư cho hình ảnh, kỹ năng trình diễn, vũ đạo nhưng giọng hát của cô vẫn gây chú ý đặc biệt. Thế nhưng, trước các bình luận, Chi Pu không hề phản ứng tiêu cực, cô cứ nỗ lực từng bước trau chuốt giọng hát của mình. Sự nỗ lực của cô đã nhận được rất nhiều lời khen.

Vì vậy, đúng như lời Thứ trưởng Phan Tâm: “Việc giữ gìn hình ảnh đẹp, uy tín và đạo đức nghề nghiệp không còn là lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu đối với giới làm nghệ thuật biểu diễn”.

Chỉ có như thế, hình ảnh đẹp của người nghệ sĩ mới có sức sống lâu bền và lan tỏa mạnh mẽ trên sân khấu, trên mạng xã hội và ngoài đời sống. Bởi người nghệ sĩ không chỉ là người làm sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật, mà còn là người truyền cảm hứng, đại diện cho những giá trị văn hóa, đạo đức trong mắt công chúng.

Và một nghệ sĩ sống và làm nghề bằng cả tài năng, đạo đức và trách nhiệm với công chúng, họ sẽ luôn tạo được ánh hào quang cho riêng mình.

Việt Hà