Quy đổi điểm kỳ thi riêng: Công bằng trong xét tuyển
Theo quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) 2025, điểm các bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy sẽ được chuyển đổi về thang điểm 30 để phục vụ xét tuyển. Hiện một số trường đã công bố bảng quy đổi điểm kỳ thi riêng theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 để thí sinh tham khảo.
Cơ sở dự báo điểm xét tuyển kỳ thi riêng
Viện Đào tạo số và Khảo thí (ĐH Quốc gia Hà Nội) xây dựng bảng quy đổi điểm trúng tuyển từ phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực sang điểm thi tốt nghiệp THPT 2024. Theo đó, thí sinh đạt 129/150 điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (HAS) tương đương với 29,27/30 điểm thi tốt nghiệp khối A00 (Toán, Lý, Hoá), 28,97 điểm khối B00 (Toán, Hóa, Sinh). Thí sinh đạt 75 điểm HSA tương đương với 22,68 điểm tổ hợp A00. ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU) không công bố công thức cụ thể. Thí sinh có thể tra cứu bằng công cụ quy đổi điểm HSA sang điểm thi tốt nghiệp năm 2024 với từng mức điểm cụ thể. Tuy nhiên, bảng này chỉ mang tính tham khảo. Đại diện VNU cho biết, khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, bảng quy đổi sẽ có sự điều chỉnh phù hợp với phổ điểm thực tế.

ĐH Bách khoa Hà Nội vừa công bố phương án quy đổi điểm chuẩn tương đương giữa 3 phương thức: xét tuyển tài năng, xét điểm đánh giá tư duy (TSA) và xét điểm tốt nghiệp THPT. Phương pháp bách phân vị được áp dụng để xác định các mức điểm tương đương, dựa trên phân tích dữ liệu tuyển sinh 3 năm gần đây, phổ điểm các bài thi và tổ hợp A00. Trên cơ sở đó, trường xây dựng bảng phân vị thể hiện mối tương quan giữa các phương thức: top % điểm thi tốt nghiệp tính trên thang 30; điểm xét tuyển tài năng và điểm TSA tính trên thang 100. Từ dữ liệu tuyển sinh năm 2024 và kết quả học tập của sinh viên, ĐH Bách khoa Hà Nội xây dựng bảng phân vị mức điểm chuẩn tương quan giữa các phương thức tuyển sinh. Chẳng hạn, ngành MS2 – Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano có điểm trúng tuyển theo phương thức đánh giá tư duy là 71,68 điểm, tương đương 27,59 điểm thi tốt nghiệp THPT và 80,53 điểm xét tuyển tài năng diện 1.3.
Trước đó, ngày 19/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn tuyển sinh ĐH năm 2025, trong đó nêu rõ cách quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển. Khung quy đổi sử dụng phương pháp bách phân vị, căn cứ kết quả của thí sinh dự cả bài thi riêng (APT, HSA, TSA...) và tổ hợp môn thi tốt nghiệp, chia thành các tốp 0,5%, 1%, 3%, 5%, 10%... Bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo xây dựng quy tắc quy đổi điểm phải đảm bảo tính tương đương, gắn với yêu cầu đầu vào thực chất của từng ngành/chương trình. Tiêu chí xét tuyển cần tập trung đánh giá kiến thức nền tảng, năng lực cốt lõi; bảo đảm công bằng, minh bạch, thống nhất, khoa học, thực tiễn và dễ hiểu. Các trường cần căn cứ khung hướng dẫn để xây dựng bảng và công thức quy đổi cho từng ngành, nhóm ngành hoặc lĩnh vực đào tạo.
Lưu ý với thí sinh
Năm 2025, cả nước có khoảng 10 kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy do các trường ĐH tổ chức. 3 kỳ thi của 2 ĐH quốc gia và ĐH Bách khoa Hà Nội có quy mô lớn nhất. Thống kê hiện có gần 40 trường sử dụng kết quả TSA trong khi có gần 100 trường sử dụng chứng chỉ HAS và hơn 100 trường sử dụng chứng chỉ APT (kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức). Tuy nhiên, như các mùa tuyển sinh trước, mỗi trường có điểm sàn xét tuyển cũng như điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét tuyển có sử dụng điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… khác nhau và có điều chỉnh theo từng năm.
Chẳng hạn, năm nay, ĐH Ngoại thương đổi mới cách xét tuyển thí sinh dùng chứng chỉ HAS so với năm trước. Cụ thể, do cấu trúc bài thi HAS năm nay có thêm một phần tự chọn nên thí sinh lựa chọn phần 3 (tự chọn) là Khoa học, sau đó chọn 2 lĩnh vực là Vật lý và Hóa học sẽ được xét tuyển vào các chương trình tiêu chuẩn của trường, trừ các chương trình tiêu chuẩn ngôn ngữ thương mại. Nếu lựa chọn phần tự chọn phần 3 là tiếng Anh, thí sinh sẽ được xét tuyển vào tất cả các chương trình tiêu chuẩn, bao gồm các chương trình tiêu chuẩn ngôn ngữ thương mại.
Nhiều trường ĐH đã công bố mức điểm sàn nhận hồ sơ tương tự năm ngoái đối với thí sinh xét tuyển bằng chứng chỉ. Trường ĐH Kiểm sát nhận hồ sơ với ngành Luật, chuyên ngành Kiểm sát với điểm sàn HAS đạt tối thiểu 70/150 điểm hoặc đạt tối thiểu 700/1.200 điểm APT. Trong khi đó, với ngành Luật, ngành Luật Kinh tế, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào lần lượt là 60/150 điểm và 600/1.200 điểm.
Ngoài các điều kiện về chứng chỉ đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, tùy từng trường, từng ngành có thêm các điều kiện khác thí sinh cần đáp ứng nên cần nghiên cứu kỹ để nộp đầy đủ các minh chứng cần thiết khi xét tuyển.