Đẩy nhanh tiến độ không có nghĩa làm ẩu
Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) được đầu tư tới 11 nghìn tỷ đồng, nhưng chỉ mới đưa vào khai thác, vận hành chưa đầy một tháng đã liên tục bị dột. Nỗi bất an của hành khách không chỉ bởi mái nhà ga bị dột mà còn cả việc sàn lát đá của nhà ga xuất hiện những khe hở lớn. Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ga T3 để kịp thời hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4) liệu có phải là nguyên nhân?
Dù đã đưa nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất vào khai thác, vận hành từ 30/4, nhưng đến nay sàn lát đá, hộp kỹ thuật chứa cáp điện... vẫn còn những khe hở chưa được hoàn thiện không chỉ gây mất mỹ quan, phản cảm, mà còn khiến hành khách nơm nớp lo sợ về chất lượng công trình. Đã vậy mái của nhà ga T3 còn liên tiếp bị dột nước, thậm chí hôm 24/5 còn chảy thành dòng. Trên đầu thì bị dột, dưới chân thì có khe nứt, làm sao có thể yên tâm đây?
Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất là dự án trọng điểm do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư khoảng 11 nghìn tỷ đồng, chia làm 3 gói thầu, trong đó gói thầu số 12 (xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga) là lớn nhất (khoảng 9 nghìn tỷ đồng) do 6 nhà thầu thi công. Theo dự kiến, nhà ga T3 tới tháng 6/2025 mới xây dựng xong, nhưng đã được đẩy nhanh tiến độ để có thể hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 50 Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4).
Việc chủ đầu tư và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ga T3 để kịp thời đưa vào khai thác, vận hành chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc là điều đáng được ghi nhận. Song, liệu việc đẩy nhanh tiến độ có phải là cái cớ để các nhà thầu thi công ẩu công trình trọng điểm này? Nếu vậy thì thật là tai hại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính từng chỉ đạo tại một số công trình trọng điểm: Đẩy nhanh tiến độ thi công, nhanh chóng đưa công trình vào khai thác, vận hành để kịp thời tận dụng cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tránh gây thất thoát, lãng phí, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Song, chủ đầu tư và các nhà thầu phải đảm bảo chất lượng công trình tốt như dự kiến, thậm chí còn phải tốt hơn mới đạt yêu cầu. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Đẩy nhanh tiến độ không có nghĩa ẩu, chất lượng công trình kém.
Ở đây, tác giả bài viết không hề có ý định bàn luận việc nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất bị dột, nước chảy thành dòng, nền đá còn các khe hở lớn là do “chưa kịp hoàn thiện” hay chạy theo thành tích mà làm ẩu. Song, rõ ràng việc một công trình được đầu tư số tiền lớn, thiết kế vô cùng hiện đại lại xảy ra những sự cố không đáng có khi đang khai thác, vận hành là điều không thể chấp nhận được, dù có là do nguyên nhân gì.
Theo lý giải của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) - đơn vị phụ trách thi công mái: Sự cố dột nước là do một mối nối của ống thoát nước bị hở gioăng nên nước thoát ra ngoài. Vậy nếu thay vì “hở gioăng” là việc mối nối bị bung hẳn ra thì liệu cơ sở vật chất nhà ga, hành lý của hành khách, thậm chí là tính mạng của nhiều người có an toàn?
Hôm 7/5 bị dột là do keo gắn giữa các tấm che bị bong tróc, ngày 24/5 là gioăng hở, tới đây không biết Hancorp còn đưa ra được những lý do gì nữa nếu tiếp tục xảy ra sự cố? Keo thì bị bong tróc, mối nối có thể bị hở, liệu các kết nối khác của mái che nhà ga T3 liệu có đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách?
Với thực trạng sàn đá, hộp kỹ thuật chứa cáp điện có những khe hở lớn chưa hoàn thiện, mái nhà liên tục “bị dột” thì việc hành khách đi và đến nhà ga T3 lo lắng, bất an cũng là điều dễ hiểu. Song, có một điều mà dư luận xã hội không hiểu: Tại sao tổng thể các hạng mục của nhà ga T3 chưa hoàn thiện mà chủ đầu tư ACV lại có thể nghiệm thu, đưa công trình vào khai thác, sử dụng? Liệu có phải ACV chạy theo thành tích mà chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng công trình?