Kinh tế

Hóa giải thách thức cho ngành sầu riêng

L.Thu 26/05/2025 09:43

Những năm gần đây, diện tích trồng và sản lượng sầu riêng tăng trưởng nóng, kéo theo sự mở rộng nhanh chóng quy mô xuất khẩu. Điều này đặt ra những thách thức đối với ngành hàng “vua trái cây” nếu muốn xuất khẩu bền vững và duy trì giá trị tỷ đô trong thời gian tới.

Áp lực lớn

Tại Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững được tổ chức mới đây, báo cáo về tình hình xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, năm 2025, Việt Nam vẫn là nhà cung cấp sầu riêng lớn thứ hai cho Trung Quốc nhưng có sự sụt giảm nghiêm trọng tới 71,3% về lượng và 74% về kim ngạch. Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc giảm từ 42,1% (năm 2024) xuống còn 28,2%.

ảnh trên
Cần có những chính sách hướng đến phát triển bền vững, hiệu quả cho trái sầu riêng. Ảnh: M.Khiết

Theo ông Đạt, ngành hàng sầu riêng Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong quá trình phát triển. Trong những năm gần đây, diện tích trồng và sản lượng sầu riêng tăng trưởng nóng, kéo theo sự mở rộng nhanh chóng quy mô xuất khẩu. Điều này cũng đặt ra áp lực lớn về kiểm soát chất lượng và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt từ thị trường Trung Quốc.

Để khắc phục những hạn chế trên, một số giải pháp đã và đang được nhà quản lý triển khai như xây dựng mô hình kiểm soát cadmium trong canh tác, tăng cường quản lý sử dụng vật tư nông nghiệp, rà soát và hoàn thiện quy định về quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, phòng thử nghiệm; xử lý cảnh báo vi phạm và khôi phục mã số; làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ vướng mắc trong xuất khẩu...

Trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Trước mắt là hoàn thiện cơ sở pháp lý, kỹ thuật và quy trình kiểm soát toàn chuỗi sản xuất - xuất khẩu; nâng cao năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm, tăng cường phòng thử nghiệm đạt chuẩn quốc tế, tổ chức đoàn công tác sang Trung Quốc để đàm phán kỹ thuật, mở rộng thị trường và thúc đẩy xúc tiến thương mại.

Về lâu dài, cần cơ cấu lại ngành hàng theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm đông lạnh và chế biến sâu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu quốc gia; nâng cấp hệ thống logistics, tổ chức lại chuỗi liên kết và nâng cao năng lực thực thi của doanh nghiệp và địa phương.

Hình thành chuỗi liên kết khép kín

Hiến kế mở rộng xuất khẩu sầu riêng, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, sầu riêng của Việt Nam có nhiều lợi thế xuất khẩu nếu thực hiện đúng quy định của nước nhập khẩu. Theo ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, thị trường sầu riêng toàn cầu năm 2025 có giá trị khoảng 200 tỷ USD và có thể đạt 400 tỷ USD vào năm 2035, với tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 7% mỗi năm. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng cao, việc đảm bảo nguồn cung ổn định quanh năm là một lợi thế quan trọng của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thái Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm, cho biết, DN đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình xuất khẩu sầu riêng, đặc biệt là do thiếu văn bản hướng dẫn sau thu hoạch.

Theo bà Thanh, hiện nay chưa có thông tư hướng dẫn chính thức về xử lý sau thu hoạch đối với sầu riêng, nhiều DN không biết phải tìm sản phẩm xử lý sau thu hoạch ở đâu cho đúng yêu cầu kỹ thuật của nước nhập khẩu, phải “vừa đi vừa dò đường”.

Tuy nhiên, quá trình sản xuất trong nước vẫn còn thiếu sự chuẩn hóa. Một số trường hợp cho thấy dù không sử dụng hóa chất bị cấm, nhưng sản phẩm vẫn phát hiện tồn dư vượt ngưỡng do không kiểm soát đầy đủ các yếu tố đầu vào. Từ thực tế này, vấn đề đặt ra là cần sớm xây dựng và ban hành quy trình canh tác sầu riêng chuẩn, đặc biệt cho phân khúc chất lượng cao, nhằm đảm bảo đồng bộ kỹ thuật trên diện rộng và đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu.

Để ngành sầu riêng phát triển ổn định và bền vững, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy kêu gọi hỗ trợ DN hình thành chuỗi liên kết khép kín, trong đó cần khuyến khích đầu tư kho lạnh, trung tâm logistics và cơ sở sơ chế hiện đại. Đây là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường xuất khẩu. Ngành sầu riêng cần khẩn trương rà soát lại các vùng trồng phù hợp, tránh tình trạng mở rộng tự phát.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng yêu cầu quản lý nghiêm ngặt quy hoạch, không để việc phát triển "nóng" làm tổn hại đến cân bằng sinh thái và an toàn sản xuất. “Bên cạnh đó, việc siết chặt quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói là yêu cầu cấp thiết” - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh đồng thời yêu cầu, phải xác định rõ trách nhiệm của từng chủ sở hữu mã số theo đúng quy định, đồng thời phát triển hệ thống kiểm soát nội bộ tại từng địa phương.

L.Thu