Thỏa thuận toàn cầu về ứng phó đại dịch
Ngày 27/5, kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) - cơ quan ra quyết định cao nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ bế mạc. Tuy nhiên, trước đó, việc thông qua Thỏa thuận tăng cường khả năng ứng phó với các đại dịch trong tương lai đã được xác nhận.
Bộ trưởng Y tế Philippines Ted Herbosa, chủ trì phiên họp, cho biết, Thỏa thuận được thông qua là kết quả của hơn 3 năm đàm phán giữa các quốc gia thành viên WHO sau những bài học từ đại dịch Covid-19 khiến hàng triệu người trên thế giới thiệt mạng trong giai đoạn 2020-2022. Đây là thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý với mục tiêu giải quyết bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine, thuốc điều trị và trang thiết bị y tế, vốn vẫn là những vấn đề nổi cộm. Thỏa thuận là bước tiến quan trọng đối với vấn đề sức khỏe của nhân loại.

Cũng tại kỳ họp này, các đại biểu đã thảo luận khoảng 75 nội dung, bao gồm: nguồn nhân lực y tế, tình trạng kháng thuốc, tình trạng khẩn cấp y tế, bại liệt, biến đổi khí hậu và tài chính bền vững... Dự kiến, ngân sách cho năm 2026-2027 có thể sẽ giảm từ 5,3 tỷ USD xuống còn 4,267 tỷ USD. Vì thế, các hoạt động cũng sẽ được định hướng lại theo mức độ ưu tiên, củng cố chức năng cốt lõi và nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động của WHO.
Tổng cộng có 124 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ Thỏa thuận, không có quốc gia nào bỏ phiếu chống và 11 nước bỏ phiếu trắng (Mỹ không tham dự nên sẽ không bị ràng buộc bởi thỏa thuận này). Đáng chú ý, trong một video ngắn gửi tới kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới, Bộ trưởng Y tế Mỹ, ông Kennedy Jr chỉ trích WHO đã kêu gọi các nước theo chân Mỹ rút khỏi tổ chức này. "Tôi kêu gọi các bộ trưởng y tế trên thế giới và WHO coi việc Mỹ rút khỏi tổ chức này như lời cảnh tỉnh" - ông Kennedy Jr nói. Nhưng phát biểu của ông đã không nhận được hưởng ứng từ các đại biểu dự hội nghị.
Trong một tuyên bố, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định các chính phủ trên khắp thế giới đang giúp nước mình và cộng đồng toàn cầu trở nên công bằng hơn, khỏe mạnh hơn và an toàn hơn trước các mối đe dọa do các tác nhân gây bệnh và virus có khả năng gây ra đại dịch khi sát cánh cùng WHO.
Tuy nhiên, WHO đang gặp nhiều khó khăn. Ông Tedros cho biết, tổ chức này đang đứng trước sức ép phải cắt giảm mạnh số lượng phòng ban, từ 76 xuống còn 34, do thiếu hụt ngân sách, chủ yếu do quyết định ngừng hỗ trợ tài chính từ phía Mỹ. Trong khi đó, theo Trợ lý Tổng Giám đốc WHO phụ trách hỗ trợ Hành chính và Tài chính - ông Raul Thomas, thì tổ chức này sẽ không thể chi trả 25% lương cho nhân viên vào các năm 2026 và 2027. Tuy nhiên, ông Thomas cũng cho biết, WHO hiện chưa xác định được chính xác số lượng nhân viên sẽ bị cắt giảm. Thống kê cho thấy WHO hiện có hơn 8.000 nhân viên trên toàn cầu.
Trước đó, ngày 21/1/2025, chỉ một ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi WHO và sẽ rút khỏi tổ chức y tế này của LHQ từ tháng 1/2026. Lý do: Ông Trump cho rằng Mỹ đã phải đóng góp quá nhiều kinh phí so với các quốc gia khác khi tham gia WHO.
Động thái đó gây ra mối lo ngại rộng rãi, trong đó có việc thế giới đứng trước nguy cơ phải đối mặt với những đại dịch mới sau Covid-19. Giám đốc WHO khu vực Đông Địa Trung Hải Hanan Balkhy cho biết, WHO và các đối tác có vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ thống chăm sóc sức khỏe, đào tạo và điều phối các đội y tế khẩn cấp, cung cấp thiết bị y tế điều trị chấn thương, cũng như ứng phó với đại dịch. Vì thế do thiếu kinh phí mà phải thu hẹp phạm vi hoạt động của WHO là rất nguy hiểm; đặc biệt đối với việc nhanh chóng triển khai cứu trợ tới các cộng đồng yếu thế cần chăm sóc. “Thực tế cho thấy, hoạt động hỗ trợ các đội y tế khẩn cấp, việc tiến hành điều trị và phục hồi các cơ sở chăm sóc y tế - tất cả đều đang bị tác động ngay lập tức từ việc Mỹ đóng băng nguồn tài trợ của mình” - bà Balkhy nói.
Trong một thông cáo chung giữa Quỹ Nhi đồng LHQ và Liên minh toàn cầu vaccine và tiêm chủng (GAVI) thì nguy cơ gián đoạn tiêm chủng ở trẻ nhỏ do việc cắt giảm viện trợ sẽ có thể diễn ra ở 108 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp. Bà Sania Nishtar - Giám đốc điều hành GAVI cho biết có thể ngăn chặn nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm nếu như có đủ vaccine cho hoạt động tiêm chủng trong giai đoạn 2026-2030. Nhưng những gì đã và đang diễn ra thì đó là việc hầu như không thể.
Với việc trở lại của Covid-19 tại nhiều quốc gia châu Á, WHO cho biết 2 biến thể chính là JN.1 và XEC. Đó là 2 biến thể "rủi ro thấp" của chủng Omicron/SARS-CoV-2 đã được phát hiện lần lượt vào năm 2023 và 2024. Hầu hết các trường hợp mắc mới đều nhẹ, ít dẫn đến mức độ nghiêm trọng bất thường hoặc tử vong. WHO cho biết rủi ro sức khỏe cộng đồng mà JN.1 và XEC gây ra được đánh giá là thấp ở mức độ toàn cầu, tuy nhiên các quốc gia cũng không thể chủ quan.