Sức khỏe

Biến chủng mới Covid-19: Nguy cơ lây lan nhanh, triệu chứng nhẹ

Hoàng Chiến 26/05/2025 14:32

Theo chuyên gia y tế, sự xuất hiện của biến chủng Covid-19 NB.1.8.1 với khả năng lây nhanh và triệu chứng nhẹ dễ bỏ sót.

85a08845bc8709d95096(1).jpg
Trường hợp người cao tuổi đang điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: BVCC

TP Hồ Chí Minh: Biến chủng NB.1.8.1 chiếm 83%

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hồ Chí Minh, số ca mắc Covid-19 ghi nhận có xu hướng gia tăng từ tuần 16 đến tuần 20/2025. Trong tuần 20 (12–18/5), TP Hồ Chí Minh ghi nhận 26 ca, tăng gần gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước đó.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) đã tiến hành giải trình tự gen các mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân nhập viện trong tuần 3 tháng 5/2025.

Kết quả cho thấy 83% mẫu mang biến chủng NB.1.8.1 – một biến thể phụ của XDV.1, được hình thành từ sự tái tổ hợp giữa JN.1 và XDE.

Đây là biến chủng được công bố lần đầu tiên vào đầu năm 2025, đến nay NB.1.8.1 đã được phát hiện tại 22 quốc gia trên thế giới. Hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học chứng minh mức độ lây lan hoặc gây bệnh nặng của biến chủng này.

Theo các chuyên gia, sự xuất hiện biến thể mới NB.1.8.1 có thể là nguyên nhân gia tăng số ca bệnh Covid-19 tại thành phố trong những tuần gần đây, tương tự như ở một số nước trên thế giới trong thời gian qua. Đây là hiện tượng thông thường khi xuất hiện một biến chủng mới.

CDC TP Hồ Chí Minh được giao phối hợp với OUCRU tăng cường giám sát ca bệnh và biến chủng, đánh giá nguy cơ để kịp thời triển khai biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân không hoang mang, nhưng tuyệt đối không chủ quan. Đồng thời, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 16/5 đến ngày 23/5) cũng ghi nhận 155 ca mắc Covid-19. Cộng dồn năm 2025 ghi nhận 192 trường hợp, không có trường hợp tử vong. Dự báo số ca mắc vẫn còn gia tăng trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, chưa có thông tin về việc xuất hiện các biến chủng mới của Covid-19 tại Hà Nội.

Bộ Y tế đánh giá, trong nước, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, Covid-19 bắt đầu có xu hướng tăng cục bộ tại một số địa phương.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với WHO theo dõi chặt chẽ tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả.

Để chủ động phòng, chống bệnh Covid-19, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế.

2. Hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết).

3. Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý.

5. Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời...

Người dân đến và về từ các nước có số ca mắc Covid-19 cao cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe để phòng, chống Covid-19 cho bản thân, gia đình và người tiếp xúc gần.

Biến chủng mới lây lan nhanh, triệu chứng dễ bỏ sót

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, BS. Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga) khuyến cáo, người dân không nên hoang mang nhưng tuyệt đối không chủ quan trước những biến chủng mới của Covid-19.

Theo BS. Hoàng, tình hình tại Việt Nam phản ánh xu hướng toàn cầu, đó là dịch Covid-19 tuy đang ổn định và vẫn trong tầm kiểm soát nhưng biến thể mới liên tục xuất hiện, gây nên đợt bùng phát cục bộ tại một số địa phương.

Trong đó, biến chủng NB.1.8.1 là "hậu duệ" của JN.1 (thuộc nhánh Omicron), có nguồn gốc từ XDV.1.5.1. Đột biến đáng chú ý của biến chủng này là tăng khả năng bám dính vào tế bào người, do đó có khả năng lây lan nhanh chóng.

Biến chủng mới này tuy chưa đủ nguy hiểm để làm mất hiệu lực của vaccine, nhưng có thể làm suy giảm nhẹ miễn dịch.

Các triệu chứng khi mắc biến chủng mới này bao gồm: Sốt nhẹ, đau họng, ho, mệt mỏi, nghẹt mũi, đau cơ. Triệu chứng bổ sung: Sốt kéo dài, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, đau đầu.

Tính chất triệu chứng kéo dài, nhẹ, dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm thông thường, khiến người bệnh dễ chủ quan, góp phần lây lan âm thầm trong cộng đồng.

Chuyên gia đánh giá, mặc dù biến chủng NB.1.8.1 không gây bệnh nặng nhưng với tốc độ lây lan nhanh chóng có thể gây áp lực lên hệ thống y tế nếu số ca tăng nhanh trên diện rộng. Do đó, cần cảnh giác chuẩn bị các biện pháp y tế dự phòng.

Đối với người dân, BS. Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo, bên cạnh các biện pháp phòng bệnh của Bộ Y tế, người dân có thể tiêm các mũi vaccine nhắc lại cho nhóm nguy cơ cao.

Người dân đi từ vùng dịch (Thái Lan, Trung Quốc...) cần chủ động theo dõi sức khoẻ tại nhà... Đồng thời, tự cách ly nếu có dấu hiệu nghi ngờ nếu có dấu hiệu mắc Covid-19.

Hoàng Chiến