Kinh tế

Vì sao sản xuất, buôn bán hàng giả vẫn diễn biến phức tạp?

Đức Sơn 27/05/2025 07:50

Hàng loạt vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh… liên tiếp được phát hiện trong thời gian gần đây khiến dư luận hoang mang. Vậy, nguyên nhân vì đâu tình trạng thực phẩm giả, thuốc giả diễn biến phức tạp?

Anh bai tren
Đường dây sản xuất thuốc tân dược giả với số lượng lớn bị Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá. Ảnh: Công an Thanh Hóa.

Từ đầu năm 2025 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hàng trăm vụ việc, thu giữ số lượng rất lớn thực phẩm chức năng, thuốc điều trị bệnh… bị làm giả hoặc nhập lậu. Đáng lo ngại hơn, nhiều sản phẩm này được gắn mác “hàng ngoại”, quảng cáo “hiệu quả vượt trội” để đánh vào tâm lý chuộng hàng nhập của người tiêu dùng.

Một vụ việc gây chấn động dư luận vừa được Công an tỉnh Phú Thọ triệt phá đó là đường dây kinh doanh đa cấp có quy mô đặc biệt lớn, với số lượng thành viên gần 200.000 người, trong đó có 107.348 thành viên là người Việt Nam thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Đáng chú ý, đường dây này kinh doanh thực phẩm chức năng có chứa chất cấm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người dân, thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng.

Hay như vụ việc cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cùng một số cán bộ của Cục An toàn thực phẩm nhận tiền “lobby” của doanh nghiệp để cấp Giấy chứng nhận GMP, tạo điều kiện cho Công ty Mediusa và Công ty MediPhar sản xuất thực phẩm giả với số lượng lên tới hàng trăm tấn… Không riêng gì thực phẩm chức năng, nhiều loại thuốc tân dược, đặc biệt là thuốc trị bệnh mãn tính cũng bị làm giả tinh vi, tuồn ra thị trường tiêu thụ với số lượng lớn khiến người dân hoang mang.

Về các nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên cũng vừa được ngành chức năng nhận diện. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kiểm điểm tiến độ thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế vừa được tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhận định, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả đối với các mặt hàng như thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, thiết bị y tế … diễn biến ngày càng phức tạp và có xu hướng gia tăng, bất chấp nỗ lực của ngành Y tế.

Lãnh đạo Bộ Y tế chỉ rõ một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các vi phạm là khâu hậu kiểm tại địa phương còn yếu và thiếu đồng bộ. Nhiều sản phẩm sau khi lưu hành không được theo dõi, kiểm soát đầy đủ. Việc hậu kiểm ở các địa phương chưa được thực hiện nghiêm túc và thống nhất. Vì vậy, cần tăng cường cơ chế hậu kiểm, trao thêm quyền và trách nhiệm cho chính quyền địa phương, đồng thời dựa trên việc rà soát, đánh giá thực tế để thực hiện hiệu quả hơn.

Cũng tại Hội nghị này, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cho biết, từ những vụ khởi tố tội phạm sản xuất hàng giả, cơ quan chức năng xác định các nhóm thủ đoạn của những công ty sản xuất. Đó là lợi dụng cơ chế tự công bố sản phẩm, đăng ký tiêu chuẩn hàm lượng cao nhưng sản xuất không đúng tiêu chuẩn công bố; các sản phẩm thổi phồng tính năng công dụng, lừa dối người tiêu dùng nhằm mục đích trục lợi; các đối tượng thành lập nhiều doanh nghiệp, đăng ký tại nhiều địa điểm khác nhau, nhập nguyên liệu, nhà máy sản xuất, đăng ký sản phẩm, truyền thông, phân phối… hoạt động khép kín để hợp thức, trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng; có sự câu kết, móc nối với cơ quan chức năng, đơn vị liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp như cung cấp phiếu kiểm nghiệm khống để hợp thức hóa thủ tục xin công bố sản phẩm. Ngoài ra, cũng có một số tồn tại, vướng mắc, bất cập trong các văn bản pháp luật liên quan lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm…

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Bùi Thị An (nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII) nhìn nhận, giai đoạn vừa rồi các cơ quan chức năng đã phát hiện ra những ổ lớn về hàng giả, đặc biệt là liên quan đến sức khỏe con người cho thấy sự báo động xuống cấp của những người kinh doanh vô lương tâm đối với xã hội.

Nói về nguyên nhân tình trạng trên, bà An nhận định, thứ nhất là lỗi về quản lý. Cơ quan quản lý kiểm soát chưa chặt, hậu kiểm cũng chưa chuẩn nên để hàng lậu, hàng giả lọt ra thị trường một thời gian dài. Về giải pháp ngăn chặn, bà An cho rằng, trước hết là ở việc quản lý nhất là việc quản lý từ khâu cấp phép, phải xem chức năng thế nào, xem họ có đủ điều kiện để làm không. Thứ hai là kiểm tra thường xuyên, kết hợp với thanh tra định kỳ. Nếu không kiểm tra thường xuyên thì sẽ không phát hiện được các vi phạm. Đặc biệt là vấn đề hậu kiểm, xem sản phẩm làm ra có đảm bảo chất lượng hay không.

Bà An đề nghị việc quản lý sắp tới nên tập trung về một đầu mối, không nên để quá nhiều cơ quan quản lý. Nhiều đầu mối thì “người nọ nhìn người kia” cuối cùng người gánh chịu nhất hậu quả là người dân. Ảnh hưởng đến người dân tức là ảnh hưởng đến an sinh xã hội, quan trọng nhất là ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước.

“Vừa rồi thấy một số nguyên nhân là do quản lý lỏng lẻo. Tôi chưa biết sự lỏng lẻo đấy là do thiếu trách nhiệm hay là do có sự móc ngoặc lợi ích nên đề nghị các cơ quan chức năng phải làm rõ những vụ việc đã phát hiện rồi. Nguyên nhân tại sao, ai chịu trách nhiệm và ai tham gia vào đó, nhất là những người cán bộ quản lý mà dính vào thì phải xử thật nặng. Đồng thời công khai minh bạch toàn bộ danh tính những người dính líu. Cần kỷ luật thích đáng để họ không bao giờ dám tái phạm” - bà An nhấn mạnh.

Đức Sơn