Nỗ lực đưa vốn ra nền kinh tế
Mặt bằng lãi suất giảm và ổn định ở mức thấp là một trong những điều kiện kích thích tăng trưởng tín dụng.
.jpg)
Tín dụng tăng 3,95%
Tính đến ngày 15/4, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,95% so với cuối năm 2024, tích cực hơn kết quả của thời điểm này năm ngoái (tăng 1,21%).
Theo đánh giá chung, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm là một trong những yếu tố tác động tăng trưởng tín dụng. Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,6 -8,9%/năm. Mức lãi suất này giảm nhẹ so với mức 6,6-9,0%/năm trong tháng 3/2025.
Trong tháng 4/2025, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,9%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 4%/năm.
Khu vực ngân hàng đang nỗ lực bơm vốn ra nền kinh tế. Tại các “đầu tàu” kinh tế, tín dụng đang có mức tăng đáng ghi nhận. Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 2 cho biết, tính đến cuối tháng 4/2025, tổng dư nợ tín dụng (số liệu thực tế) trên địa bàn TPHCM đạt 4,046 triệu tỷ đồng, tăng 2,62% so với cuối năm 2024 và tăng 12,78% so với cùng kỳ.
Xét về quy mô, đây cũng là lần đầu tiên, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt ngưỡng kỹ thuật trên 4 triệu tỷ đồng và tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước: cùng kỳ năm 2024 tăng 1,31%; năm 2023 tăng 1,72%.
Đáng chú ý, tín dụng tiếp tục tập trung vào sản xuất kinh doanh và hỗ trợ cho các nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian tới, ngành ngân hàng thành phố tiếp tục bám sát thực hiện các chỉ đạo về chính sách tiền tệ của Chính phủ, NHNN. Đồng thời thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng tốc độ giải ngân các gói tín dụng ưu đãi lãi suất và giải ngân gói tín dụng trong Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp (DN) của thành phố... trị giá hơn 517.000 tỷ đồng của các tổ chức tín dụng đăng ký đầu năm nay.
Riêng tín dụng đối với 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu (đóng góp trên 60% GRDP của thành phố) như: thương mại, du lịch; truyền thông; khoa học công nghệ; y tế; giáo dục; tài chính; nghệ thuật vui chơi giải trí… đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, chiếm 35,4% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
Còn tại Hà Nội, tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn đến cuối quý I/2025 ước đạt 4,61 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 2,32% so với cuối năm 2024.
Tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm là nhờ các ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng linh hoạt các mức lãi suất nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN tiếp cận vốn. Nguồn vốn tín dụng tiếp tục được ưu tiên phân bổ vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các ngành nghề thiết yếu theo định hướng của Chính phủ.
Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn
Năm 2025 NHNN đã giao chỉ tiêu tăng tín dụng toàn hệ thống lên 16% đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tín dụng đúng trọng tâm, rà soát quy trình và chuyển đổi số để tạo thuận lợi để DN tiếp cận vốn.
Ngành ngân hàng cũng được yêu cầu giữ ổn định lãi suất tiền gửi và cho vay. Việc giảm lãi suất cho vay sẽ hỗ trợ DN và người dân trong việc tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Theo TS Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trần Liên Hưng, nguồn vốn chính là “máu” của DN. Các tổ chức tín dụng cần cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho cộng đồng DN nói chung, kinh tế tư nhân nói riêng. Chính phủ cần có chủ trương khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng cường cho vay dựa trên phương án kinh doanh thay vì chỉ dựa vào tài sản thế chấp. Đặc biệt là xây dựng cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa.
Nêu lên kiến nghị của mình, bà Nguyễn Thị Vinh - Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Công ty Thái Hưng cho rằng, thời gian tới, để hỗ trợ DN phục hồi và phát triển, cần điều chỉnh và thu hẹp khoảng cách lãi suất giữa cho vay và tiền gửi, đồng thời giảm chênh lệch mua - bán ngoại tệ; tiếp tục cải cách mạnh mẽ và cắt giảm các thủ tục hành chính, đặc biệt trong phê duyệt tín dụng.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, chính sách tài khóa cần được phát huy như một công cụ chủ chốt để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó, để tín dụng tăng trưởng lành mạnh, không chỉ các ngân hàng cần mở rộng tín dụng mà DN cũng phải chủ động nâng cao năng lực nội tại. DN cần cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tối ưu hóa dòng vốn và quản trị tài chính để sử dụng nguồn vốn vay một cách hiệu quả nhất.