Kinh tế

Chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế: Số tiền lên tới gần 17.700 tỷ đồng

Lê Bảo 27/05/2025 10:10

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 4, tiền chậm đóng BHXH, y tế, thất nghiệp lũy kế gần 17.700 tỷ đồng, trong đó số chậm 3 tháng trở lên chiếm gần 64%.

duoi(2).jpg
4 tháng đầu năm số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng. Ảnh: L.H.

Số người tham gia bảo hiểm xã hội gia tăng

Theo BHXH Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2025, nhiều đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn về tiêu thụ đơn hàng nên phải cắt giảm lao động tuy nhiên số người tham gia BHXH tăng hơn 1 triệu người. Cụ thể số người tham gia BHXH khoảng 18,579 triệu người; tăng 1,222 triệu người (tương đương 7,0%) so với cùng kỳ năm 2024 (trong đó: BHXH bắt buộc là 16,823 triệu người, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2024; BHXH tự nguyện là 1,756 triệu người, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2024. Số người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 15,123 triệu người, tăng 917,7 nghìn người (tương đương 6,5%) so với cùng kỳ năm 2024.

Đáng chú ý, theo BHXH Việt Nam tổng số thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 188.906 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, số tiền chậm đóng BHXH, y tế, thất nghiệp lũy kế gần 17.700 tỷ đồng, riêng số chậm 3 tháng trở lên chiếm gần 64%.

Có được kết quả trên theo BHXH Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2025, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp trọng tâm, như: Thực hiện giao chỉ tiêu phát triển người tham gia, giảm số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngay từ đầu năm 2025.

Đặc biệt tham mưu Bộ Tài chính ban hành công văn gửi các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nhằm tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế. Theo đó, các địa phương đã có văn bản chỉ đạo các Sở, ngành tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế trên địa bàn, huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị các địa phương trong công tác đảm bảo an sinh xã hội.

Kiên quyết từ chối thanh toán không đúng

Đối với lĩnh vực bảo hiểm y tế, BHXH Việt Nam cho biết, nếu như năm 2018, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 88,6% dân số thì đến đầu năm 2025 con số này là 94,2%.

Đặc biệt, nhóm hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 3,8 triệu người năm 2009 lên 24,9 triệu người trong tháng 4/2025 (tăng 8 lần). Đáng chú ý, trên toàn quốc, trong năm 2024 số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 186,2 triệu lượt người, thì đến 05 tháng đầu năm 2025, con số này đang được ghi nhận tăng nhanh và vượt trội so với cùng kỳ.

Theo BHXH Việt Nam, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Việc hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm y tế chưa được kịp thời cho một số nhóm đối tượng; còn tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm y tế của một số chủ sử dụng lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh của người lao động; khó khăn trong công tác quản lý đối tượng lao động khu phi chính thức tham gia bảo hiểm y tế; công tác giám định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại một số cơ sở y tế chưa thực sự chặt chẽ;... Bên cạnh đó, hiện nay còn một số chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt định mức kinh tế kỹ thuật, vượt dự toán…

Xuất phát từ thực trạng trên, để đảm bảo quyền lợi cho người dân, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho biết, toàn ngành sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế; kiên quyết từ chối thanh toán các chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế do cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đề nghị thanh toán không đúng quy định của pháp luật, sai hướng dẫn chuyên môn, phác đồ điều trị của Bộ Y tế; chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng để xác minh làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.

Lê Bảo