Sức khỏe

Cảnh báo viêm da nặng do sứa biển

TS.BS Phạm Thị Mai Hương (Khoa Da liễu, Bệnh viện Nhi Trung ương) 27/05/2025 12:16

Mùa du lịch biển đang tới gần cũng là lúc các ca tai nạn liên quan đến sinh vật biển, đặc biệt là sứa độc, có nguy cơ gia tăng. Gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận một trường hợp bé gái 10 tuổi bị viêm da nặng sau khi tiếp xúc với sứa biển tại bãi tắm.

Theo chia sẻ từ người nhà, khi đang vui đùa với sóng biển, bé gái phát hiện một vật thể trong suốt, có hình dáng đẹp mắt nên đã ôm lấy. Ngay sau đó, bé bị bỏng rát, sưng nề và nổi mụn nước tại vùng da tiếp xúc – dấu hiệu điển hình của phản ứng với độc tố từ xúc tu sứa.

Bệnh nhi được điều trị bằng kháng sinh toàn thân, thuốc giảm viêm, thuốc bôi và chăm sóc tại chỗ. Sau một tuần, tình trạng cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong nhiều ca tổn thương da nghiêm trọng do sứa mà bệnh viện đã tiếp nhận trong mùa biển những năm gần đây.

Cơ thể sứa chứa đến 95% là nước, phần còn lại là các cấu trúc protein và hệ thần kinh đơn giản. Thế nhưng, trên các xúc tu của sứa lại chứa hàng triệu tế bào châm nhỏ li ti có thể tiết độc tố. Khi tiếp xúc với da người, những tế bào này phóng ra gai độc, đâm xuyên qua biểu bì và tiêm độc tố vào cơ thể.

Độc tố sứa bao gồm protein phá vỡ màng tế bào, enzyme phá hủy mô và các chất gây dị ứng mạnh. Tùy loài sứa, nạn nhân có thể chỉ bị sưng ngứa thông thường, nhưng cũng có trường hợp đau bỏng, loét da, sốc phản vệ hoặc thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Tại các vùng biển Việt Nam, 3 loài sứa độc phổ biến là sứa lửa, sứa bắp cày và sứa vòng. Sứa lửa có thể gây bỏng rát dữ dội và tổn thương da kéo dài. Sứa bắp cày được coi là loài nguy hiểm nhất, có thể khiến nạn nhân đau như bị sắt nung đốt. Trong khi đó, sứa vòng tuy nhỏ nhưng độc tố cũng đủ gây viêm loét nghiêm trọng.

Ngay khi trẻ tiếp xúc với sứa và xuất hiện triệu chứng như bỏng rát, sưng phù, phụ huynh cần giữ bình tĩnh và không để trẻ cử động nhiều. Việc đầu tiên là lấy sứa ra khỏi người trẻ bằng dụng cụ hoặc găng tay, tuyệt đối không dùng tay trần.

Sau đó, nên rửa vết thương bằng nước biển, không dùng nước ngọt vì dễ kích thích xúc tu tiết thêm độc tố. Nếu có sẵn giấm (acid acetic 3 - 5%), có thể sử dụng để trung hòa độc tố. Dùng thẻ nhựa cạo nhẹ bề mặt da giúp loại bỏ tế bào độc còn sót lại. Chườm ấm hoặc dùng thuốc giảm đau như paracetamol có thể giúp trẻ dễ chịu hơn.

Điều quan trọng là phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá và điều trị chuyên sâu, tránh nguy cơ biến chứng về da, nhiễm trùng hay sốc phản vệ.

Để phòng tránh, các bậc phụ huynh cần hướng dẫn trẻ cách nhận diện sứa, không tiếp xúc với sinh vật lạ trong nước biển, mặc đồ bơi dài tay khi xuống tắm và luôn đọc kỹ cảnh báo an toàn tại bãi biển.

Việc trang bị kiến thức cơ bản về sứa độc và sơ cứu ban đầu sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, đối tượng dễ tổn thương nhất khi xảy ra tai nạn. Một phút tò mò có thể dẫn đến hậu quả kéo dài nhiều tuần. Vì vậy, đừng để kỳ nghỉ hè trở thành nỗi ám ảnh vì thiếu hiểu biết.

TS.BS Phạm Thị Mai Hương (Khoa Da liễu, Bệnh viện Nhi Trung ương)