Tinh hoa Việt

Đếm sao đêm hè

Đăng Ngọc 02/07/2025 14:38

Đêm hè, bầu trời xanh thanh khiết. Cỏ mật trong vườn ngủ sau ngày nắng, nhả hương dịu ngọt trong gió trời thênh thang. Ngửa mình trên chiếc chiếu trải sân, nhìn phong vân biến hóa cuộn tròn từng vòm lơ lửng, rồi hình chim, hình thú trôi đi, hiển lộ sao trời.

piclumen-1750727650835.png

1. “Một ông sao sáng /Hai ông sáng sao…” trẻ con chúng tôi ai cũng nằm lòng câu đồng dao ấy, còn tạc dạ câu của người lớn: “Trên trời có ông sao Thần /Bốn mùa chỉ lối cho dân ăn làm /Sang xuân Thần cúi lom khom /Là mùa trồng đậu, dân làng biết chăng /Bước sang tháng chín rõ trăng /Lưng thần hơi đứng là đang gặt mùa”. Sự biến đổi của sao Thần Nông chỉ cách gieo trồng mùa vụ cho nông dân. Còn các sao Hôm, sao Mai chỉ thời gian sớm tối, sao Nam Tào, Bắc Đẩu chỉ hướng cho những người đi rừng, đi biển.

Thời ấu thơ tôi nhẹ nhàng trôi qua không chỉ với đồng dao, còn với những chuyện cổ tích, thần thoại về các vì sao cùng trời đêm huyền bí. Chòm Bắc Đẩu mà người dân quê ta gọi là sao “Gầu Sòng”, vì trông giống cái gầu tát nước. Còn theo truyện cổ tích, thì Nam Tào và Bắc Đẩu vốn là hai anh em sinh đôi trong một gia đình nông dân nghèo. Hai anh em, lúc nhỏ quặt quẹo, lớn lên có trí nhớ phi thường - nhớ được tất cả mọi chuyện xảy ra trên thế gian. Ngọc Hoàng liền ra lệnh tuyển hai anh em lên làm quan trên trời, giúp Ngọc Hoàng ghi nhớ việc sinh, tử của loài người. Nam Tào ghi chép sổ sinh đứng bên trái, tức phương Nam, còn Bắc Đẩu ghi chép sổ tử đứng ở bên phải, tức phương Bắc. Họ ghi chép lại thiên mệnh từng người dưới trần gian từ khi sinh tới khi chết. Hai vị này còn ban số kiếp giàu sang, nghèo hèn cho con người.

Truyện ấy như sợi dây vô hình xoắn xuýt vào trí nhớ, kích thích tôi tìm đọc nhiều truyện về sao, như Ngưu Lang - Chức Nữ. Cặp đôi bị Ngọc Hoàng chia ly, sống ở đôi bờ sông Ngân Hà. Nhưng dòng sông trời từ đâu mà có? Tôi lại tìm được câu trả lời ở truyện “Vì sao có sao?” Và bây giờ vẫn lấp lánh chi tiết bà mẹ Thần tiên dỗ dành đứa con gái hay khóc, vì cô bé phải sống đơn côi ở bìa rừng: “Mẹ sẽ tặng con một món quà đặc biệt - giọt nước mắt. Mỗi giọt nước mắt của con người trên thế gian sẽ đọng thành một viên ngọc gắn lên bầu trời. Những giọt nước mắt vui có màu xanh, những giọt nước mắt buồn mang màu đỏ”. Thế rồi bầu trời đen như mực vụt hiện ra những vì sao lấp lánh mầu xanh, màu đỏ quyện với nhau thành giải Ngân Hà.

Khi là pháo thủ, những đêm trực chiến cùng nòng pháo ngước nhìn trời sao đêm tôi lại truy tìm sao và nhớ về bài giảng địa lý của các thầy thời học phổ thông: Quỹ đạo của trái đất quay xung quanh mặt trời là hình elip. Nhưng mặt trời không ở trung tâm hình elip mà nằm chệch đi. Mùa hè là lúc trái đất gần mặt trời nhất nên có nhiệt độ cao nhất, và ngày dài hơn đêm. Còn mùa đông là khi trái đất xa mặt trời, nên nhiệt độ xuống thấp. Đêm dài hơn ngày. Còn sao? Mỗi ngôi là một tiểu hành tinh. Sao nào gần trái đất thì nhìn càng sáng và ngược lại. Sao Khuê là một trong những ngôi gần trái đất.

Đó là tên một ngôi sao trong chòm 28 ngôi, có 16 ngôi hình díc dắc giống chữ “Văn” trong chữ Hán. Sao Khuê được lấy làm biểu tượng của văn chương, khoa học.Vua Lê Thánh Tông lập Hội Tao Đàn tuyển chọn 28 vị văn tài là ứng với 28 ngôi sao là thế. Những nhà bác học tài giỏi nước ta thời xưa được ví “như sao Khuê”. Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo mà các cháu vẫn học, được Lê Thánh Tông cho tạc bia với dòng chữ: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo, tức "Tấm lòng Ức Trai sáng tựa sao Khuê”.

2. Ngắm sao đổi ngôi luôn là khoảnh khắc mong đợi của anh em tôi những hè xưa. Mỗi khi thấy sao vạch một đường sáng là vỡ oà cảm xúc. Và một câu hỏi, “vậy là sao có cánh để bay ư?” Người lớn cũng chỉ biết trả lời “trời sinh ra thế”. Lớn hơn, học cao hơn mới biết, hiện tượng sao đổi ngôi hay còn gọi sao rơi, sao băng là do các ngôi sao được tạo từ các tảng băng, chứ không phải từ đất đá mà ta vẫn gọi là “thiên thạch”. Khi sao băng vỡ ra ma sát với khí quyển phát nhiệt vạch đường sáng chói. Còn sao Chổi (Halley-tên của nhà thiên văn phát hiện sao này) mà ông cha ta bảo, mỗi khi nó xuất hiện là điềm xấu, cũng chỉ là một hiện tượng sao băng. Nó có cái đuôi giống như cái chổi, vì khi đi gần mặt trời băng nóng chảy tóe ra. Đuôi của sao Chổi ngày càng cụt đi do băng dần tan chảy.

Chắc chắn nhiều bí mật của sao sẽ được khoa học vũ trụ làm sáng tỏ. Nhưng huyền thoại về sao và bầu trời dù xa xưa đến mấy vẫn đồng hành cùng khoa học ở tầng triết lý nhân sinh, ví như chuyện “Sao xin đổi vị trí”. Mỗi ngôi sao là một vị thần phụng sự mặt trời và có vị trí nhất định. Vậy mà một ngôi sao nhỏ lại xin thần Zớt - người trị vì bầu trời trong thần thoại Hy Lạp, như thế này: Con không thích đứng ở đường chân trời. Ở đó không có gì nổi bật cả. Zớt trả lời: Quan trọng là con có tỏa sáng ở nơi mình đang đứng hay không. Bao nhiêu tầng ý nghĩa trong câu chuyện ngắn, nghĩa tối thiểu mà một học trò trung học cũng có thể giải mã qua lời Zớt, rằng “không phải là mình đứng ở đâu mà là sự nỗ lực tự tỏa sáng của bản thân”. Dù ở bất cứ vị trí nào, làm bất cứ công việc gì, nếu ta cố gắng thì sẽ khảng định được giá trị bản thân và sẽ tỏa vẻ đẹp cho đời. Nhận thức đúng vị trí của mình cũng là coi trọng bản thân.

3. Tôi có lúc cũng chợt nghĩ tới xem mình ứng với sao nào? Nhưng rồi cứ hồn nhiên, nhẹ nhõm sống với những gì mình có. Đêm phố. Tôi độc hành trên vỉa hè đón gió, thỉnh thoảng tìm sao Mục Đồng (người chăn bò) sống lại tuổi thơ mà thêm yêu quê hương xứ sở, yêu bầu trời chở đầy cổ tích. Rồi bỗng sáng lên hình ảnh bà, mẹ qua bài thơ “Những ngôi sao hình quang gánh” của Nguyễn Phan Quế Mai.Tác giả tôn vinh người bán hàng rong như một ngôi sao. Những con người lam lũ ấy không chỉ mang tới người mua những mùa hoa quả, nắng mưa mà cả những mùa ký ức. Bà, mẹ tôi về miền mây trắng đã lâu rồi, nhưng đôi quang gánh của bà, mẹ thi thoảng vẫn lắc lư trong giấc mơ. Chiếc đòn gánh mòn nhẵn cùng đôi quang gánh trên đôi vai chai sần theo năm tháng của các bậc sinh thành lo miếng ăn, manh áo cho cả nhà vẫn in dấu khắp nẻo đường quê. Bà và mẹ gánh luôn trên vai bao nỗi cơ cực để cho cháu, con mình được nhẹ bước đường đời.

Nếu cuộc đời là bầu trời thì mỗi người là một ngôi sao tỏa sáng theo cách của riêng mình.Tỏa sáng không có nghĩa là tỏ ra khác người để nổi bật, càng không phải gây sốc bằng lời nói, việc làm “khác thường” để mọi người chú ý. Vậy mà giờ thấy nhiều “sao” tiếp thị cho buôn bán, làm hàng rởm. Sao nghệ thuật thì gây sốc trên mạng xã hội bằng cách tung video, hình ảnh phản cảm, hoặc phát ngôn mang nhiều ẩn ý để câu view, câu like, khiến mình nổi tiếng hơn.

Nhà triết học Jean-Paul Sartre trong thập niên 1980, có một câu nói ngắn gọn, rất dễ nhớ: “Con người là tự mình lựa chọn”. Tôi vẫn nhủ mình, lựa chọn là việc của bản thân và phải chịu trách nhiệm với sự chọn lựa ấy. Không có ngôi sao nào chiếu mệnh như các thầy Tử vi đẩu số vẫn làm mê hoặc nhiều người. Đừng chấp nhận số phận đã an bài, phải tìm kiếm, khát khao một ước mơ nào đó hợp sức mình mà vươn tới. Có biết bao tấm gương vượt lên số phận đó thôi. Đừng “an phận thủ thường”.

Đăng Ngọc