Thực phẩm, thuốc giả: Từ hồi chuông cảnh tỉnh đến cuộc tổng phản công
Thời gian qua, hàng loạt vụ việc liên quan đến thực phẩm chức năng, thuốc giả được phát hiện tại nhiều địa phương. Trước thực trạng nói trên, các cơ quan chức năng phải chuyển từ bị động sang chủ động. Chiến dịch cao điểm được phát động trên toàn quốc, với thông điệp mạnh mẽ từ Tổng Bí thư Tô Lâm và chỉ đạo rõ ràng từ Chính phủ.
.jpg)
Người tiêu dùng trong vòng vây thực phẩm giả, thuốc giả
Trong những tháng đầu 2025, dư luận đặc biệt chú ý khi Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn, liên quan tới Công ty Rance Pharma và Hacofood Group. Tại thời điểm bị triệt phá, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai với các thành phần công bố trên sản phẩm như: chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này.
Gần như cùng thời điểm, Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá một đường dây sản xuất – buôn bán thuốc tân dược giả quy mô, thu giữ gần 10 tấn tang vật gồm nhiều loại thuốc điều trị phổ biến như xương khớp, bổ sung dinh dưỡng
Tại Hà Nội, lực lượng chức năng thu giữ gần 100 tấn thực phẩm chức năng và thiết bị y tế trong một đường dây phân phối không có giấy phép. Tại Biên Hòa (Đồng Nai), một cơ sở đóng gói thuốc ngay trong khu dân cư bị phát hiện chia liều bằng tay, gắn nhãn ngoại ngữ và phân phối qua mạng xã hội. Các sản phẩm này không có bất kỳ giấy phép sản xuất, kiểm nghiệm hay hồ sơ lưu hành nào.
Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội đã phát hiện 2 cơ sở bán lẻ thuốc bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đó là nhà thuốc Đức Anh mua bán thuốc không có nguồn gốc, thuốc nhập lậu và thuốc giả (7 thuốc trong đó có thuốc giả Nexium); nhà thuốc An An mua bán thuốc Theophylline extended-release tablets giả. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục truy tìm nguồn gốc các thuốc này.
Cùng lúc, nhiều tỉnh khác như Nghệ An, TP.HCM, Đắk Lắk cũng thu giữ các lô hàng thực phẩm chức năng có dấu hiệu gian lận về xuất xứ, thành phần, hoặc ghi nhãn sai.
Hàng loạt vụ việc về thực phẩm giả, thuốc giả khiến dư luận lo ngại, người tiêu dùng băn khoăn và trở thành chủ đề nóng tại Nghị trường.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu cũng mạnh mẽ lên tiếng, đặt vấn đề về trách nhiệm của các đơn vị quản lý về thực trạng nguy hiểm, gây hại cho sức khỏe người dân. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, những vụ việc dồn dập được phát hiện trong thời gian ngắn không còn là hiện tượng cá biệt mà đã phản ánh một nguy cơ hệ thống.
Nguyên nhân thực phẩm giả, thuốc giả lộng hành
Theo TS Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, thuốc giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn trực tiếp đe dọa tính mạng người bệnh. Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thuốc giả xâm nhập từ bên ngoài, lan rộng qua kênh trực tuyến, là mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Mặc dù hệ thống quản lý dược tại Việt Nam đã được thiết lập tương đối đầy đủ – gồm Luật Dược, Bộ luật Hình sự và các nghị định, thông tư hướng dẫn – nhưng theo ông Hùng, công tác phòng chống vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng. Các đối tượng làm giả chia nhỏ quy trình sản xuất để né kiểm tra, không cần nhà xưởng cố định và tận dụng mạng xã hội làm kênh tiêu thụ. Một số nhà thuốc bán lẻ chưa tuân thủ quy định, bán thuốc không hóa đơn, không truy xuất được nguồn gốc – tạo điều kiện cho hàng giả xâm nhập vào hệ thống phân phối chính thống.
Về năng lực kỹ thuật, ông Hùng cho biết hiện có ba viện kiểm nghiệm trung ương và 62 trung tâm cấp tỉnh, nhưng nhiều nơi còn thiếu thiết bị hiện đại, chưa đủ khả năng kiểm tra nhanh tại chỗ. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực này cũng chưa đủ sức răn đe, với những mặt hàng không rõ nguồn gốc có giá trị nhỏ, chưa đủ yếu tố cấu thành hình sự.
Nhiều cơ sở bị phát hiện sai phạm chỉ bị xử phạt từ 30–50 triệu đồng. Trong khi đó, một chiến dịch quảng bá hàng giả trên nền tảng mạng xã hội có thể thu về doanh thu gấp hàng chục lần. Chế tài hình sự chỉ áp dụng khi xác định rõ thiệt hại, nhưng việc định lượng trong lĩnh vực y tế là rất khó – với các sản phẩm có tính chất bổ sung hoặc chưa gây hậu quả trực tiếp.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Huy Quang – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nhận định: “Pháp luật không thiếu, nhưng giám sát thị trường còn nhiều lỗ hổng.” Đa phần sản phẩm được phép lưu hành trước rồi mới hậu kiểm, biến người tiêu dùng thành vòng lọc cuối cùng.
Điển hình là vụ việc xảy ra tại Công ty Rance Pharma – Hacofood (4/2025). Cơ quan chức năng phát hiện hơn 26.000 lon sữa, với 12 sản phẩm chỉ đạt dưới 70% chất lượng công bố. Đường dây bị bóc trần sau khi người tiêu dùng lên tiếng, không phải từ hệ thống giám sát chủ động.
Ngoài ra, cơ chế quản lý còn phân tán: dược phẩm do Cục Quản lý Dược quản lý; thực phẩm chức năng thuộc Cục An toàn thực phẩm; mỹ phẩm và hàng hóa tiêu dùng lại do lực lượng quản lý thị trường giám sát. Phân chia chức năng nhưng không có đầu mối thống nhất dẫn đến hiện tượng “lọt giữa khe”.
Chiến dịch toàn diện - khi hệ thống chính trị đồng loạt vào cuộc
Sau hàng loạt vụ việc bị phát hiện đầu năm 2025, ngày 2/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 23/CĐ-TTg, phát động cao điểm đấu tranh chống hàng giả, tập trung vào thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm và thiết bị y tế. Các lực lượng được yêu cầu hành động quyết liệt, không hình thức; xử lý triệt để các đường dây và cá nhân tiếp tay, kể cả trong bộ máy công vụ.
Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sáng 16/6/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: “Thực phẩm, thuốc chữa bệnh tuyệt đối không được làm giả.”
Lời khẳng định ngắn gọn nhưng đanh thép này không chỉ thể hiện lập trường chính trị nhất quán mà còn tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ trên toàn hệ thống chính quyền và lực lượng thực thi pháp luật.
Phát biểu của Tổng Bí thư được đưa ra trong bối cảnh chiến dịch truy quét thực phẩm chức năng, thuốc và mỹ phẩm giả đang vào giai đoạn cao điểm, cho thấy mối quan tâm sâu sắc của người đứng đầu Đảng đối với sức khỏe nhân dân và sự lành mạnh của thị trường y dược. Truyền thông ghi nhận, ngay sau phát biểu này, nhiều địa phương đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm. Một số tiểu thương trên phạm vi cả nước đã chủ động tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc để tránh bị xử phạt.
Không dừng ở chỉ đạo điểm, tại Hội nghị sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm của Đảng ủy Công an Trung ương chiều 19/6, Tổng Bí thư tiếp tục nhấn mạnh: cần tăng cường vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong việc bảo vệ trật tự xã hội, phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, trong đó có tội phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng – đặc biệt là trong lĩnh vực y tế.
Từ hai sự kiện nối tiếp trong cùng một tuần, có thể thấy thông điệp nhất quán được truyền đi từ cấp cao nhất: đây không chỉ là một chiến dịch quản lý ngành, mà là một cuộc chiến tổng lực vì sức khỏe cộng đồng, vì kỷ cương của pháp luật và vì niềm tin vào hệ thống.