Tinh hoa Việt

Nhà thơ Lữ Mai: Nơi Trường Sa, thấy tim mình đập cùng nhịp với đất nước

Việt Quỳnh (thực hiện) 03/07/2025 08:45

“Có những chuyến đi vừa để ta đặt chân đến một vùng đất, nhưng quan trọng hơn là để gặp lại, trở về một phần sâu kín trong chính mình. Trường Sa luôn hiện hữu trong tâm trí tôi như biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc, của những người lính giữa trùng khơi và cả những vần thơ tôi chưa viết hết”. Nhà thơ/ nhà báo Lữ Mai tâm sự.

chan dung Lu Mai va xa bong Truong Sa
Nhà thơ Lữ Mai bên bộ xà bông Trường Sa.

Năm 2019, khi nhận được lời mời tham gia đoàn công tác, nhà thơ Lữ Mai thực sự xúc động, biết ơn và cảm thấy mình may mắn bởi nhiều người cũng có nguyện vọng này mà chưa thể hiện thực hóa.

Mang theo nhiều cảm xúc đan xen. Hồi hộp bởi lần đầu tiên sẽ lênh đênh nhiều ngày giữa đại dương, lo lắng vì không biết sức khỏe có chịu được không, và trên tất cả là một cảm giác trang nghiêm. Nhà thơ Lữ Mai đọc lại những bài thơ về biển đảo, chuẩn bị cả những món quà nho nhỏ cho quân và dân trên đảo và dặn mình rằng: hãy mở lòng ra, để lắng nghe nhiều hơn là nói, để cảm nhận nhiều hơn là ghi chép.

Sau chuyến đi, cảm giác của chị là được "thanh lọc". “Trường Sa là nơi chúng ta tự hào khẳng định chủ quyền, cũng là nơi để người ta thấu rõ hơn về lòng yêu nước, về sự hy sinh thầm lặng của những con người ngày đêm bám biển”. Nhà thơ Lữ Mai chia sẻ. “Tôi từng đi nhiều nơi, nhưng chưa bao giờ thấy một vùng đất nào khiến mình phải lặng im lâu đến thế. Lắng sâu để nghe tiếng sóng, tiếng gió, tiếng tim mình đập cùng một nhịp với đất nước”.

Đã từng đi nhiều miền đất nước, khi đến với Trường Sa, khác biệt lớn nhất mà nhà thơ Lữ Mai nhận thấy, chính là ở cảm xúc. Những hành trình trước đây, chị mang theo sự háo hức của một người khám phá. Nhưng với Trường Sa, chị mang theo lòng kính trọng và biết ơn. Mỗi điểm đảo, mỗi ánh mắt, nụ cười, giây phút ưu tư... đều khiến chị soi lại chính mình: sống đã đủ sâu sắc chưa, viết đã đủ thành tâm chưa? Chuyến đi là hành trình trở về bên trong hơn là vươn tới bên ngoài.

“Nhiều kỷ niệm lắm, nhưng nếu phải chọn, tôi sẽ nói đến tiếng còi tàu buổi sớm. Đó như một tiếng gọi thức dậy của lòng yêu nước”. Nhà thơ Lữ Mai nhớ lại. “Còn những gương mặt trẻ thơ nơi đảo xa, có em chưa bao giờ thấy phố thị mà ánh mắt cứ long lanh, sáng rực niềm tin. Tôi còn nhớ bàn tay những người lính chìa ra giúp tôi bước từ xuồng lên đảo giữa sóng lớn, bàn tay ấm, chắc, truyền sang tôi cả niềm tin và ân tình như dành cho quê hương, tình thân ruột thịt”.

Trên đảo, nhà thơ Lữ Mai đã gặp nhiều người lính trẻ trung, luôn nở nụ cười. Nhưng có những lúc rất tình cờ, giữa những giây phút yên ắng trong sắc hoàng hôn nghiêng bóng trên sân đảo, chị nhìn thấy ánh mắt họ mang một miền lặng sâu. Đó không hẳn là nỗi buồn mà là niềm thương nhớ:

nt Lu Mai cung cac chien si tai Truong Sa
Nhà thơ Lữ Mai và các chiến sĩ Trường Sa. Ảnh: Trần Thành.

“Nơi đảo xa, sóng to gió lớn không làm họ chùn bước. Những người lính khác có vợ mới sinh con đầu lòng, mỗi ngày tranh thủ từng phút sóng điện chập chờn để gọi về. Giọng chuyện trò nhẹ tênh mà trong đôi mắt rưng rưng là cả một trời yêu thương gửi về đất liền. Những đứa trẻ lớn lên bên mẹ và các em sẽ lớn lên trong niềm tự hào bởi cha các em là người lính. Trên mỗi cây bàng vuông, mỗi lá cờ phấp phới trong gió, có bóng dáng của những người lính mang trong tim Tổ quốc và cả niềm riêng không lời. Họ vững vàng giữa đại dương khi sâu thẳm là tình cảm rất con người: nhớ cha mẹ già bên bậu cửa, nhớ vợ, nhớ con thơ đang bi bô tập nói tiếng "cha". Chính những nỗi nhớ âm thầm ấy đã hóa thành sức mạnh”.

Từ cảm xúc, sâu lắng đó, nhà thơ Lữ Mai đã cho ra mắt tập trường ca "Ngang qua bình minh", bộ sách "Nơi đầu sóng" - "Mắt trùng khơi".

“Tôi viết như hồi đáp của người làm thơ trước biển đảo quê hương". Nhà thơ Lữ Mai tâm sự. “Chuyến đi Trường Sa là chất xúc tác mạnh mẽ, nhưng sâu xa hơn, tôi muốn viết để trả một phần rất nhỏ của món nợ ân tình với những con người tôi đã gặp, với những đảo nhỏ tôi từng đặt chân và cả những nơi tôi chưa kịp tới. Tựa đề "Ngang qua bình minh" chính là cảm hứng từ hình ảnh của con tàu chở chúng tôi rẽ sóng mỗi sớm, giữa trời và biển, giữa bóng tối và ánh sáng cũng như hành trình tâm hồn tôi, đi qua một vùng thinh lặng để nhận về những điều chưa từng gọi tên.

Tôi viết tập trường ca này khá nhanh, chỉ một vài tháng sau khi kết thúc chuyến đi nhưng thực ra, mạch cảm xúc đã âm ỉ từ khi tôi bước chân lên boong tàu đầu tiên và cứ thế chảy tràn. Mỗi khi viết, tôi đau đáu với ký ức, tiếng còi tàu, gương mặt người lính, từng đợt sóng biển dội thành tàu lúc nửa đêm... Có những đoạn viết xong, tôi ngồi lặng. Tôi quan niệm, thơ ca không cần là kỹ thuật mà cần niềm thành kính với cuộc đời”.

Bộ sách "Nơi đầu sóng" và "Mắt trùng khơi" là hành trình văn chương và hình ảnh, được kết tinh từ tình yêu Tổ quốc, từ những chuyến đi thật sự đến nơi đầu sóng gió. Nhà thơ Lữ Mai đồng hành trong bộ sách này cùng anh Trần Thành - người kỹ sư, nhiếp ảnh gia đã 12 lần đến Trường Sa. Những bức ảnh, kỷ niệm của anh là ký ức sống động, là những mảnh ghép chân thật về cuộc sống nơi đảo xa:

“Tôi viết bằng nước mắt, bằng cả sự im lặng sau những câu chuyện giản dị mà xúc động về người lính, người dân nơi đảo”. Nhà thơ Lữ Mai xúc động, nói. “Bộ sách là cách tôi và anh Trần Thành nhắn gửi về đất liền rằng: Trường Sa không là nơi con người hiện hữu bằng sự hy sinh và ý chí kiên cường, bằng tình yêu và lòng tin sắt son. Điều duy nhất chúng tôi muốn là mang đến một nhịp cầu từ Trường Sa đến từng trái tim nơi đất liền. Khi bạn đọc lật giở từng trang sách, cũng sẽ nghe thấy tiếng sóng vỗ, nghe tiếng bước chân người lính đi trong gió sớm, thấy lá cờ đỏ tung bay giữa trời xanh vô tận. Bộ sách cũng là lời tri ân. Với những người đã nằm lại giữa đại dương, với những người đang ngày đêm canh giữ biển trời, với bạn đọc - những người chưa từng đặt chân đến Trường Sa nhưng luôn dõi theo bằng trái tim. Với riêng tôi, khi đặt dấu chấm cuối cùng cho "Nơi đầu sóng" hay khi lựa chọn bức ảnh cuối cùng cho "Mắt trùng khơi" là khi tôi thấy mình đã sống thêm một đời - đời của yêu thương, thấu cảm và biết ơn vô hạn”.

Thời gian này, nhà thơ Lữ Mai thường xuyên giới thiệu Bộ xà bông về Trường Sa. Đây là một sản phẩm được chị ấp ủ từ khi trở về đất liền với mong muốn gắn hình ảnh biển đảo, hình ảnh người lính vào những điều nhỏ bé, đời thường nhất như một bánh xà bông:

“Trong mỗi bánh xà bông ấy có mùi hương của biển, màu của ánh nắng ban mai, có thơ ca vang trên nền tiếng sóng và chim hải âu... Đặc biệt là tình cảm của người ở đất liền dành cho đảo xa. Chúng tôi muốn mỗi người khi dùng, khi cầm lên, sẽ nghĩ đến Trường Sa dịu dàng mà bền bỉ, gian lao mà bất khuất kiên cường”.

Việt Quỳnh (thực hiện)